Quảng Nam khởi công xây dựng cầu 575 tỷ nối Điện Bàn và Đại Lộc
Cầu Văn Ly giúp kết nối vùng phía Tây thuộc huyện Điện Bàn và vùng B, huyện Đại Lộc, phát huy khả năng kết nối của các tuyến đường địa phương, đảm bảo lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Dự án cầu Văn Ly và đường dẫn có tổng chiều dài 7,78 km, gồm nhánh nối vào ĐT.609C dài 3,65km; nhánh nối vào ĐT.605 dài 4,13 km.
Điểm đầu tại km14+525/ĐT.610B, xã Điện Quang qua cầu Văn Ly sau đó rẽ trái về phía Tây đến nút giao giữa ĐT.609B với ĐT.609C tại xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, chiều dài khoảng 3,65km (bao gồm cầu Văn Ly).
Điểm hai từ nút giao với km1+040 của nhánh 1 đến nút giao giữa ĐT.609 với ĐT.605 tại xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn. Tuyến đi phía bên trong bờ sông Thu Bồn, qua khu vực đồng ruộng, dọc theo các khu dân cư, chiều dài khoảng 4,13km (bao gồm 3 cầu với tổng chiều dài 546m) Công trình sẽ được thi công trong thời gian 900 ngày, dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2026, phấn đấu hoàn thành quí IV/2025.
Việc xây dựng cầu Văn Ly và đường dẫn sẽ phá thế độc đạo tiếp cận vùng Gò Nổi, giảm thiểu hành trình đi lại giữa huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn, giúp giao thương đi lại của người dân được thuận lợi, tránh được những nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn từ việc lưu thông bằng đò ngang qua sông Thu Bồn.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam , đơn vị được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư cho biết, hiện nay trên địa bàn vẫn còn đang tồn tại nhiều đò ngang, giao thông kết nối còn nhiều hạn chế đã gây cản trở rất nhiều cho sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực.
Đặc biệt, hiện nay khu vực Gò Nổi - Điện Bàn chỉ có thể kết nối xuống phía Đông qua tuyến ĐT.610B xuống QL1; các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên kết nối thông qua các tuyến ĐT.609, ĐT.609B, riêng ĐT.610B vẫn chưa thông lên phía Tây vì chưa có công trình giao thông kết nối.
Từ thực tế nêu trên, việc từng bước đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông để kết nối và rút ngắn khoảng cách giữa các vùng trong khu vực, trong đó hệ thống cầu đường bộ qua sông Thu Bồn là hết sức cần thiết, cấp bách.
"Việc hình thành tuyến cầu Văn Ly và đường dẫn sẽ phá thế độc đạo tiếp cận vùng Gò Nổi, giảm thiểu hành trình đi lại giữa huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn, giúp giao thương đi lại của người dân được thuận lợi, tránh được những nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn từ việc lưu thông bằng đò ngang qua sông Thu Bồn (bến đò Ông Đốc).
Do vậy, dự án cầu Văn Ly và đường dẫn đã được HĐND tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định đầu tư với tổng mức đầu tư 575 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương 420 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 155 tỷ đồng. Dự án cầu Văn Ly và đường dẫn góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch, kết nối hai bờ sông Thu Bồn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng phía Tây của tỉnh", ông Tâm nói.
Ông Tâm cũng cho hay cầu sẽ giúp kết nối vùng phía Tây thuộc huyện Điện Bàn và vùng B, huyện Đại Lộc, phát huy khả năng kết nối của các tuyến đường địa phương, đảm bảo lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, góp phần ổn định sản xuất và cải thiện đời sống sinh hoạt của nhân dân khu vực.
Phấn khởi trước việc sắp có cầu kết nối giữa thị xã Điện Bàn và huyện Đại Lộc, người dân địa phương nhận định cây cầu là niềm mong ước của biết bao thế hệ người con Điện Quang, Gò Nổi.
"Chúng tôi nhận thức rằng, khi dự án cầu Văn Ly và đường dẫn hoàn thành trước hết là kết nối giữa 2 bờ sông Thu Bồn trên địa phận Điện Quang Gò Nổi với 2 xã Đại Hòa, Điện Hồng, xóa bỏ bến đò ngang rất nguy hiểm, dễ ảnh hưởng đến tính mạng người dân mỗi khi mùa mưa lũ tràn về; tạo điều kiện thuận lợi về giao thông và phát triễn kinh tế giữa 2 vùng", người này nói.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu Ban QLDA cùng với các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xây dựng phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, tuân thủ nghiêm túc các điều khoản ký kết của hợp đồng và quy định về xây dựng công trình.
Huy động đủ máy móc, thiết bị, nhân lực; áp dụng công nghệ tiên tiến về tổ chức quản lý - xây dựng, triển khai dự án đảm bảo chất lượng, an toàn lao động, đường thuỷ và vệ sinh môi trường, phấn đấu rút ngắn thời gian hoàn thành dự án, lập thành tích chào mừng đại hội tỉnh đảng bộ lần thứ XX.
Đối với địa phương huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn, lãnh đạo tỉnh yêu cầu tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan, UBND xã có dự án đi qua khẩn trưởng triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, đơn vị thi công xây dựng lộ trình, thời gian cụ thể để triển khai dự án đúng tiến độ.
Theo Nam An
Nhà đầu tư