Quỹ đầu tư 620 tỷ USD của Ả-rập Xê út cam kết dành nguồn lực cho các dự án lớn của Việt Nam
Lãnh đạo quỹ đầu tư 620 tỷ đồng của Ả-rập Xê-út đề nghị tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa để quỹ hoạt động, đồng thời cam kết sẽ dành nguồn lực nhiều hơn nữa cho các dự án lớn phát triển hạ tầng của Việt Nam.
Ngày 19/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc tiếp lãnh đạo quỹ đầu tư lớn của Ả-râp Xê-út và Tập đoàn Aramco – doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dầu khí của nước này.
Đề nghị mở rộng nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông
Với số vốn ước tính lên tới 620 tỷ USD, quỹ đầu tư công Ả-rập Xê- út (PIF) hiện là 1 trong 10 quỹ đầu tư công lớn nhất thế giới. Tại buổi tiếp, ông Yasir Al- Rumayyan, Thống đốc PIF bày tỏ vui mừng khi được Thủ tướng Phạm Minh Chính dành thời gian tiếp đoàn.
Ông cho biết hiện nay quỹ đã đầu tư 160 triệu USD vào Việt Nam thông qua hình thức đầu tư gián tiếp. Ông cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa để quỹ hoạt động hiệu quả, và cam kết sẽ dành nguồn lực nhiều hơn nữa cho các dự án lớn của Việt Nam để phát triển hạ tầng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò của quỹ trong việc thúc đẩy phát triển, chuyển đổi và đa dạng hóa nền kinh tế của Ả-rập Xê-út. Để tạo đột phá trong hợp tác về đầu tư giữa hai nước, Thủ tướng đề nghị quỹ mở rộng và đa dạng hóa hoạt động đầu tư dưới các hình thức trực tiếp, gián tiếp vào các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên, như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, công nghệ cao, công nghiệp, du lịch, công nghiệp Halal..., đặc biệt là hạ tầng giao thông như đường sắt, đường kết nối liên vùng, đô thị…
Thủ tướng cũng đề nghị Việt Nam và Ả-rập Xê- út nghiên cứu thành lập quỹ đầu tư chung để thực hiện các dự án đầu tư tại mỗi nước. Đây là mô hình hợp tác đầu tư đã được triển khai thành công giữa Việt Nam và Oman, cũng như giữa Ả-rập Xê-út và một số nước trên thế giới.
Tiếp ông Sultan Al-Marshad, Giám đốc điều hành Quỹ Phát triển Ả-rập Xê-út (SFD), Thủ tướng đánh giá cao việc quỹ cấp vốn vay ưu đãi trị giá 165 triệu USD cho các dự án tại Việt Nam. Nguồn vốn này này giúp Việt Nam hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Ông cho hay, Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về phát triển hạ tầng giao thông đường sắt, cao tốc, nên cần vay lượng vốn lớn. Chẳng hạn, một dự án giao thông, cao tốc cần vốn 5-10 tỷ USD. Do đó, Thủ tướng đề nghị Quỹ SFD tăng cấp vốn và điều chỉnh điều kiện vay theo hướng ưu đãi hơn với Việt Nam.
“Ông lớn” Aramco muốn làm nhà máy lọc hóa dầu tại Việt Nam
Tại buổi tiếp ông Yasser M.Mufti, phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Aramco, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đang đa dạng hóa thị trường nhất là trong lĩnh vực hóa dầu. Người đứng đầu Chính phủ mong muốn tập đoàn sẽ đầu tư vào các nhà máy lọc hóa dầu tại Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Ông Yasser M.Mufti cho biết hiện tập đoàn đang hoạt động rất tích cực tại khu vực châu Á Thái Bình Dương nhưng chưa có hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện Aramco đã cung cấp rất nhiều các mặt hàng dầu thô cho các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Vì vậy, Chủ tịch Tập đoàn Aramco cũng mong muốn có được cơ hội đầu tư vào Việt Nam trong xây dựng nhà máy lọc hóa dầu mới. Ông đề nghị Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện cho công ty đoàn kỹ thuật của công ty vào Việt Nam khảo sát và tìm hiểu thị trường.
Tập đoàn Aramco là “ông lớn” trong ngành dầu khí của Ả-râp Xê-út. Năm 2022, Tập đoàn dầu khí này đạt lợi nhuận mức kỷ lục hơn 161 tỷ USD, tăng 46% so với mức 110 tỷ USD năm 2021, trong bối cảnh giá năng lượng leo thang, lượng dầu bán ra tăng và lợi nhuận của các sản phẩm lọc dầu gia tăng. Tập đoàn đang hướng tới đầu tư vào công nghệ mới phát thải carbon thấp, giúp hạn chế lượng khí thải gây ô nhiễm.
Theo Văn Kiên (từ Riyadh, Ả-rập Xê-út)
tienphong.vn