• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội: Cho thuê nhiều vỉa hè, lòng đường cần minh bạch toàn bộ các tuyến phố đủ điều kiện

Theo các chuyên gia, để thực hiện tốt đề án cho thuê nhiều vỉa hè, lòng đường, cần minh bạch toàn bộ các tuyến phố đủ điều kiện hoạt động, kích thước cụ thể, mặt hàng kinh doanh, cơ quan quản lý, cơ quan giám sát, xử lý vi phạm…

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, theo Đề án về quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố Hà Nội và dự thảo Đề án, việc khai thác, sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ, kinh doanh, phát triển kinh tế đô thị, du lịch, kinh tế đêm quy định hè phố phải có chiều rộng tối thiểu 3m (trừ trường hợp đặc biệt trong khu vực phố cổ); bề rộng từ 3m trở lên.

ha noi cho thue nhieu via he long duong can minh bach toan bo cac tuyen pho du dieu kien hinh 1

Cho thuê nhiều vỉa hè, lòng đường cần minh bạch toàn bộ các tuyến phố đủ điều kiện. Ảnh: H. Đương

Đối với khu phố cổ cho phép hè phố có chiều rộng nhỏ hơn 3m được kinh doanh trong thời gian tổ chức không gian đi bộ hoặc thời gian khác được UBND quận cấp phép.

Bên cạnh đó, hè phố đủ điều kiện để kinh doanh cần bảo đảm cho nhu cầu đỗ xe của khách. Trong điều kiện hộ kinh doanh không có chỗ đỗ xe cho khách thì có thể xem xét khi đảm bảo một trong các yêu cầu như: Từ địa điểm kinh doanh đến bãi đỗ xe gần nhất không lớn hơn 500m; khoảng cách từ địa điểm kinh doanh đến ga, bến xe công cộng gần nhất không lớn hơn 500m...

Ông Nguyễn Thế Công cho biết, sau khi khảo sát hiện trạng 273 tuyến phố, dự thảo Đề án đã đề xuất 9 mô hình và sơ đồ hóa hè phố có đủ điều kiện sử dụng tạm thời để kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế đô thị, tạm trông giữ phương tiện giao thông…

Đồng thời, quy định việc cấp mới, điều chỉnh, thu hồi giấy phép sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ (xe mô tô 2 bánh, xe đạp điện…) hoặc kinh doanh do Sở Giao thông vận tải, UBND cấp huyện thực hiện theo phân cấp...

Đối với kinh phí thực hiện Đề án, theo ông Nguyễn Thế Công Dự thảo nêu rõ do Ngân sách Thành phố cấp; đồng thời, khuyến khích mọi hình thức xã hội hóa việc đầu tư xây dựng, sửa chữa hè phố; tổ chức, cá nhân được phép tự tiến hành xây dựng, sửa chữa hè phố bằng nguồn kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước theo hướng dẫn của UBND cấp huyện.

Liên quan đến nội dung này, tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án, diễn ra ngày 19/2, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Công tác tôn giáo Bạch Thành Định kiến nghị cơ quan chức năng của Thành phố cần khảo sát về mật độ dân cư các tuyến phố, trong đó có khách lưu trú, người nước ngoài, người dân bản địa, phương tiện giao thông… Chia cấp độ quản lý cho từng cơ quan, trong đó, đề cao vai trò của chính quyền cơ sở.

"Việc xây dựng tuyến phố văn minh đô thị cần chú trọng đến vệ sinh môi trường, khắc phục tình trạng rác thải bừa bãi, nhất là ở các tuyến phố đi bộ. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần lựa chọn 1 số khu vực kinh doanh phù hợp với phát triển du lịch, văn hóa nhằm tạo điểm nhấn, nét văn hóa riêng có của Thủ đô...", Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Công tác tôn giáo chia sẻ.

Để tiếp tục hoàn thiện Đề án, Tiến sỹ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đề nghị Đề án phải nêu rõ thời gian thực hiện thí điểm; cần phân cấp kiểm tra xử lý vi phạm và nói rõ chi tiết của bãi để xe. 

ha noi cho thue nhieu via he long duong can minh bach toan bo cac tuyen pho du dieu kien hinh 2

Quang cảnh Hội nghị phản biện, ngày 19/2.

Tiến sỹ Lê Văn Hoạt, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật đề xuất cần rà soát, bổ sung các nguyên tắc sử dụng lòng đường, hè phố; phát huy vai trò của các hộ dân có nhà mặt phố trong việc sử dụng khai thác hiệu quả lòng, hè phố, đảm bảo văn minh đô thị; tập trung vào các giải pháp thiết thực có liên quan đến vấn đề sử dụng, khai thác một phần lòng hè phố…

Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, TS. Bùi Thị An cho rằng để thực hiện tốt Đề án cần minh bạch toàn bộ các tuyến phố đủ điều kiện hoạt động, kích thước cụ thể, mặt hàng kinh doanh, cơ quan quản lý, cơ quan giám sát, xử lý vi phạm…

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Trịnh Hoàng Tùng - đại diện đơn vị được lựa chọn thí điểm thực hiện Đề án cho biết, trên cơ sở dự thảo Đề án, quận Hoàn Kiếm đã xây dựng bộ tiêu chí cơ chế quản lý để triển khai tới từng phường và công khai tới nhân dân. Quận cũng sẽ áp dụng công nghệ số vào việc cấp phép, thu phí điện tử; sẽ phân theo các nhóm: Hè trông giữ xe, phố kinh doanh dịch vụ…; xác định diện tích sử dụng cho từng tuyến phố và công khai rộng rãi đến người dân.

"Trước mắt, quận sẽ triển khai thí điểm 6 tháng tại phố Quang Trung, phường Trần Hưng Đạo sau đó sẽ rút kinh nghiệm và triển khai rộng trên địa bàn", ông Tùng cho hay.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ về thẩm quyền ban hành văn bản để thực hiện một cách nghiêm túc Luật Thủ đô và chương trình hành động của Chính phủ. Đồng thời, rà soát, lược bỏ các văn bản đã hết hiệu lực, cập nhật đầy đủ các nội dung Luật Thủ đô và những nghị quyết, chính sách mới của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng về Đề án tới các cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội khi triển khai thực hiện.

Ngoài ra, phải bảo đảm công khai minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện. Trong đó, chú trọng công tác kiểm tra giám sát, phòng tránh tiềm ẩn về tiêu cực, lãng phí; chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết các thủ tục hành chính, thu phí, thu giá bằng vé điện tử bảo đảm không thất thoát, không tiêu cực, lãng phí và đáp ứng thuận tiện nhất cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...