Sớm bố trí vốn hỗ trợ Dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả
Không phải là dự án đầu tiên thực hiện theo hình thức đối tác công-tư (PPP) nhưng hầm đường bộ qua Đèo Cả được đánh giá là mô hình kiểu mẫu của công trình hạ tầng giao thông thực hiện theo hình thức này.
Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả không phải là một công trình riêng lẻ đơn thuần mà là tổ hợp gồm nhiều công trình liên hoàn: hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân 2. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Đến nay, toàn bộ các công trình thuộc Dự án đã được nhà đầu tư triển khai thi công hoàn thành theo đúng cam kết tại hợp đồng, đảm bảo an toàn, chất lượng.
Tuy nhiên, Dự án đang gặp khó khăn do chậm bố trí 1.180 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước; cơ chế trạm thu phí tại trạm La Sơn-Túy Loan chưa được giải quyết dứt điểm, đã ảnh hưởng đến nguồn kinh phí vận hành, bảo trì các công trình hầm và phương án trả nợ ngân hàng theo hợp đồng đã ký kết.
Đề xuất sớm bố trí nguồn vốn hỗ trợ dự án
Đầu tháng 7 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 5373/BKHĐT - PTHTĐT về nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ Dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả theo đề xuất trước đó của Bộ GTVT.
Tại công văn này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị bố trí vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã phân bổ của Bộ GTVT là 1.180 tỷ đồng để tham gia đầu tư Dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả cho các hạng mục: Hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư toàn bộ Dự án (bao gồm hầm Đèo Cả và hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân); hỗ trợ xây dựng hạng mục hầm Đèo Cả thuộc Dự án như đề xuất của Bộ GTVT.
Đồng thời Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ giao 1.180 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách Trung ương đã phân bổ cho Bộ GTVT cho Dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị giao Bộ GTVT rà soát thủ tục đầu tư và chịu trách nhiệm giao kế hoạch vốn hằng năm theo thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định pháp luật về đầu tư công.
Trong vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ GTVT chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung số liệu báo cáo; các đề xuất về phạm vi và số vốn 1.180 tỷ đồng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; điều chỉnh mở rộng bổ sung hạng mục Dự án; sự phù hợp của việc sử dụng số vốn trái phiếu Chính phủ (3.868 tỷ đồng) đã giải ngân cho Dự án đảm bảo đúng mục đích, đối tượng quy định tại Nghị quyết số 65/2013/QH13 ngày 28/11/2013 của Quốc hội về phát hành bổ sung và phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 – 2016 và quy định pháp luật về đầu tư công; hoàn tất các thủ tục đảm bảo sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ Dự án đúng quy định và hiệu quả đầu tư.
Cần khẩn trương tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư
Không phải là dự án đầu tiên thực hiện theo hình thức đối tác công-tư (PPP) nhưng hầm đường bộ qua Đèo Cả được đánh giá là mô hình kiểu mẫu của công trình hạ tầng giao thông thực hiện theo hình thức này. Qua 7 đợt thanh tra và kiểm tra của Bộ Xây dựng, Kiểm toán Nhà nước đều chỉ ra rằng, quá trình thực hiện dự án bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, dự án được rút ngắn tiến độ, chất lượng bảo đảm và tiết giảm tổng vốn đầu tư.
Đại diện Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, số tiền 1.180 tỷ đồng hơn 5 năm qua chưa được giải ngân gây thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư.
“Từ năm 2017-2023, dự án phát sinh lãi vay do chưa được giải ngân nguồn vốn 1.180 tỷ đồng là 628 tỷ đồng. Từ năm 2024 trở đi với lãi suất nhận nợ ngân hàng 10,5%/năm thì mỗi năm lãi vay sẽ phát sinh thêm 125 tỷ đồng”, đại diện nhà đầu tư chia sẻ.
Bên cạnh đó, doanh thu hoàn vốn dự án còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không còn 2 trạm thu phí La Sơn-Túy Loan và Nam Hải Vân. Do vậy, từ năm 2018 - 2023, dự án thất thu khoảng 485 tỷ đồng và dự kiến từ năm 2024-2045, dự án sẽ thất thu khoảng 9.574 tỷ đồng.
“Mặc dù nhà đầu tư và Vietinbank (ngân hàng tài trợ vốn) đã nhiều lần báo cáo cơ quan có thẩm quyền các vướng mắc nêu trên nhưng đến nay vẫn kéo dài, chưa được giải quyết. Điều này dẫn đến dự án nợ đọng chi phí giải phóng mặt bằng; thiếu nguồn để trả nợ cho Vietinbank; thiếu nguồn để thanh toán cho các nhà thầu do ngân hàng dừng giải ngân”, đại diện nhà đầu tư cho biết thêm.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, nhà đầu tư mong muốn được làm việc với Bộ GTVT, Vietinbank để thống nhất phương án trả nợ theo tình hình thực tế. Đồng thời, tháo gỡ các vướng mắc về nguồn vốn ngân sách nhà nước, trạm thu phí được giao, điều chỉnh giá vé để có cơ sở quyết toán, xác định thời gian thu phí hoàn vốn của dự án.
Theo Phan Trang
VGP