Shopee kéo dài thời gian đổi trả hàng: Quy định không mới với thế giới
Người bán hàng trên Shopee lo ngại chính sách mới của sàn thương mại điện tử, tuy nhiên, điều này không hề mới với thế giới.
Tâm lý chung của nhà bán hàng lo sợ bên mua cố tình lợi dụng chính sách này để gian lận, đánh tráo sản phẩm hoặc dùng xong yêu cầu trả lại, gây thiệt hại.
Kéo dài thời gian cho người mua yêu cầu trả hàng
Từ 8/3/2024, sàn thương mại điện tử Shopee áp dụng chính sách mới cho phép người mua trả lại sản phẩm miễn phí trong 15 ngày kể từ thời điểm nhận, nếu họ đổi ý hoặc không ưng. Thay đổi này mang hướng có lợi cho người dùng, và cũng tương đồng với một số sàn lớn quốc tế như Amazon hay Taobao..., thậm chí thời hạn trả hàng và yêu cầu hoàn tiền của Amazon lên tới 30 ngày.
Theo Shopee, quyền lợi trả hàng theo nhu cầu sẽ chỉ áp dụng với những sản phẩm giữ nguyên vẹn, nguyên tem, hộp sản xuất, đầy đủ phụ kiện, giấy tờ để người bán có thể tiếp tục sử dụng cho những đơn hàng tiếp theo. Các nhà bán hàng cũng không phải chịu tỷ lệ đơn hàng không thành công đối với trường hợp này, đồng thời được cam kết miễn phí vận chuyển chiều giao.
Tuy nhiên, thay đổi lập tức gặp phản ứng từ phía các nhà bán (người bán hàng trên Shopee), cáo buộc sàn quá ưu ái người mua trong khi "bóp chẹt" người bán. Tâm lý chung của nhà bán hàng lo sợ bên mua cố tình lợi dụng chính sách này để gian lận, đánh tráo sản phẩm hoặc dùng xong yêu cầu trả lại, gây thiệt hại cho bên cung cấp.
" Thông thường, khách chỉ có vài ngày chờ để nhấn xác nhận 'Đã nhận hàng' kể từ thời điểm hệ thống ghi nhận giao thành công. Quá thời gian, hệ thống tự kết toán đơn hàng, chuyển tiền về ví điện tử tích hợp trên sàn của người bán. Với việc tăng lên 15 ngày, nhiều người kinh doanh lo lắng cho số tiền bị giữ quá lâu, đồng thời khách đang được ưu ái trái ngược với bên bán, khi luôn bị ép xác nhận đơn hàng và gửi đi trong vòng 24 - 48 giờ kể từ khi có đơn hệ thống, tôi thấy tâm lý khó chịu của họ là điều dễ hiểu ", chị Hồng Liên - chủ cửa hàng kinh doanh quần áo trẻ em trên Shopee chia sẻ.
Còn theo anh Phan Tú (Gò Vấp, TP.HCM) - nhà bán với nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh trên các nền tảng quốc tế, nhiều sàn có thời gian hoàn trả hàng dài hơn rất nhiều, từ 30 ngày đến thậm chí là nhiều hơn vậy, kèm theo nhiều điều khoản quy định do sàn đưa ra. Anh Tú khẳng định thị trường nước ngoài khốc liệt hơn rất nhiều khi bàn đến cạnh tranh về mặt chính sách. Ví dụ, trên Amazon, người bán sẽ mất đơn ngay khi phản hồi của người mua chỉ ra sản phẩm sai khác so với phần mô tả được đăng tải.
" Chính sách khó khăn là vậy nhưng vẫn có hàng trăm nghìn nhà bán, doanh nghiệp tham gia. Theo tôi, luôn có cơ hội trong kinh doanh, chúng ta cần phải chuyên nghiệp, minh bạch hơn đối với việc quảng bá sản phẩm của mình. Phần mô tả đơn hàng rất quan trọng, phải sát với thực tế, trung thực, hàng hóa phải có chất lượng tốt. Khâu tư vấn, chăm sóc khách hàng cũng cần chu đáo ", anh Tú chia sẻ.
Có hay không chuyện "om tiền" của người kinh doanh?
Thay đổi thời gian nói trên còn đi kèm bức xúc khác khi nhiều nhà bán "tố" Shopee đồng thời chậm thanh toán khoản tiền hàng về ví ShopeePay của họ. Cụ thể, trước đây sàn tự động trả tiền hàng (đã giao thành công) về ví của người bán sau khoảng 3-7 ngày kể từ khi đơn được tất toán. Gần đây, nhiều người cũng tỏ ra lo ngại khi tiền hàng về chậm.
Trả lời về vấn đề này, Shopee khẳng định: " Sau khi người mua bấm 'Đã nhận được hàng' hoặc vào ngày thứ 8 trở đi kể từ khi đơn hàng được giao thành công và người mua không có yêu cầu trả hàng/hoàn tiền, hoặc sau khi hết thời hạn yêu cầu trả hàng/hoàn tiền (áp dụng cho đơn hàng cần Shopee xem xét), tiền hàng sẽ được trả về ví cho người bán ".
Theo chính sách của Shopee, số tiền hàng sau khi được trả về ví ShopeePay, người bán có quyền chủ động nhấn yêu cầu rút về tài khoản ngân hàng đã liên kết (có mất phí) hoặc chờ đến hạn Shopee thực hiện lệnh thanh toán tự động (miễn phí). Với số tiền từ các gian hàng trực tuyến có trên sàn, cùng với việc Shopee thông báo từ ngày 26/2/2024 cung cấp thêm dịch vụ cho vay vốn kinh doanh mang tên SEasy khiến nhiều người hồ nghi việc sàn này đang dùng chính tiền của nhà bán để cho họ vay lại, với mức lãi suất từ 1,74%.
Thực tế, đây là dịch vụ được sàn giới thiệu đến người bán từ tháng 8/2023. SEasy Cho Vay Người Bán là một dịch vụ được cung cấp bởi đối tác của Shopee là các tổ chức tín dụng (TCTD) được cấp phép, vận hành thông qua sàn thương mại điện tử Shopee. Đây chỉ là một trong những hỗ trợ đi kèm của sàn cung cấp cho nhà bán và hiện chỉ khả dụng với một số gian hàng thỏa mãn điều kiện, chính sách.
" Shopee không phải là đơn vị đứng ra cho vay. Các khoản cấp tín dụng sẽ được thực hiện bởi TCTD trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật có liên quan ", đại diện hãng nhấn mạnh.
Theo một chuyên gia về thương mại điện tử, tiền hàng do sàn tạm giữ trong quá trình giao dịch mua bán vẫn chưa hoàn tất là điều bình thường ở bất kỳ đâu và các sàn trực tuyến không được phép sử dụng phần tiền này. Đến thời hạn thanh toán theo quy định, tiền sẽ trả về cho người bán theo phương thức thỏa thuận trước do sàn là đơn vị trung gian, đứng ra kết nối người bán với người mua, đồng thời là đơn vị đảm bảo quyền lợi cho cả đôi bên tham gia giao dịch.
Cũng theo chuyên gia, trong môi trường cạnh tranh khốc liệt và khó kiểm soát chất lượng hàng hoá hiện nay, quy định tạm giữ tiền giúp quy trình mua - bán hàng hoá minh bạch hơn và ít vấn đề gian lận từ người bán hơn. Sàn thương mại điện tử cũng bị điều chỉnh các quy định liên quan đến luật kinh doanh trên môi trường số nên không dễ dàng cho họ thực hiện các hành vi trái luật như lo sợ của người bán hàng.
" Với dịch vụ cho vay vốn kinh doanh, Shopee không có chức năng thực hiện điều này. Đây thực chất là dịch vụ liên kết giữa sàn với ngân hàng. Shopee là bên bảo chứng cho uy tín của người vay, tăng cơ hội thẩm định thành công. Ngân hàng là phía quyết định cho vay hay không, giải ngân thế nào. Có thể việc quy kết Shopee giữ tiền của người bán để đem cho vay là hoàn toàn không chính xác ", vị chuyên gia chia sẻ.
Đồng thời, mọi vấn đề liên quan đến gian lận hoặc trái quy định pháp luật, người sử dụng dịch vụ của sàn thương mại điện tử có thể khiếu nại lên các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng hiện nay ở Việt Nam: Hotline số 1900. 888. 655 của Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương hoặc báo cáo tại các website của các cơ quan chức năng liên quan.
Theo Khánh Linh