• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy phá kỷ lục ‘đường đắt nhất hành tinh’?

Dư luận những ngày qua đang quan tâm đến phương án đề xuất cải tạo, mở rộng đường Láng từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy dự toán lên đến 21.000 tỷ đồng (cao hơn cả tuyến đường đắt nhất hành tinh Vành đai 1), đại diện Sở GTVT Hà Nội vừa có ý kiến về việc này.

 

Để giải quyết ùn tắc giao thông tại nút giao Ngã Tư Sở, đường Láng và hoàn thiện đồng bộ đường Vành đai 2 đoạn từ Vĩnh Tuy đến cầu Nhật Tân, Sở GTVT Hà Nội vừa trình UBND thành phố Hà Nội nhóm các dự án giao thông cần thực hiện từ nay đến năm 2030 trong đó có tuyến đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy.

Với tuyến đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy, Sở GTVT Hà Nội cho biết, tư vấn thiết kế lập thành dự án cải tạo, nâng cấp với chiều dài 3,8 km. Theo đó, từ chiều rộng mặt cắt trung bình hiện có là 21 mét tuyến đường sẽ được mở rộng 53,5 mét (rộng hơn gấp đôi hiện nay). Dự án sẽ được thực hiện theo hình thức mở rộng lòng đường dưới thấp và xây dựng đường trên cao. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 21.000 tỷ đồng (trong đó đoạn dưới thấp hơn 17.000 tỷ đồng và đoạn trên cao gần 3.900 tỷ đồng).

Vì sao đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy phá kỷ lục ‘đường đắt nhất hành tinh’?- Ảnh 1.

Lưu lượng xe tại Ngã Tư Sở và đường Láng đang quá tải gần gấp 3 lần năng lực thông hành của hạ tầng giao thông tại đây.

Do mức đầu tư lớn, Sở GTVT Hà Nội đề xuất tách thành hai dự án, trong đó ưu tiên cải tạo mở rộng Vành đai 2 dưới thấp, với độ dài khoảng 3,8 km, điểm đầu dự án tại nút giao Ngã Tư Sở và điểm cuối tại nút giao Cầu Giấy. Đoạn dưới thấp là đường Láng, trong đó, riêng chi phí GPMB là 16.700 tỷ đồng, xây lắp 541 tỷ đồng. Khi hoàn thành, đường Láng rộng 53,5 m, tuyến đường Vành đai 2 trên cao rộng 19 m, vận tốc khai thác 80 km/giờ, thời gian thực hiện từ năm 2026 - 2030.

Ông Phan Trường Thành, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GTVT Hà Nội cho biết, đây mới là phương án nghiên cứu sơ bộ ban đầu, quá trình thực hiện tùy theo thực tế sẽ có sự điều chỉnh lại phương án lập dự án, trong đó có quy mô, tổng mức đầu tư.

Trước đó, cuối năm 2023, Sở GTVT Hà Nội có đề xuất UBND thành phố ưu tiên bố trí vốn thực hiện 3 dự án đường giao thông quan trọng, gồm dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 3 phía Bắc với chiều dài khoảng 14km, chi phí 12.046 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng đường Hoàng Quốc Việt kéo dài đoạn từ Phạm Văn Đồng đến phố Trần Vỹ, chi phí 850 tỷ đồng và Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng tuyến đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy với chi phí hơn 8.500 tỷ đồng.

Xô đổ kỷ lục “đường đắt nhất hành tinh” Kim Liên - Ô Chợ Dừa

Tuy nhiên, đến nay, trong đề xuất mới về chủ trương đầu tư 11 dự án giao thông được lập và trình thành phố Hà Nội trong tháng 5 này, dự án đầu tư cải tạo, mở rộng tuyến đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy dự án được Sở GTVT đề xuất tăng lên 21.000 tỷ đồng (gấp gần 3 lần, phương án đề xuất cuối năm 2023).

Như vậy, nếu so sánh với dự án đường Vành đai 1 đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa được đánh giá là “đường đắt nhất hành tinh” khi mỗi mét đường ở đây có giá 1,4 tỷ đồng/mét (trung bình 1.400 tỷ đồng/km) thì đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy đã “xô đổ” khi chi phí mỗi mét đường ở đây là 5,5 tỷ đồng/mét (trung bình 5.200 tỷ đồng/km), riêng đường dưới thấp cũng có chi phí đầu tư 4,4 tỷ đồng/mét (4.200 tỷ đồng/km).

Vì sao đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy phá kỷ lục ‘đường đắt nhất hành tinh’?- Ảnh 2.

Đường Láng sẽ được đề xuất mở rộng gấp đôi hiện nay.

Cho ý kiến với PV Tiền Phong về việc chỉ trong 5 tháng mức đầu tư dự án được lập tăng gấp 3 lần, đại diện Sở GTVT Hà Nội nói rằng, thời điểm năm 2023 khi nút giao Ngã Tư Sở đang xảy ra ùn tắc kéo dài, chưa được tổ chức giao thông đồng bộ như hiện nay, do vậy tư vấn thiết kế đã đề xuất xây dựng tuyến đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy với hình thức cấp bách, quy mô nhỏ và chỉ tập trung cho việc lưu thoát phương tiện nhanh tại nút Ngã Tư Sở bằng đường trên cao.

Từ thực tế nghiên cứu này nên dự án được tính toán ban đầu chỉ có mức hơn 8.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay, khi nút giao Ngã Tư Sở được tổ chức lại, tình trạng ùn tắc đã giảm, thì tư vấn thiết kế đã điều chỉnh lập phương án theo hướng đồng bộ cho đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy nên chi phí đầu tư đã tăng lên. “Tuy nhiên, đây mới là mức tính toán bước đầu và do tư vấn thiết kế lập, để hình thành phương án, hồ sơ thực hiện chính thức dự án còn phải trải qua nhiều khâu khảo sát, tính toán, thẩm định… Từ đó, mới ra được phương án, chi phí được lập cuối cùng”, đại diện Sở GTVT Hà Nội thông tin.

Theo Anh Trọng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...