Khi doanh nghiệp Việt tìm kiếm sự phát triển bền vững thông qua các tiêu chuẩn quốc tế
Dù mới hình thành nhưng thị trường cho vay thay thế tại Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp với những chỉ số nổi bật như quy mô mạng lưới, dư nợ tín dụng... Nhưng có một chỉ số rất quan trọng mà ít người nhắc đến, đó là chỉ số năng lực Kiểm soát và Vận hành
Vì sao lại là Kiểm soát và Vận hành?
Theo báo cáo mới nhất của Fiin Group thì tại Việt Nam, thị trường cho vay thay thế tập trung phát triển ở ba mô hình cho vay là cho vay ngang hàng (P2P lending), mua trước trả sau (BNPL) và nổi bật nhất là cho vay dựa trên tài sản (title lending). Theo Fiin, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm của thị trường cho vay thay thế nói chung trong giai đoạn từ 2021 đến 2023 là 36.8%, từ khoảng 4.000 tỷ đồng lên gần 8.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đi kèm với tốc độ tăng trưởng "chóng mặt" như trên là những thách thức "sống còn" mà tiêu biểu nhất là vấn đề kiểm soát và vận hành. Điều này càng trở nên quan trọng trong bối cảnh chưa có khung pháp lý đồng bộ, việc tăng trưởng quy mô không còn là thước đo duy nhất để đánh giá tiềm năng dài hạn của doanh nghiệp.
Động thái gần đây của các doanh nghiệp thuộc nhóm các mô hình này là bắt đầu xem vận hành như một trụ cột chiến lược chứ không chỉ là bộ phận kỹ thuật hỗ trợ. Các yếu tố như kiểm soát rủi ro, dịch vụ khách hàng, quản lý nhân sự và quy trình pháp lý nội bộ đang ngày càng giữ vị trí quan trọng, được chuẩn hóa cao độ nhằm đảm bảo rằng việc mở rộng không đánh đổi bằng trải nghiệm người dùng hoặc tính minh bạch.
Các doanh nghiệp cho vay thay thế xem việc kiểm soát, vận hành như một trụ cột chiến lược phát triển trọng yếu của đơn vị
Xu hướng này trở nên rõ nét hơn khi mà các nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt nhóm quan tâm tới IPO, đang dịch chuyển tiêu chí đánh giá từ “tăng trưởng nhanh” sang “tăng trưởng bền vững”. Một trong những chỉ báo quan trong được xem xét là năng lực vận hành nội bộ có thể đo lường và kiểm chứng được, thể hiện qua việc doanh nghiệp có hệ thống kiểm soát, tuân thủ và quản trị nội bộ thực chất, không chỉ mang tính hình thức.
Doanh nghiệp Việt phải dựa vào tiêu chuẩn quốc tế
Khác với một số thị trường tài chính đã phát triển trong khu vực, tại Việt Nam hiện chưa có yêu cầu bắt buộc về những tiêu chuẩn chứng minh năng lực vận hành hiệu quả như quy trình minh bạch, rủi ro được kiểm soát, hệ thống nội bộ có thể mở rộng mà không làm sai lệch cấu trúc và khả năng vận hành các doanh nghiệp cho vay thay thế.
Do đó, một số doanh nghiệp Việt muốn chứng minh thực lực, thu hút đầu tư để bước ra sân chơi lớn hơn buộc phải áp dụng quy trình đánh giá bên thứ ba, triển khai ESG, đăng ký xếp hạng tín nhiệm từ tổ chức độc lập. Việc xuất hiện các chứng chỉ như: bảo vệ khách hàng, hệ thống ESG được công nhận quốc tế, xếp hạng tín nhiệm, giải thưởng về pháp chế - nhân sự - vận hành… đang cho thấy một hướng đi khác của doanh nghiệp tài chính thay thế: xây niềm tin từ vận hành trước khi tìm kiếm định giá. Điều đáng lưu ý là những chứng nhận này không đến từ các tổ chức trong nước, mà là hệ thống đánh giá đã được công nhận tại khu vực.
Trường hợp của F88 là một điển hình cho việc những doanh nghiệp cho vay thay thế phải tự tìm cách đo lường "sức khoẻ" của mình từ "thước đo" của các đơn vị, tổ chức tư vấn, xếp hạng quốc tế. Dù không nằm trong hệ thống tổ chức tín dụng nhưng vẫn được vinh danh cùng với ADB, Maybank tại giải thưởng ALB SE Asia Law Awards 2025.
Theo đó, F88 là đại diện duy nhất của Việt Nam được vinh danh trong Top 6 Đội ngũ Pháp chế Tiêu biểu Đông Nam Á trong lĩnh vực Dịch vụ Tài chính do Tập đoàn thông tấn Thomson Reuters tổ chức, là một trong những tín hiệu minh họa cho xu thế mới: chứng minh năng lực vận hành như một phần của chiến lược tài chính dài hạn. Trong báo cáo công bố thông tin đại chúng gần đây, doanh nghiệp này công bố là đơn vị duy nhất tại Việt Nam đạt được chứng chỉ vàng về bảo vệ khách hàng (Client Protection Certificate - CPC) vốn là một tiêu chí chưa phổ biến tại các công ty ngoài ngành ngân hàng…
Giám đốc Pháp chế F88 cùng bà Suzanna Barret - Thành viên Ban Giám khảo giải thưởng
Khi các mô hình tài chính thay thế vẫn còn nằm ngoài hệ thống điều tiết đồng bộ, những khác biệt về vận hành nội bộ đang trở thành yếu tố tạo sự phân hóa giữa các doanh nghiệp. Việc chủ động xây dựng hệ thống kiểm soát, áp dụng đánh giá độc lập và tăng cường hợp tác chính sách không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro tuân thủ, mà còn được thị trường vốn nhìn nhận như chỉ báo cho năng lực quản trị dài hạn.
Năng lực vận hành dù không phản ánh trực tiếp qua chỉ số tài chính nhưng đóng vai trò như một “tiêu chuẩn ngầm” để nhà đầu tư phân biệt giữa tăng trưởng có kiểm soát và mở rộng thiếu chuẩn mực.
Trong giai đoạn thị trường còn đang định hình, đây có thể chính là yếu tố sớm nhất phản ánh khả năng thích ứng với các yêu cầu niêm yết và quản trị minh bạch trong tương lai. Việc thị trường vốn bắt đầu nhìn vào năng lực vận hành như một yếu tố định giá tiềm năng cho thấy: trong tài chính thay thế, tăng trưởng bền vững không còn là câu chuyện của ngày mai, mà bắt đầu từ lựa chọn vận hành hôm nay.