• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tận dụng tốt hơn các FTA mang đến 'sức sống mới' cho quan hệ Việt Nam - Chile

Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Lương Cường tới Chile sẽ đem đến 'sức sống mới' cho quan hệ Việt Nam-Chile, nhất là trên các lĩnh vực tiềm năng.

“Sức sống mới” cho quan hệ Việt Nam - Chile

Hai nước Việt Nam và Chile thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25/3/1971, đến tháng 5/2007, Việt Nam và Chile đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại Việt Nam - Chile đã có những bước phát triển ấn tượng và đạt kết quả tích cực. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Chile (VCFTA) được phê chuẩn và chính thức có hiệu lực từ năm 2014 đã thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch hai chiều và đa dạng hóa các mặt hàng xuất nhập khẩu.

Từ ngày 9-16/11, nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Chile Gabriel Boric Font và Tổng thống Cộng hòa Peru Dina Ercilia Boluarte Zegarra, Chủ tịch nước Lương Cường sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức Cộng hòa Chile, Cộng hòa Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, với Chile, đây là chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam sau 15 năm, đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm cuộc gặp lịch sử giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Tổng thống Salvador Allende - sự kiện đặt nền móng cho việc Chile trở thành nước đầu tiên tại Nam Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Trên nền tảng đó, quan hệ Việt Nam - Chile đã và đang phát triển tích cực, nhất là trong lĩnh vực thương mại. Hiện nay, Chile là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực; là nước Mỹ Latinh đầu tiên ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, vì vậy, chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Lương Cường tới Chile sẽ đem đến “sức sống mới” cho quan hệ Việt Nam - Chile, nhất là trên các lĩnh vực mà hai bên còn nhiều tiềm năng hợp tác.

Tiềm năng lớn chưa được khai thác

Theo Bộ Công Thương, trước thời điểm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Chile (VCFTA) được ký kết, hàng hoá của Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu vào Chile (trung bình là 6%) và Việt Nam luôn nhập siêu từ Chile. Tuy nhiên, từ năm 2014 trở lại đây, Việt Nam luôn xuất siêu sang Chile và đặc biệt, sau 10 năm từ khi FTA có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang Chile gấp 5 lần. Cùng đó, doanh nghiệp hai nước đã tận dụng hiệu quả cơ hội từ FTA để khai thác thị trường của nhau.

Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết: Năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều thách thức, kim ngạch song phương giữa Việt Nam và Chile đạt 1,57 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,2 tỷ USD, nhập khẩu đạt 375,16 triệu USD.

Riêng 9 tháng năm 2024, trao đổi thương mại song phương đạt 1,29 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu 1,04 tỷ USD và nhập khẩu từ Chile 254,5 triệu USD. Đáng lưu ý, Chile hiện là một trong bốn đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh (sau Brazil, Mexico và Argentina).

Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Chile chủ yếu là hàng tiêu dùng như: điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; hàng dệt may; giày dép các loại; clinker và xi măng; gạo; túi xách, ví, vali, mũ, ô dù; cà phê; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ... Trong số đó điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Chile.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Chile chủ yếu là nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu như: đồng để làm dây và cáp điện, gỗ rừng trồng để sản xuất đồ gỗ, bột cá để chế biến thức ăn gia súc, gia cầm và nuôi tôm cá, bột giấy, rượu vang, hoa quả tươi, dầu mỡ động thực vật, thức ăn gia súc và nguyên liệu, phế liệu sắt thép...

Tận dụng tốt hơn các FTA mang đến 'sức sống mới' cho quan hệ Việt Nam - Chile

Phiên họp lần V Hội đồng Thương mại tự do Việt Nam - Chile đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long và Thứ trưởng phụ trách Ngoại thương, Bộ Ngoại giao Chile Claudia Sanhueza được tổ chức vào tháng 6/2024

Những năm qua, Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao Chile đã luân phiên tổ chức Hội đồng Thương mại tự do giữa hai nước. Phiên họp là cơ chế hiệu quả để rà soát tình hình thực thi FTA Việt Nam - Chile và thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ” - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ nhận định và cho rằng, Hiệp định VCFTA đã tạo nên cú hích cho quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước. Tại Việt Nam, doanh nghiệp đang tận dụng rất hiệu quả ưu đãi của FTA Việt Nam - Chile và Chile đang là một trong những thị trường đứng đầu về tỷ lệ tận dụng ưu đãi với tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu VC.

Không những vậy, Chile là thành viên của Liên minh Thái Bình Dương, điều này giúp doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tiếp cận thị trường Chile mà còn mở rộng cơ hội sang các quốc gia thành viên khác như Peru, Colombia và Mexico. Với dân số hơn 19 triệu người và thu nhập theo đầu người cao, Chile là một trong những quốc gia có nhu cầu tiêu dùng lớn tại khu vực Nam Mỹ. Các sản phẩm của Việt Nam được người tiêu dùng Chile đánh giá cao. Điều này tạo cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu.

Tận dụng tốt hơn các FTA mang đến 'sức sống mới' cho quan hệ Việt Nam - Chile
Gian hàng giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại Hội chợ Lago Ranco, Chile tháng 4/2022

Đáng chú ý, tân Đại sứ Việt Nam tại Chile Nguyễn Việt Cường cũng cho biết, bên cạnh VCFTA, thương mại hai nước Việt Nam - Chile còn nhận được “lực đẩy” từ Hiệp định CPTPP. Dù CPTPP mới chỉ có hiệu lực với Chile vào tháng 7/2023, song cũng đã nhận được sự ủng hộ đông đảo của cả chính phủ lẫn giới doanh nghiệp Chile, tạo cơ sở và môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Chile.

Trong khuôn khổ VCFTA và CPTPP, quan hệ thương mại giữa hai nước còn nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Ngoài việc tăng cường kim ngạch thương mại hai chiều, vẫn còn nhiều hình thức để khai thác hơn nữa tiềm năng của thị trường hai bên như: giảm thuế quan; thu hút đầu tư; đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ các ngành sản xuất trong nước; mở cửa hơn nữa thị trường hai bên, đặc biệt đối với các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của mỗi nước...

VCFTA và CPTPP đã, đang và sẽ tiếp tục là nền tảng vững chắc để tăng cường quan hệ thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Chile nói riêng và của mỗi nước với khu vực phía bạn nói chung” - tân Đại sứ Việt Nam tại Chile Nguyễn Việt Cường nhấn mạnh.

Tận dụng tối đa ưu đãi từ các FTA để thúc đẩy xuất khẩu

Với ưu đãi thuế quan từ VCFTA hay CPTPP, Chile là thị trường tiềm năng tiềm năng đối với doanh nghiệp trong nước, tuy nhiên để tận dụng được cơ hội và đi đến thành công đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ chính doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh biến động kinh tế - thương mại trên thế giới phức tạp, khó lường như hiện nay.

Để đẩy mạnh xuất khẩu sang Chile, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục triển khai một loạt giải pháp đồng bộ và hiệu quả, tập trung vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, tối ưu hóa môi trường pháp lý và mở rộng các cơ hội tiếp cận thị trường. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, cung cấp thông tin chi tiết và kịp thời về nhu cầu, xu hướng tiêu dùng cũng như các yêu cầu chất lượng của thị trường Chile; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong việc hiểu rõ các quy định pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật, và các rào cản phi thuế quan của Chile, đồng thời tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực xuất khẩu, đặc biệt là khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Đối với các doanh nghiệp, trước hết, doanh nghiệp cần đầu tư vào việc nghiên cứu và hiểu thị trường. Cùng với đó, việc nâng cao chất lượng sản phẩm và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế là yếu tố then chốt. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chủ động trong việc tìm kiếm đối tác, thiết lập mối quan hệ kinh doanh lâu dài với các nhà phân phối, nhà nhập khẩu tại Chile. Việc xây dựng một mạng lưới đối tác tin cậy không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng thị trường.

Đáng chú ý, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các ưu đãi từ Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam và Chile. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần nắm vững các quy định về xuất xứ hàng hóa, thủ tục hải quan, cũng như các chính sách thuế quan liên quan, từ đó giảm thiểu chi phí và tăng cường lợi thế cạnh tranh. Việc hợp tác chặt chẽ với các tổ chức xúc tiến thương mại, đại sứ quán và thương vụ Việt Nam tại Chile cũng là một giải pháp quan trọng, giúp doanh nghiệp cập nhật thông tin thị trường, tìm kiếm cơ hội mới và hỗ trợ trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh.

Cuối cùng, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược xuất khẩu dài hạn, không chỉ tập trung vào việc tăng trưởng doanh số mà còn chú trọng đến sự bền vững và ổn định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...