Kiến nghị 5 giải pháp để đạt mục tiêu "3 không" trong phòng, chống dịch
PGS. TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng, hiện nay chúng ta cần xác định đích đến là “3 không” (không nhiễm, nếu nhiễm không chuyển nặng và nếu chuyển nặng không tử vong), nếu làm được thì COVID-19 sẽ không còn là đại dịch.
Sáng 19/1, phát biểu tại cuộc họp trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch COVID-19 thành phố với các quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đã chia sẻ kinh nghiệm trong điều trị các bệnh nhân F0 thể nặng tại bệnh viện và các F0 thể nhẹ tại nhà; Việc phối hợp với quận Ba Đình trong việc hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân F0 cũng như việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng cao tuổi, bệnh nền.
Quang cảnh cuộc họp |
PGS. TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng, hiện nay chúng ta cần xác định đích đến là “3 không” (không nhiễm, nếu nhiễm không chuyển nặng và nếu chuyển nặng không tử vong), nếu làm được thì COVID-19 sẽ không còn là đại dịch.
Để thực hiện được “3 không”, theo PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, các địa phương của thành phố Hà Nội cần thực hiện 5 giải pháp: Thứ nhất, giảm lây nhiễm để kiềm chế những ca mắc mới, trong đó người dân cần thực hiện nghiêm “5K”, khai báo một cách thân thiện; Có thể không dùng thuật ngữ F0 - F1 mà thay bằng người nhiễm và người tiếp xúc gần.
Thứ 2 là giải pháp tiêm phủ vắc xin cho 100% dân số (gồm cả người cao tuổi và có bệnh nền) để giảm chuyển nặng, giảm tử vong. Các địa phương cần đi từ ngõ, gõ từng nhà để rà soát danh sách; Các bệnh viện tuyên truyền, cùng đồng hành với các địa phương để tiêm đủ vắc xin cho người dân.
Thứ 3 là chăm sóc người nhiễm tại cơ sở; Đồng thời tăng cường trạm y tế lưu động cấp phường, xã. Thứ 4 là kịp thời đưa các ca chuyển nặng tới bệnh viện, phải có sự điều phối, sơ đồ hóa để chuyển người bệnh chuyển nặng khi cần thiết. Cuối cùng là phải tăng cường năng lực của các bệnh viện trong công tác khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân COVID-19.
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết: Trung bình từ ngày 13 - 18/1, Hà Nội ghi nhận 2.941 ca mắc/ngày. Số lượng ca mắc đang có xu hướng tăng như đã nhận định và có nguy cơ tiếp tục tăng trong thời gian tiếp theo.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong vẫn đang trong giới hạn kiểm soát.
Thành phố hiện đang điều trị 62.410 người, gồm 361 người tại bệnh viện Trung ương và 62.049 người thuộc các tầng quản lý, điều trị. Trong đó, tầng nhẹ là 59.150 người (tỷ lệ 95,33%); Tầng 2 là 2.263 người (tỷ lệ 3,65%); Tầng 3 là 636 người (tỷ lệ 1,02%).
Theo ông Vũ Cao Cương, hiện có 9 tỉnh, thành phố ghi nhận các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron là người nhập cảnh vào Việt Nam đã đươc cách ly, bao gồm: Hà Nội (1), Quảng Nam (27), TP HCM (12), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (3), Khánh Hòa (2), Long An (1).