Hà Nội sẽ cho học sinh nhiều khối lớp đi học trực tiếp sau Tết Nguyên đán
Đó là ý kiến của Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương tại Hội thảo trực tuyến toàn quốc về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục, ngày 19/1 do Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Y tế tổ chức.
Tiêm phủ vắc xin đạt yêu cầu, học trực tiếp là tất yếu
Theo thống kê, tuần đầu tháng 1/2022, cả nước có 9 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp (Bắc Kạn, Cao Bằng, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Thái Bình, Hà Nam, Khánh Hòa, Bắc Giang); 35 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học kết hợp trực tiếp với trực tuyến và qua truyền hình; 19 tỉnh, thành phố còn lại tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình. Số đơn vị cấp huyện dạy học trực tuyến, trên truyền hình là 366/713 (chiếm 51,3%).
Đến ngày 15/1/2022, có 43/63 tỉnh/thành phố đã cho học sinh mầm non đi học trở lại; có 46/63 tỉnh/thành phố cho học sinh tiểu học đến trường chiếm tỉ lệ 57,38% học sinh tiểu học/cả nước; 53/63 tỉnh/thành phố cho học sinh THCS, THPT (nhất là học sinh khối lớp 7 đến lớp 12) học trực tiếp chiếm tỉ lệ 69% học sinh/cả nước.
Dự kiến đến ngày 7/2/2022, có thêm 8 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trực tiếp...
Hội thảo trực tuyến về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục |
Để thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, việc triển khai dạy học trực tuyến, qua truyền hình là giải pháp tất yếu. Tuy nhiên, việc kéo dài học trực tuyến, kéo dài thời gian ở nhà của học sinh không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục, mà còn kéo theo những hệ lụy về sức khỏe, tâm lý, phát triển thể chất của học sinh. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện có khoảng 70.000 sinh viên năm cuối chưa thể tốt nghiệp đại học, cao đẳng do thiếu các yêu cầu về thực tập, thực hành năm cuối, điều này ảnh hưởng rất lớn tới nguồn nhân lực cho đất nước.
Cùng với tiến độ tiêm vắc xin cho học sinh 12-17 tuổi, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương mạnh dạn triển khai mở cửa trường học trong trạng thái bình thường mới các hoạt động giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ học sinh an tâm lao động, góp phần phục hồi kinh tế và ổn định xã hội. Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cần cập nhật, đánh giá mức độ dịch để quyết định linh hoạt việc tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp tại địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đề xuất cho học sinh đi học trực tiếp khi hoc sinh đã được tiêm phủ vắc xin.
Theo ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ GD&ĐT), trước khi có vắc xin thì việc học online là một giải pháp hoàn toàn đúng để giảm lây nhiễm trong cộng đồng. tuy nhiên, qua kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi tỷ lệ phủ vắc xin của quốc gia đạt yêu cầu thì việc quay lại học trực tiếp là tất yếu để đảm bảo chất lượng giáo dục và kể cả sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh. (ví dụ: Theo UNICEF, tại Ấn Độ, tỷ lệ trẻ em có thể đọc hiểu văn bản cấp 1 giảm từ 42% trong năm 2018 xuống 24% trong năm 2020).
“Trong bối cảnh mô hình “Sống chung với COVID-19” được nhiều nước áp dụng, mở cửa trường học đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo khuyến cáo của UNICEF và UNESCO: Trong đại dịch, nơi đóng cửa muộn nhất là trường học và nơi mở cửa sớm nhất cũng là trường học”, ông Hưng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phạm Quang Hưng, các quốc gia đều có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc mở cửa trường học, dựa trên các khuyến nghị của WHO, UNICEF và UNESCO về mở cửa trường học. Trong đó có: Quy định về việc tiêm vắc xin và chiến lược xét nghiệm cho học sinh; Các biện pháp quản lý nguy cơ khi có dịch trong trường học; Tăng cường nhận thức của phụ huynh và học sinh trong giai đoạn đầu mở cửa trường học.
Tiêm phủ vắc xin cho học sinh đạt yêu cầu, học sinh có thể đi học học trực tiếp |
Ví dụ: Thái Lan cho phép các trường học có giáo viên, nhân viên tiêm chủng vắc xin COVID-19 từ 85% trở lên được mở cửa trở lại. Một số quốc gia như Hàn Quốc và Singapore hoàn thành tiêm vắc xin COVDI-19 cho học sinh từ 12-18 tuổi.
Ông Hưng kiến nghị, việc mở cửa trường học là xu hướng chung của các nước trên thế giới theo phương châm “Sống chung với COVID-19”. Ở Việt Nam, các biện pháp đảm bảo an toàn để học sinh có thể quay trở lại trường học đã và đang thực hiện khá tương đồng với thế giới. “Chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ mở cửa trường học như khuyến cáo của UNICEF và UNESCO. Tăng cường công tác truyền thông nhằm chuẩn bị tâm lý sẵn sàng thích ứng, cho phụ huynh, học sinh và giáo viên”.
Hà Nội sẽ cho các khối 7, 8, 9 và THPT đi học trực tiếp
Tại Hội thảo, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, ngành giáo dục Hà Nội đã phối hợp nhịp nhàng với gia đình, xã hội đảm bảo an toàn cho học sinh khi học trực tiếp và trực tuyến.
Hiện nay, toàn thành phố đã có 99,6% giáo viên đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19. Với học sinh THPT, có 99,6% học sinh đã tiêm mũi 1, 97% đã tiêm mũi 2. Với học sinh THCS, toàn thành phố có 99,5% đã tiêm mũi 1, 97,3% đã tiêm mũi 2.
“Tỷ lệ tiêm vắc xin này đảm bảo yên tâm dạy và học trong thời gian tới. Hiện nay, Hà Nội đang tổ chức cho học sinh lớp 9 và lớp 12 tại những quận, huyện, thị xã đủ điều kiện an toàn được đến trường học trực tiếp. Dự kiến, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, khoảng ngày 7 - 8/2, Hà Nội sẽ tổ chức dạy học trực tiếp với học sinh các khối lớp 7 đến 12 đồng thời đưa ra phương án đảm bảo an toàn nhất cho học sinh.
Một trong những nội dung Hà Nội chỉ đạo quyết liệt là nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền sở tại trong việc cho học sinh đi học trực tiếp, cấp ủy và chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để bùng phát dịch trở lại. Nếu không có gì thay đổi, sau Tết Âm lịch, Hà Nội sẽ triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ về mở cửa trường học”, ông Trần Thế Cương cho biết.