Đưa hàng thủ công làng nghề Thủ đô lên "chợ ảo"
Thời đại công nghệ số 4.0 kéo theo sự phát triển của xu hướng bán hàng online đem lại hiệu quả kinh tế cho rất nhiều ngành nghề kinh doanh tại Việt Nam. Trong đó, nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Hà thành cũng đã xuất hiện trên "chợ ảo", vươn xa thị trường quốc tế.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ “lột xác”
Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, trong đó có tới 308 làng nghề truyền thống, đó chính là cái nôi có số lượng làng nghề và nghệ nhân đông nhất của cả nước.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội là nơi các nghệ nhân làng nghề kể lại những câu chuyện thông qua sản phẩm, gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống của từng nghề trong suốt chiều dài lịch sử.
Không chỉ làm ra những sản phẩm chất lượng tốt, độc đáo, để nâng cao chuỗi giá trị, các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ làng nghề còn cần phải đầu tư cải tiến mẫu mã để đáp thị hiếu của người tiêu dùng.
Ngoài việc cải tiến mẫu mã, nhiều doanh nghiệp cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nhờ vào thương mại điện tử. Việc đưa hàng thủ công lên nền tảng Thương mại điện tử đem lại nhiều hiệu quả thiết thực như tăng doanh thu, giảm chi phí, quảng bá thương hiệu và tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn.
Làng nghề đan cỏ tế xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên |
Bà Nguyễn Thị Lương, Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết, nhờ vào thương mại điện tử, nhiều sản phẩm truyền thống của Hà Nội trở thành hàng xuất khẩu có giá trị, phù hợp xu hướng tiêu dùng xanh trên thế giới.
Cơ sở sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ kết hợp cỏ tế (guột) với các nguyên liệu như cói, bẹ ngô, mây, tre, giang... của bà Nguyễn Thị Lương, bình quân mỗi năm xuất khẩu trên 100.000 sản phẩm đi các thị trường như Rumani, Hungary, Mỹ, Nga…
Các sản phẩm của công ty chủ yếu là bát đựng hoa quả, lẵng hoa, cốc, lọ, con giống, thùng đựng, chao đèn, chậu, làn, đồ dùng trong nhà… được bạn bè quốc tế rất ưa chuộng.
Hỗ trợ, phát triển thương mại điện tử cho doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ
Hiện dư địa xuất khẩu cho ngành hàng thủ công mỹ nghệ còn rất lớn. Do đó, để nắm bắt cơ hội thị trường, các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề cần trang bị những nền tảng cơ bản theo yêu cầu thị trường, trong đó có truy xuất nguồn gốc.
Nhận định chung về tình hình kinh doanh trực tuyến của các địa phương, theo thống kê của Bộ Công thương, Hà Nội có doanh số bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử luôn ở mức cao so với các địa phương khác. Kết quả này có được là nhờ hàng loạt những chính sách, giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội được chào bán trên sàn thương mại điện tử Shopee |
Trong thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội (HPA) đã phối hợp tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này các giải pháp đồng bộ để tiếp cận, sử dụng thương mại điện tử trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số, đồng thời, ứng dụng các giải pháp công nghệ để tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh...
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ được trang bị kiến thức chuyên sâu về phát triển sản phẩm, phát triển kênh phân phối hiện đại trên nền tảng thương mại điện tử, nắm bắt thông tin thị trường. Từ đó, giúp xây dựng chiến lược bán hàng phù hợp với xu hướng mới.
Trung tâm HPA cũng đã tổ chức nhiều buổi toạ đàm, tập huấn cho các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ. Tại đâu, nhiều chuyên gia đến từ sàn thương mại điện tử Amazon; sàn thương mại điện tử Shopee International; Lazada đã hỗ trợ các doanh nghiệp những kỹ năng tổ chức, phân phối hàng hoá trên thương mại điện tử cũng như chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.
Từ đó giúp doanh nghiệp có được kỹ năng cũng như hỗ trợ cần thiết chủ động triển khai các hoạt động thương mại điện tử cho doanh nghiệp mình.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm HPA cho biết: "Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 tác động rất lớn đến hoạt động thương mại, đầu tư, ngành dịch vụ của các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã nỗ lực, tận dụng cơ hội, ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi, đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến. Con số những doanh nghiệp thành công đạt doanh thu trực tuyến cao ngày càng đông.
Thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn là một vấn đề mới với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ nói tiêng, đòi hỏi kỹ năng tốt để tham gia nhưng ngày nay đang trở thành kênh kinh doanh hiệu quả và bền vững nếu doanh nghiệp tận dụng được lợi thế và nâng cao năng lực phát triển.
Trong xu hướng phát triển hiện nay, doanh nghiệp phải xác định cần đi trên cả "hai chân", kênh bán hàng truyền thống và thương mại điện tử để phát triển vững chắc. Một số doanh nghiệp đã nhanh nhạy và đạt được thành công bước đầu với kênh "online" những vẫn còn nhiều doanh nghiệp còn bỡ ngỡ, cần tới các hoạt động tập huấn, trao đổi thông tin, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị".