• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Năm 2024: Ngành bán lẻ Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ của mô hình livestream bán hàng

Năm 2024 chứng kiến sự bùng nổ của mô hình livestream bán hàng tại các nền tảng mạng xã hội. Báo cáo của Sapo cho thấy, Facebook Live chiếm 23% và TikTok Live chiếm 18% tổng số phiên livestream của nhà bán hàng.

Theo khảo sát từ 15.000 nhà bán hàng trên toàn quốc của Công ty CP Công nghệ Sapo, ngành kinh doanh bán lẻ trong năm 2024 có nhiều điểm sáng, song vẫn còn một số thách thức. 

 33% nhà bán hàng ghi nhận doanh thu tăng trưởng

Kết quả khảo sát của Sapo cho thấy, nhóm có doanh thu tăng trưởng tập trung tại Hà Nội và TP HCM (67%), quy mô nhân sự chủ yếu dưới 5 người, có mức doanh thu phổ biến vượt 500 triệu đồng/tháng, nhờ tận dụng tốt bán đa kênh và các hình thức quảng cáo trực tuyến.

nam 2024 nganh ban le viet nam chung kien su bung no cua mo hinh livestream ban hang hinh 1

Theo khảo sát của Sapo, 33% nhà bán hàng ghi nhận doanh thu tăng trưởng. (Ảnh: ST)

Đây là nhóm bán hàng đa kênh chuyên nghiệp và có chiến lược phát triển kinh doanh rõ ràng, khi chú trọng đầu tư giải pháp để tối ưu hiệu quả quảng cáo, năng suất làm việc của nhân sự và khai thác tối đa doanh thu thông qua việc khuyến khích khách hàng mua thêm hoặc nâng cấp sản phẩm. 

Ngành hàng thời trang, đồ gia dụng và thực phẩm đóng góp tỷ lệ tăng trưởng cao nhất nhờ sức mua ổn định và chương trình khuyến mãi linh hoạt. 

Hơn 80% nhóm có doanh thu tăng trưởng đang lạc quan và kỳ vọng thị trường tiến triển tốt trong năm 2025. Nhiều nhà bán hàng có kế hoạch phát triển các chiến lược mới như livestream chốt đơn, mở rộng kinh doanh trên nền tảng xã hội.

So sánh tương quan với kết quả khảo sát trong 6 năm trở lại đây, tỷ lệ nhà bán hàng có sự tăng trưởng doanh thu của năm 2024 cao hơn 2023 nhưng vẫn chưa đạt được con số tích cực như năm 2022. Tăng trưởng không đồng đều trên nhóm kênh bán hàng chính.

66% nhà bán hàng nhận định năm 2024 không có sự tăng trưởng, trong đó phần lớn ghi nhận giảm doanh thu từ 10% trở lên. 

Họ chủ yếu là hộ kinh doanh cá thể hoặc doanh nghiệp đang dùng kênh bán hàng truyền thống (bán tại cửa hàng), tỷ lệ sử dụng kênh online hoặc đa kênh thấp hơn nhóm có sự tăng trưởng doanh thu. 

Nhiều nhà bán hàng trong nhóm này chưa tiếp cận hoặc chưa sử dụng các chương trình hỗ trợ tài chính. Họ chú trọng các công cụ báo cáo chi phí và hiệu suất hơn là các giải pháp tự động hóa; hạn chế trong đầu tư quảng cáo và tập trung vào các kênh miễn phí hoặc chi phí thấp.

Nhóm nhà bán hàng không tăng trưởng doanh thu có xu hướng thận trọng trong kế hoạch 2025; 30% trong nhóm này ưu tiên duy trì hoạt động tương đương 2024 và chưa mạnh dạn mở rộng quy mô kinh doanh.

Thương mại điện tử vẫn giữ vững "ngôi vương" nhưng đối mặt cạnh tranh quốc tế, thuế phí tăng

Theo kết quả khảo sát Sapo, 77% nhà bán hàng đang kinh doanh trên ít nhất một kênh bán hàng trực tuyến, với quy mô phổ biến là từ 1-5 gian hàng (chiếm gần 90%).

Nhà bán hàng có doanh thu tăng trưởng đang chú trọng và dành nhiều ngân sách cho quảng cáo qua mạng xã hội như Instagram, TikTok và Facebook, cũng như các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Shopee.

100% dự định 2025 đều nhắc đến việc mở rộng kênh bán trực tuyến như TikTok Shop, Shopee, Facebook,... Điều này cho thấy nhà bán hàng vẫn xem các kênh online là trọng tâm, khẳng định vị thế của TMĐT trong bán lẻ hiện đại.

Trong năm 2024, các mạng xã hội lớn như Facebook (Meta) và TikTok (Bytedance) đã đầu tư rất nhiều vào các công cụ hỗ trợ tiếp thị nhằm tăng tỷ lệ quảng cáo trúng đích, quảng cáo đúng nhu cầu và quảng cáo sáng tạo. Từ AI tối ưu quảng cáo trên Facebook đến ra mắt hình thức quảng cáo tin nhắn trên TikTok, đều góp phần khiến các kênh tiếp thị này được tin tưởng.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của các hình thức bán hàng trực tuyến trong năm 2024 vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Cạnh tranh gay gắt đến từ các sàn TMĐT quốc tế gia nhập vào thị trường (Temu, Shein) hay thông quan trực tiếp về Việt Nam (Taobao Alibaba) đã khiến áp lực với nhóm bán thương mại điện tử càng trở nên lớn hơn bao giờ hết.

 

Mặt khác, các phí nền tảng kinh doanh trên sàn đã tăng hơn so với các năm trước, đi kèm với đó là thuế được quản lý chặt chẽ hơn, nhà bán hàng đối mặt với thách thức trong việc tối ưu chi phí vận hành để đảm bảo được lợi nhuận.

Cuộc canh tranh khốc liệt về giá đang có xu hướng giảm nhiệt, thay vào đó các nhà bán hàng bắt đầu có xu hướng kinh doanh bền vững để đảm bảo lợi nhuận. 

Luật quản lý thuế mới được Quốc hội thông qua về việc yêu cầu các sàn thương mại điện tử nộp thuế thay cho nhà bán hàng được dự đoán sẽ giảm bớt gánh nặng thủ tục, mở ra một cơ chế minh bạch và đơn giản hơn.

Bùng nổ livestream bán hàng trên TikTok và Facebook

Cũng theo Sapo, Facebook Live chiếm 23% và TikTok Live chiếm 18% tổng số phiên livestream của nhà bán hàng đang kinh doanh đa kênh hoặc chỉ bán online. Shopee Live kém phổ biến hơn (10%), chủ yếu được sử dụng bởi doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuyên bán trên sàn TMĐT.

Với bán hàng qua livestream, dù chậm chân hơn so với TikTok và Shopee nhưng Facebook không thể đứng ngoài cuộc chơi. Trong năm 2024, dựa vào việc kết hợp với các nền tảng quản lý bán hàng như Sapo, Meta đã chính thức ra mắt Facebook LiveShopping - tính năng cho phép nhà bán hàng vừa phát trực tiếp vừa gắn giỏ hàng để người mua chọn sản phẩm và thanh toán nhanh chóng ngay trong phiên live. Tính năng này dự kiến sẽ được Meta tiếp tục đẩy mạnh trong 2025, đáp ứng nhu cầu bán hàng mạnh mẽ trên mạng xã hội.

nam 2024 nganh ban le viet nam chung kien su bung no cua mo hinh livestream ban hang hinh 2

Ngành bán lẻ Việt Nam chứng kiến sự ‘bùng nổ’ livestream bán hàng trong năm 2024. (Ảnh: ST)

Theo bà Lê Thị Nga, Giám đốc Sapo Social Commerce & Shipping: Các buổi livestream có nội dung sáng tạo và tương tác với khách hàng qua minigame có thể tăng tỷ lệ xem đến 35% so với các buổi chỉ giới thiệu sản phẩm thông thường. 

“Khi kết hợp với các dịch vụ vận chuyển nhanh và chính xác, nhà bán hàng sẽ tạo ra một chuỗi giá trị hoàn chỉnh, từ việc tiếp cận khách hàng đến giao hàng tận nơi, giúp tăng sự hài lòng và trung thành của khách hàng”, bà Nga nói.

Hơn 66% nhà bán hàng quy mô nhỏ và vừa chưa sử dụng livestream, cho thấy tiềm năng lớn chưa được khai thác. Họ chưa ứng dụng được livestream vì còn thiếu hiểu biết về cách vận hành hoặc thiếu nguồn lực.

Mặt khác, các nhà bán hàng cần đặc biệt lưu ý đến nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và các quy định ngày càng chặt chẽ của nền tảng khi phát trực tiếp. Nhà bán hàng tham gia khảo sát cho biết họ gặp một số vấn đề như lỗi kỹ thuật và quản lý vận hành chưa tốt khi livestream.

Đông đảo nhà bán hàng muốn mở rộng kinh doanh trong năm 2025

Dự báo về ngành bán lẻ trong năm 2025, khảo sát của Sapo cho thấy, 59% nhà bán hàng rất lạc quan về tình hình kinh doanh năm 2025. Vì vậy, đông đảo nhà bán hàng muốn mở rộng kinh doanh thay vì tiết kiệm chi phí.

Dù vậy, để bắt nhịp nhanh chóng với thị trường và đạt được mục tiêu doanh thu như kỳ vọng, Sapo cho rằng các nhà bán hàng nên ưu tiên áp dụng công nghệ và chăm sóc khách hàng trong mức phù hợp với ngân sách, đảm bảo được lợi nhuận và chi phí không bị đội lên quá cao.

Đồng thời, các nhà bán lẻ có thể áp dụng công nghệ phù hợp với quy mô kinh doanh hiện tại, dầu tư công nghệ có thể giúp giảm bớt gánh nặng chi phí nhân sự và tạo ra hiệu quả doanh thu cao hơn. 

Các nhà bán lẻ cần tập trung vào chiến lược nâng cao trải nghiệm khách hàng, chương trình khách hàng thân thiết để giữ chân khách hàng. Đặc biệt, thay vì chạy theo các chương trình chăm sóc khách hàng tốn kém, nhà bán hàng có thể triển khai các hình thức khuyến mại nhỏ như giảm giá theo combo sản phẩm hoặc tặng quà đi kèm chi phí thấp.

"Những chương trình đơn giản nhưng nhắm đúng nhu cầu khách hàng có thể làm tăng tần suất mua sắm đáng kể. Với nhà bán hàng nhỏ lẻ, các chương trình giảm phí vận chuyển nội thành hoặc khuyến mại giờ vàng cũng có thể mang lại hiệu quả mà không cần chi tiêu quá lớn", báo cáo của Sapo nêu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...