• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cải thiện năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập

Hội nhập kinh tế quốc tế là yêu cầu tất yếu, đã và đang mang lại những lợi ích thiết thực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt vẫn chưa thật sự khai thác được các ưu đãi, thậm chí chịu áp lực cạnh tranh từ quá trình hội nhập. Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia chia sẻ tại Hội nghị “Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững” do Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 9/11.

Ông Phạm Bình An, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tp. Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua, tình hình trong nước, khu vực và thế giới tiếp tục biến động với những diễn biến phức tạp, khó lường. Cục diện đa cực, đa trung tâm; chủ nghĩa bảo hộ, tranh chấp thương mại giữa các nước lớn có xu hướng tăng lên... làm thay đổi trật tự, cấu trúc kinh tế, cách thức tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội. 

Xung đột tại một số quốc gia khu vực và hậu quả của COVID-19 tiếp tục gây cản trở dòng chảy thương mại đầu tư quốc tế, làm “đứt gãy” các chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tiêu cực kinh tế thế giới. Tình hình trên đã thúc đẩy nhanh hơn các xu hướng mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, bền vững và bao trùm. Các “rào cản xanh”, yêu cầu mới và xu hướng “chuyển đổi kép - xanh và số” được các quốc gia áp dụng nhiều hơn trong việc kiểm soát nhập khẩu các sản phẩm và bảo vệ các ngành sản xuất trong nước. 

Theo ông Phạm Bình An, trong những năm qua Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế nhờ mở cửa hội nhập, tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do. Theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 20% quốc gia có độ mở kinh tế lớn nhất; hàng hoá của Việt Nam đã vươn đến hầu hết các thị trường thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, quá trình hội nhập cùng với xu hướng mới, yêu cầu mới từ các đối tác cũng đem lại không ít thách thức đối với doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong việc cạnh tranh. 

Phân tích về các xu hướng phát triển mới hiện nay, ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, thông tin: Thế giới đang chuyển từ nền kinh tế tri thức tới toàn cầu hóa số và kinh tế số dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư. Công nghệ số tạo ra sự kết nối trực tiếp giữa các chủ thể và chu trình vận hành kinh tế, giúp tối ưu hóa kết nối các quá trình xử lý vật liệu, năng lượng và thông tin, lược bỏ nhiều khâu trung gian và gia tăng cơ hội tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời thúc đẩy toàn cầu số hoá.

Mặc dù vậy, xu hướng số hoá cũng làm gia tăng khoảng cách phát triển giữa các quốc gia và định hình lại bản đồ kinh tế thế giới; trong đó, các nền kinh tế phát triển dựa trên nền tảng công nghệ sẽ chiếm ưu thế, trong khi các nền kinh tế thâm dụng tài nguyên khoáng sản hay thâm dụng lao động thì dần trở nên mất lợi thế. Nói cách khác, các quốc gia đang phát triển sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu khi mất đi những lợi thế cạnh tranh cũng như cơ hội mang lại từ cuộc chiến công nghệ này.

Ở góc độ địa phương, ông Đặng Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang cho biết, hội nhập mang lại hiệu quả kinh tế rất rõ rệt trong xuất khẩu hàng hoá và thu hút đầu tư. Theo đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào địa phương, sản xuất và tận dụng các ưu đãi từ FTA để xuất khẩu, chỉ trong khoảng 10 năm (2013 -2023), kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang đã tăng hơn 3 lần. 

Tuy nhiên, mức độ tận dụng ưu đãi xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước lại rất thấp. Về nguyên nhân, doanh nghiệp địa phương hầu hết có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, hạn chế về nguồn lực đầu tư để đáp ứng các tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, nguồn lực con người hỗ trợ công tác hội nhập ở địa phương vừa thiếu vừa yếu trong khi các hàng rào kỹ thuật của thị trường ngày càng cao hơn. 

Theo ông Đặng Văn Tuấn, để khai thác hiệu quả các cơ hội mà quá trình hội nhập quốc tế mang lại, trước hết phải nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Song song đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền thông tin đến doanh nghiệp về các ưu đãi của các FTA, hướng dẫn cụ thể cho từng nhóm ngành nghề hoặc nhóm địa phương có điều kiện tương đồng nhau, giúp doanh nghiệp nắm rõ ưu, nhược điểm và có giải pháp điều chỉnh, tận dụng hiệu quả các cơ hội của quá trình hội nhập./.

Xuân Anh


Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết