• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều huyện ngoại thành hoàn thành quy hoạch, định hướng phát triển

Các huyện Mê Linh, Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, Sóc Sơn... và thị xã Sơn Tây đang tích cực triển khai các đề án quy hoạch nhằm xây dựng định hướng phát triển trong tương lai.

Hai trục - hai trọng tâm - hai hành lang xanh

Tại nhiều địa phương ngoại thành Hà Nội, công tác xây dựng quy hoạch, định hướng phát triển đang được coi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết nhằm xác định "bộ khung" cho quá trình xây dựng đô thị. Đây là hoạt độnh nhằm triển khai Nghị Quyết 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn.

Nhiều huyện ngoại thành Hà Nội hoàn thành quy hoạch, định hướng phát triển

Toàn cảnh hội nghị báo cáo quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 ngày 9/9

Từ tháng 6/2023, đồng chí Nguyễn Thanh Liêm - Bí thư Huyện ủy Mê Linh từng khẳng định: Huyện Mê Linh xác định nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện là nhiệm vụ chính trị quan trọng được ưu tiên hàng đầu, có vai trò dẫn dắt sự phát triển toàn diện các ngành, các lĩnh vực và định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội của địa phương.

Được biết, trong quá trình lập quy hoạch, UBND huyện Mê Linh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, đơn vị tư vấn và các cơ quan, đơn vị liên quan trên cơ sở kế thừa những quan điểm định hướng phát triển còn phù hợp với tình hình thực tiễn; Đồng thời, bổ sung, phát triển những vấn đề mới trên cơ sở bám sát chủ trương của Trung ương, thành phố.

Tại hội nghị báo cáo quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 ngày 9/9, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, định hướng điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 xác định xây dựng mô hình TP trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc gồm vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, theo Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị với tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt khoảng 73,52%.

Mô hình các trục giao thông trên địa bàn huyện Mê Linh

Mô hình các trục giao thông trên địa bàn huyện Mê Linh

Với định hướng này, huyện Mê Linh như một cấu phần của TP phía Bắc, dự kiến phát triển theo mô hình: “Hai trục - hai trọng tâm - hai hành lang xanh”. Trong đó, hai trục động lực là Vành đai 4 và trục Hà Nội - Lào Cai.

Hai trọng tâm phát triển là: Trọng tâm phía Tây với khu vực tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn, dịch vụ du lịch sinh thái, đô thị mới; Trọng tâm phía Đông tập trung phát triển đô thị - công nghiệp, trung tâm hành chính huyện, trung tâm dịch vụ thương mại…

Hai hành lang xanh ven sông Hồng và sông Cà Lồ. Ngoài ra, huyện còn xây dựng các hành lang liên kết dọc tuyến đường trục trung tâm Mê Linh (đường 100m) và dọc tuyến đường Tiền Phong - Tự Lập.

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn bày tỏ, với định hướng quy hoạch vùng huyện đã được nghiên cứu, tích hợp trong các quy hoạch lớn của TP sẽ được phê duyệt trong thời gian tới, Mê Linh mong muốn các nhà đầu tư quan tâm tham gia ký kết hợp tác, đầu tư, phát triển theo đúng định hướng…

Kỳ vọng vào cực phía Tây Thủ đô

Cực phía Tây của Thủ đô gồm các huyện Thạch Thất, Đan Phượng, thị xã Sơn Tây và Ba Vì được kỳ vọng sẽ trở thành khu vực phát triển năng động, đa dạng trong những năm tới đây.

Giữa tháng 8 vừa qua, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội phối hợp cùng đơn vị tư vấn tổ chức hội thảo lấy ý kiến về phương án phát triển thị xã Sơn Tây và các huyện Ba Vì nhằm tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thành cổ Sơn Tây - kiến trúc quân sự bậc nhất Việt Nam

Đề xuất hình thành nên thành phố du lịch vùng thủ đô Ba Vì - Sơn Tây là cực phát triển của Hà Nội và trung tâm du lịch mới vùng Bắc Bộ

Đơn vị tư vấn cho rằng kinh tế chủ đạo của huyện Ba Vì là nông nghiệp nhưng có sự chuyển dịch dần sang thương mại dịch vụ và công nghiệp xây dựng; Còn thị xã Sơn Tây là thương mại dịch vụ và công nghiệp xây dựng, dù tốc độ chuyển đổi cơ cấu thương mại dịch vụ còn chậm.

Do đó, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội đề xuất hình thành nên thành phố du lịch vùng thủ đô Ba Vì - Sơn Tây là cực phát triển của Hà Nội và trung tâm du lịch mới vùng Bắc Bộ. Trong đó, gia tăng liên kết vùng - đề xuất đường sắt đô thị kết nối tới đô thị vệ tinh Sơn Tây và kết nối tới trung tâm du lịch huyện Ba Vì - đô thị Tản Viên Sơn; Khai thác hành lang kinh tế, đô thị, du lịch, nông nghiệp dọc tuyến sông Đà - sông Hồng.

Trước đề xuất quy hoạch của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Ngô Đình Ngũ cho rằng "điểm nghẽn" quan trọng mà đơn vị tư vấn cần đề cập đến đó là vấn đề môi trường ở bãi rác Xuân Sơn và 3 sân golf của hồ Đồng Mô.

Trong quy hoạch lần này, Sơn Tây mong muốn làm sống dậy dòng sông Tích, sông Hang chảy qua khu vực thị xã, cả hồ Đồng Mô, hồ Xuân Khanh… đảm bảo về mặt môi trường, phát huy giá trị cảnh quan.

Cùng với đó, địa phương mong muốn thành phố quan tâm, tích hợp các dự án lớn về du lịch trên địa bàn như các dự án tại hồ Xuân Khanh, 72ha ở Kim Sơn, xung quanh hồ Đồng Mô.

Đồng thời, bổ sung phát triển thêm về các không gian du lịch ở hai bên bờ sông Tích; Mở rộng tuyến phố đi bộ gắn với các thiết chế văn hóa; Hệ thống giao thông bổ sung thêm các tuyến 414B, 417, Thành cổ Sơn Tây - Đền Và - Phùng Hưng - Ngô Quyền…

Cũng trong tháng 8/2023, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức Hội thảo lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 lấy ý kiến về phương án phát triển 4 huyện: Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ.

Trên cơ sở nghiên cứu thực tế, đơn vị tư vấn đề xuất phương án phát triển với định hướng chủ đạo là mô hình “Thành phố phía Tây” phù hợp với mục tiêu quốc gia; Xem xét lại chủ trương di dời các chức năng trong nội đô ra các đô thi vệ tinh và thị trấn sinh thái để phù hợp với nguồn lực đầu tư; Xem xét lại mô hình phát triển và giai đoạn đầu tư đối với các đô thị vệ tinh; Phát triển các thị trấn sinh thái với trục không gian bám theo Quốc lộ 6 và Đại lộ Thăng Long, cùng với hệ thống đường sắt tạo thành hành lang đô thị dọc tuyến; Hành lang xanh bảo tồn hệ thống di tích di sản về văn hóa, cảnh quan và làng nghề…

Trong đó, “Thành phố phía Tây” là trung tâm kết nối trí tuệ toàn cầu, thành phố khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo chất lượng cao, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ du lịch gắn với nông nghiệp hữu cơ.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc

Khu công nghệ cao Hòa Lạc

Thành phố huy động nguồn lực quốc gia để hình thành và phát triển “Thành phố phía Tây”, thành trung tâm kết nối trí tuệ toàn cầu, với các chức năng chính: Khoa học - công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D), giáo dục, kinh tế dịch vụ, làng nghề, đô thị sinh thái…; Tập trung chủ yếu phát triển Hòa Lạc là hạt nhân chính để phát triển thành phố phía Tây thành trung tâm của khoa học công nghệ, không gian số… bằng các cơ chế riêng, hệ thống hạ tầng kết nối hoàn chỉnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết