Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ kỷ niệm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh
Sáng nay, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915-1/7/2025)
Sáng 1/7, tại tỉnh Hưng Yên, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hưng Yên long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915-1/7/2025).
Tham dự Lễ kỷ niệm có: Tổng Bí thư Tô Lâm; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Tấm gương người chiến sĩ cách mạng kiên trung
Đọc diễn văn Kỷ niệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa nêu rõ, đồng chí Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Văn Cúc, sinh ngày 01/7/1915, tại xã Giai Phạm, huyện Mỹ Văn (nay xã Nguyễn Văn Linh), tỉnh Hưng Yên.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: TTXVN
Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động trong phong trào học sinh từ năm 14 tuổi.
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, được tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soi sáng, dẫn đường, đồng chí Nguyễn Văn Linh không sợ hy sinh, gian khổ, tích cực, hăng hái tham gia các hoạt động cách mạng trong học sinh, công nhân. Năm 1930, đồng chí bị địch bắt lần đầu.
Mặc dù chưa đến tuổi thành niên, Đồng chí vẫn bị chính quyền thực dân đưa ra xét xử, kết án tù chung thân và bị đày đi Côn Đảo.
Năm 1936, Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền, cùng với nhiều chiến sỹ cách mạng khác, đồng chí được trả tự do, tiếp tục hoạt động, tham gia khôi phục phong trào cách mạng, lập lại Thành ủy Hải Phòng và được bầu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng.
Đầu năm 1939, Trung ương điều động đồng chí vào tham gia Thành ủy Sài Gòn. Cuối năm 1941, đồng chí được Trung ương cử ra Trung Kỳ chắp nối lại phong trào cách mạng, chuẩn bị lập lại xứ ủy mới. Tại đây, đồng chí lại bị địch bắt và đày ra Côn Đảo lần thứ hai.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được Đảng và Nhà nước đón từ Côn Đảo trở về để tiếp tục tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ và gắn bó với đồng bào Nam Bộ trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ cho đến thắng lợi hoàn toàn vào mùa Xuân năm 1975.
Trong thời gian này, đồng chí đã được Đảng phân công giữ nhiều trọng trách, như: Bí thư Thành ủy, Đặc khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn, quyền Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Bí thư Khu ủy, Thành ủy Sài Gòn-Gia Định, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, Bí thư và Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khóa IV, Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI, Trưởng Ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa của Trung ương, Trưởng Ban Dân vận - Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986), đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Đại hội VII và Đại hội VIII của Đảng, đồng chí được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí là đại biểu Quốc hội khóa VIII.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh thật phong phú và oanh liệt. Gần 70 năm hoạt động ở nhiều vùng, nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực, trải rộng trên cả ba miền đất nước và được Đảng, Nhà nước tin cậy giao phó nhiều trọng trách, dù ở đâu, làm công việc gì, ở cương vị nào, đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng luôn hết lòng vì Đảng, vì dân, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ và đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng.
Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn nêu cao đạo đức cách mạng, phẩm chất của người cộng sản tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; sống chân thành, thẳng thắn, chan hòa với đồng chí, nhân dân.
Nhận thấy dấu hiệu của tình trạng quan liêu, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, cản trở con đường đổi mới, có thể thành nguy cơ đe dọa đến uy tín của Đảng và sự sống còn của chế độ xã hội chủ nghĩa, đồng chí đã viết báo đấu tranh những biểu hiện đó.
Những bài báo “những việc cần làm ngay” của tác giả N.V.L đăng trên báo Nhân dân vào những năm đầu thời kỳ đổi mới, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở, công khai, nói thẳng nói thật, lời nói đi đôi với việc làm, góp phần đấu tranh chống tiêu cực, làm trong sạch các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Cần kiên định đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986, trước muôn vàn khó khăn của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, trước sự trì trệ, bao cấp kéo dài, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thể hiện một bản lĩnh hiếm có.
Đồng chí khẳng định không thể tiếp tục làm theo lối cũ. Nếu không đổi mới, đất nước sẽ không thể phát triển, nhân dân sẽ không thể ấm no.
Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã khởi xướng các chủ trương cải cách mạnh mẽ, tháo gỡ những rào cản về cơ chế, giải phóng sức sản xuất, mở rộng quyền tự chủ cho cơ sở, thí điểm và sau đó củng cố các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, thiết lập cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, mở rộng đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế.
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng Nhà nước thực hiện nghi lễ chào cờ. Ảnh: TTXVN
Một trong những dấu ấn đặc biệt của đồng chí là loạt bài “Những việc cần làm ngay” trên báo Nhân Dân từ năm 1987, với bút danh “NVL.” Đây là tiếng nói thẳng thắn, dũng cảm và đầy trách nhiệm của người đứng đầu Đảng, thể hiện tinh thần chống tiêu cực, quyết liệt xử lý tham nhũng, quan liêu, lãng phí - những căn bệnh ăn mòn uy tín của Đảng và sự tin tưởng của nhân dân.
Từ những chỉ đạo chiến lược và quyết liệt của đồng chí, công cuộc đổi mới đã đem lại chuyển biến sâu sắc trên mọi lĩnh vực: từ sản xuất nông nghiệp chuyển từ tập trung sang khoán hộ, từ bao cấp sang thị trường, từ đóng cửa sang hội nhập, từ quản lý mệnh lệnh sang vận hành theo quy luật cung-cầu.
Nhờ đó, nền kinh tế Việt Nam từng bước vượt qua khủng hoảng, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, vị thế quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao.
Cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng đổi mới của đồng chí Nguyễn Văn Linh để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc, có giá trị bền vững trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển hiện nay.
Trong thời điểm cả dân tộc đang chung sức đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; cả nước bắt đầu vận hành mô hình đơn vị hành chính hai cấp với không gian phát triển mới, Tổng Bí thư đề nghị, cần phải tiếp tục khơi dậy tinh thần Nguyễn Văn Linh – tinh thần đổi mới, quyết đoán, khoa học, gần dân và trung thực. Phải đào tạo và lựa chọn những cán bộ vừa có đức, vừa có tài, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, không chấp nhận cán bộ bảo thủ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, chỉ lo an toàn cho bản thân.
Cần kiên định đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng đồng thời linh hoạt, thích ứng nhanh với các xu thế công nghệ, tài chính xanh, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; cần tiếp tục cải cách thể chế, thúc đẩy môi trường kinh doanh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và người dân; phải đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn nữa vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế quốc tế và nền văn minh nhân loại, để sánh vai với các cường quốc năm châu.
Tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư nhấn mạnh hôm nay ngày 1/7/2025, cả đất nước ta trên khắp 34 tỉnh, thành với 3.321 phường, xã, đặc khu bước vào ngày làm việc đầu tiên của mô hình chính quyền hai cấp. Đây là bước chuyển mình lịch sử của dân tộc. Về cơ bản mọi công việc đã được chuẩn bị chu đáo, với tinh thần phục vụ nhân dân cao nhất, tốt nhất, hiệu quả nhất.
Tổng Bí thư tin tưởng với sự quyết tâm chính trị rất cao của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và sự ủng hộ của nhân dân, chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn để đạt những mục tiêu yêu cầu đã đặt ra. Chúng ta học tập tinh thần và tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, chúng ta hành động theo những lời dạy của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, chúng ta nhất định sẽ thành công.
Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915-1/7/2025), trước đó, sáng cùng ngày, Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (xã Nguyễn Văn Linh) và tại Tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ở Quảng trường Trung tâm tỉnh Hưng Yên, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của vị lãnh đạo đã có nhiều công lao to lớn đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước.