Giá gạo bán lẻ trong nước quay đầu giảm
Cùng với đà giảm của giá lúa, gạo xuất khẩu, hiện giá gạo bán lẻ trong nước đã quay đầu giảm với biên độ khá rộng và tập trung phân khúc gạo bình dân.
Giá gạo bán lẻ giảm với biên độ rộng
Giữ thói quen đi chợ dân sinh, chị Thu Trang (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) ghé đại lý gạo trên đường Kim Ngưu để mua gạo. Lúc thanh toán, chị khá ngạc nhiên khi thấy giá gạo trong nước giảm khá nhiều.
“Thông thường, mỗi tháng, tôi chỉ mua gạo một lần. Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, tôi cũng được người quen tặng một ít gạo. Nhu cầu sử dụng gạo dịp Tết không nhiều do phải di chuyển giữa 2 quê nội, ngoại. Hôm nay, tôi đi mua gạo khá bất ngờ vì giá gạo giảm sâu, ví dụ như gạo tám Thái, 10kg gạo giảm được 20.000 đồng”, chị Thu Trang nói.
Giá gạo bán lẻ trong nước quay đầu giảm. Ảnh minh họa |
Sáng nay (21/2), bà Thu Hoài (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng đi mua gạo. Mặt hàng được bà chọn là tám Điện Biên. Bà kể: “Nếu trước Tết Nguyên đán, giá gạo khoảng 196.000 đồng/kg thì nay giảm còn 190.000 đồng/kg. Sử dụng gạo một tháng không nhiều, nên việc giá gạo không là mối quan tâm quá lớn của bà.
Tuy nhiên, với những hàng cơm hay bếp ăn tập thể, việc giá gạo trong nước giảm lại giúp họ có thêm lợi nhuận. Chị Hoa, chủ hàng cơm bụi (ngõ 6, phố Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, nếu mỗi ngày, cửa hàng bán được 20 - 30 kg gạo, cửa hàng sẽ tiết kiệm chi phí được khoảng 60.000 đồng. Như vậy, cả tháng sẽ giảm được từ 1,8 - 2 triệu đồng tiền gạo.
Biển giá gạo tại một đại lý trên phố Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội |
Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương tại một số chợ dân sinh, đại lý gạo trên địa bàn Hà Nội, giá gạo hiện được các tiểu thương bán hạ dao động từ 6.000 – 20.000 đồng/10kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Cụ thể, hiện, giá gạo Bắc Hương đang được bán ở mức 185.000 đồng/10kg; gạo Lài Nhật bán ở mức 197.000 đồng/10kg; gạo Thái xanh bán ở mức 175.000 đồng/10kg; gạo Thái đỏ 170.000 đồng/10kg; gạo Tám Điện Biên, gạo Hải Hậu cùng đứng ở mức 190.000 đồng/kg; gạo Lài mới 170.000 đồng/10kg; gạo BC và gạo Khang Dân có giá lần lượt 145.000/10kg và 140.000/10kg;…
Mức giảm giá bán lẻ gạo tại thị trường trong nước cũng tùy từng đại lý và cửa hàng. Nguyên nhân là do có những đại lý hay cửa hàng trước đó đã nhập hàng giá cao, lượng hàng nhập này chưa bán hết nên chưa thể giảm ngay được mà cần có độ trễ. Ngoài ra, các chi phí liên quan như vận chuyển, lưu kho, nhân công đều tăng khiến giá khó giảm nhanh. Một số cửa hàng cho biết, khi nào họ bán hết nguồn gạo đang lưu trữ trong kho, nhập hàng mới với giá giảm thì sẽ giảm giá bán lẻ cho người tiêu dùng.
Cùng với Hà Nội, tại TP. Hồ Chí Minh, giá gạo bán lẻ cũng bắt đầu hạ nhiệt, với mức giảm dao động khoảng 10.000 – 20.000/10kg. Trong đó, tại một số chợ dân sinh tại TP. Hồ Chí Minh, gạo thơm Lài dẻo, gạo tấm nở xốp, gạo tấm thơm có giá rẻ nhất là 180.000 đồng/10kg; gạo nở mềm 190.000 đồng/10kg; gạo Nàng Hoa 220.000 đồng/10kg; gạo Hương Lài bún 25.000 đồng/10kg… Đại lý cung cấp gạo giảm giá nên các tiểu thương bán lẻ cũng giảm theo. Một số cửa hàng thay biển giá gạo mới, nhưng cũng có những cửa hàng vẫn để nguyên giá niêm yết như thời điểm trước Tết và chỉ thông báo khi khách mua hàng.
Mới tập trung ở phân khúc gạo bình dân
Đáng chú ý, tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, gạo giảm giá đa phần ở phân khúc tầm trung, còn gạo cao cấp, gạo có thương hiệu vẫn chưa giảm giá. Cụ thể, với gạo ST25 thượng hạng giá 410.000 đồng/10kg; gạo ST25 lúa tôm giá 430.000 đồng/10kg; loại cao cấp giá 520.000 đồng/10kg và ST25 hữu cơ là 800.000 đồng/10kg...
![]() |
Lượng khách đến mua gạo tại các đại lý thời điểm này khá thấp. |
Nguồn cung không nhiều là yếu tố giúp các loại gạo giữ giá. Dù vậy, với cả phân khúc gạo cao cấp hay trung bình, thời điểm này, lượng khách đến mua gạo tại các đại lý khá thấp. Nguyên nhân là do là vừa mới Tết xong, nhà nào cũng đã trữ gạo trong nhà nên thường phải hết tháng Giêng âm lịch, khách mới mua gạo trở lại.
Trong khi giá gạo bán lẻ tại cửa hàng, đại lý, chợ dân sinh quay đầu giảm thì tại các siêu thị chưa có động thái giảm giá do tập trung vào phân khúc trung và cao cấp, vốn ít biến động. Hơn nữa, các hợp đồng cung ứng giữa siêu thị và nhà phân phối thường dài hạn, có độ trễ, khiến giá bán lẻ ít bị tác động ngay khi giá gạo nguyên liệu giảm.
Cập nhật sáng 21/2, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm Việt Nam hiện vẫn đứng ở mức 394 USD/tấn; giá gạo xuất khẩu 25% tấm ở mức 369 USD/tấn; giá gạo xuất khẩu 100% tấm ở mức 310 USD/tấn. Mức giá này ổn định liên tục trong 4 ngày qua. Tuy nhiên, so với các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, giá gạo xuất khẩu 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam đang thấp hơn Thái Lan, Ấn Độ, nhưng cao hơn Pakistan. Khoảng cách chênh lệch về giá gạo xuất khẩu giữa các nước cũng đang dần thu hẹp lại. Theo các chuyên gia, việc giá gạo Việt Nam duy trì mức thấp cũng là yếu tố khiến các nước phải giảm giá chào hàng để tăng tính cạnh tranh. Một số ý kiến cho rằng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đang đứng giá cũng là chi tiết cho thấy giá gạo đã thực sự chạm đáy và khó giảm thêm được nữa. |