Hà Nội sắp xếp đơn vị hành chính: Hơn 1.000 cán bộ, công chức dôi dư
Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường, dự kiến Hà Nội sẽ dôi dư khoảng 1.031 cán bộ, công chức. Thành phố đã đưa ra lộ trình 5 năm để giải quyết số cán bộ dôi dư sau sắp xếp.
Ngày 15/5, tại kỳ họp thứ 16, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025. Trong đó, HĐND thành phố không thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, chỉ sắp xếp ĐVHC cấp xã tại 20 quận, huyện. Sau sắp xếp, số ĐVHC cấp xã giảm từ 579 đơn vị xuống còn 518 đơn vị (giảm 61 xã).
Lý giải về việc không sắp xếp ĐVHC cấp huyện, ông Trần Đình Cảnh, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, qua rà soát, Hà Nội có quận Hoàn Kiếm thuộc diện sắp xếp. Tuy nhiên, thành phố không thực hiện sắp xếp, bởi Hoàn Kiếm là quận đặc thù, là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá của thành phố, có địa giới ổn định, hình thành trước năm 1945. Quận Hoàn Kiếm cũng có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng gắn với truyền thống, lịch sử, quá trình phát triển của Thủ đô. Từ năm 1995, Trung ương và thành phố đã phê duyệt 4 đề án quy hoạch dành riêng cho khu vực này. “Nếu thực hiện sắp xếp quận sẽ mất đi các giá trị lịch sử văn hóa, truyền thống của Thăng Long - Hà Nội. Đồng thời, ảnh hưởng tới hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới”, ông Cảnh cho biết.
Theo UBND thành phố Hà Nội, trong 20 quận, huyện, thị xã thuộc diện sắp xếp ĐVHC cấp xã, số lượng cán bộ công chức không chuyên trách được giao định mức là 4.032 người (hiện có mặt 3.383 người). Sau sắp xếp sẽ dôi dư là 1.031 người.
Cũng theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, hiện thành phố đang thực hiện Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 16 của Thành ủy. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, Hà Nội đưa huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận. Hà Nội còn đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đưa các huyện Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng lên quận. Các đơn vị chức năng của thành phố đang xây dựng đề án thành lập quận và phường của 3 huyện này.
Theo ông Cảnh, việc sắp xếp các ĐVHC nhằm tạo điều kiện tập trung nguồn lực để quy hoạch, mở rộng sản xuất, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Hơn nữa, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi được tập trung hơn. Đồng thời, góp phần tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi cho ngân sách, góp phần vào cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức.
UBND thành phố Hà Nội cho rằng, việc sắp xếp ĐVHC sẽ tác động đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức đang làm việc tại xã. Hơn nữa, bộ máy cơ quan nhà nước tại ĐVHC mới sẽ mất một thời gian để ổn định tổ chức và đáp ứng hiệu quả công việc. Ngoài ra, trong giai đoạn đầu người dân, doanh nghiệp cũng sẽ gặp một số khó khăn khi phải chuyển đổi giấy tờ. Cán bộ cấp xã cũng sẽ vất vả hơn trong thực hiện thủ tục hành chính cho công dân.
Lộ trình giải quyết cán bộ, công chức dôi dư
Thảo luận tại kỳ họp, đại biểu Đinh Trường Thọ (Tổ Đại biểu quận Đống Đa) cho rằng, sau sắp xếp, thành phố và các địa phương cần quan tâm đến công tác cán bộ. Ngoài ra, thành phố sớm có hướng dẫn, quy định cụ thể để có cơ chế thông thoáng, thuận lợi nhất hỗ trợ người dân cũng như đội ngũ cán bộ dôi dư.
Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Thu Hiền (Tổ Đại biểu huyện Ứng Hòa) cho biết, Ứng Hòa là một trong những địa phương có nhiều xã thuộc diện sắp xếp nhất. Cụ thể, có 14 xã phải sắp xếp thành 5 ĐVHC mới. Sau sắp xếp, huyện có hơn 140 cán bộ, công chức dôi dư. Vì thế, từ tháng 7/2023, huyện đã dừng kiện toàn chức danh Bí thư, Chủ tịch UBND xã tại một số xã để chờ kiện toàn. Đồng thời, huyện chỉ đạo 14 xã phải quản lý chặt chẽ về đất đai , tài sản công.
Thực tế, tại các xã thuộc diện sắp xếp, cán bộ công chức đang rất lo lắng, không biết “ai đi, ai ở”.
Về lộ trình thành phố sẽ giải quyết số cán bộ, công chức dôi dư trong thời gian 5 năm. Theo đó, với cán bộ công chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện sẽ bố trí thêm 63 cán bộ mới; thực hiện điều động sang xã, phường còn chỉ tiêu là 423 người và chuyển sang công chức 72 người. Trường hợp dôi dư không bố trí sắp xếp được thì động viên nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc (122 người). Đối với cán bộ, công chức cấp xã không đủ điều kiện về trình độ chuyên môn sẽ bố trí sang chức danh hoạt động không chuyên trách cấp xã, tổ dân phố (117 người). Ngoài ra, sẽ giải quyết tinh giản biên chế hoặc cho thôi việc theo nguyện vọng là 184 người.
Theo Thanh Hiếu