• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một tập đoàn Việt Nam sáng chế phương pháp thi công hầm đường bộ "thần tốc" ở dự án hơn 20.400 tỷ đồng

Sáng chế đã được tập đoàn này nghiên cứu, áp dụng trong quá trình thi công hầm giúp rút ngắn tiến độ 4 tháng, tiết kiệm 40 tỷ đồng.

Ứng dụng công nghệ thi công hầm rút ngắn thời gian thi công

Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam sau gần 2 năm thi công đang đạt tiến độ tốt nhờ việc áp dụng công nghệ hiện đại.

Một điểm nhấn của công trường là ba hầm xuyên núi trên tuyến cao tốc, với hầm 1 dài 610m, hầm 2 dài 698m và hầm 3 dài 3.200m. Đặc biệt, hầm 3 là hầm đường bộ mới dài nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Hiện tại hầm số 1 và số 2 đã thông, trong khi hầm số 3 đã đào được gần 3.000/6.400m, với mục tiêu hoàn thành 5.000m vào cuối năm 2024.

Một tập đoàn Việt Nam sáng chế phương pháp thi công hầm đường bộ

Công nhân được huy động làm việc 3 ca 4 kíp để đẩy nhanh tiến độ dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Ảnh: Đèo Cả Group

Ông Bùi Hồng Đăng, Giám đốc Ban chỉ huy hầm dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, cho biết phương pháp đào hầm truyền thống chỉ cho phép một mũi thi công trong một không gian. Tuy nhiên, với phương pháp đào hầm Tập đoàn Đèo Cả mới nghiên cứu, mỗi mũi thi công có thể thực hiện trong ít nhất hai không gian, giúp đẩy nhanh tiến độ, giảm chi phí máy móc và nhân sự, đồng thời nâng cao hiệu quả dự án.

“Giải pháp này đang được đề xuất áp dụng tại hầm số 3 – Gói thầu XL3 của dự án, với mục tiêu hoàn thành toàn bộ công trình trong năm 2025, góp phần vào mục tiêu của Chính phủ là hoàn thành 3.000 km đường cao tốc trong năm 2025,” ông Bùi Hồng Đăng nói thêm.

Một tập đoàn Việt Nam sáng chế phương pháp thi công hầm đường bộ

Tiến độ thi công các hầm được đảm bảo và nhanh hơn so với yêu cầu. Ảnh: Đèo Cả Group

Việc tăng mũi và bước đào không những không làm tăng chi phí mà còn tăng hiệu quả sử dụng thiết bị, tiết kiệm chi phí nhân công và máy móc, rút ngắn tiến độ thi công tới 4 tháng. Riêng hạng mục hầm số 2 dự kiến tiết kiệm được hơn 40 tỷ đồng từ chi phí máy khoan, máy phun, và nhân công.

Sáng chế thi công hầm được Cục SHTT chấp thuận hình thức

Sáng chế về phương pháp thi công hầm đường bộ bằng cách tăng không gian tiếp cận kết hợp phun gia cố ngay sau khi đào của Đèo Cả đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp thuận hình thức đơn đăng ký.

Đơn sẽ được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp và thẩm định nội dung để đánh giá khả năng cấp văn bằng bảo hộ. Trên cơ sở được chấp thuận hình thức đơn đăng ký, đơn vị này có quyền tạm thời đối với sáng chế theo quy định Luật Sở hữu trí tuệ.

Bản mô tả đính kèm đăng ký sáng chế giải pháp hữu ích nêu, giải pháp này đề cập đến phương pháp thi công hầm đường bộ bằng cách tăng không gian trong thi công hầm, phân chia hầm thành nhiều hầm nhỏ kết hợp với đào gương nghiêng và phun gia cố ngay sau khi khai đào.

Một tập đoàn Việt Nam sáng chế phương pháp thi công hầm đường bộ

 

Một tập đoàn Việt Nam sáng chế phương pháp thi công hầm đường bộ

Cận cảnh robot đào hầm dưới sự điều khiển của các kỹ sư. Ảnh: Đèo Cả Group

Mục đích nhằm rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm chi phí và tăng an toàn chịu lực của kết cấu thi công, khắc phục được thiết kế với hình dạng chưa được tối ưu về mặt chịu lực của hầm.

Phương pháp thi công hầm đường bộ bằng cách tăng không gian tiếp cận kết hợp phun gia cố ngay sau khi đào bao gồm các bước chính:

Chia gương hầm thành 2 phần là phần trên (phần vòm) và phần dưới (phần tường) với chiều cao mỗi phần tùy thuộc vào chiều cao của máy khoan;

Chia phần trên thành 2 phần, phần 1 được đào trước với khẩu nhịp độ nhỏ hơn 9,5m, phần 2 đào sau khi đào xong phần 1 và được đào với nhiều không gian khác nhau hoặc đào đến hầm thông ngang;

Chia phần dưới thành 3 phần, phần 1 được đào thành nhiều mũi thi công, phần 2 được đào một lần và sử dụng phương pháp khoan ngang, khoan nút lỗ không tra mìn, phần 3 được đào tương tự như phần 2.

Đối với các công trình có 2 ống hầm thi công song song và được thiết kế thông ngang, sử dụng ngách thông ngang làm đường lưu thông và phân chia thành nhiều hầm độc lập để tạo thêm không gian thi công.

Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 20.400 tỷ đồng, với chiều dài 88km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi dài 60,3km, qua tỉnh Bình Định dài 27,7km. Giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe, vận tốc 80km/h.

Quảng Ngãi - Hoài Nhơn là một trong những đoạn tuyến khó thi công trên tuyến cao tốc Bắc – Nam khi có 3 hầm xuyên núi, trong đó có 1 hầm cấp đặc biệt tại lý trình Km60 với chiều dài 3.200 mét. Thời gian thi công phần cầu, đường là 34 tháng và phần hầm là 42 tháng, dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào quý II/2026


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...