• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một doanh nghiệp BĐS trên sàn dính nợ xấu 6 năm tại ngân hàng: Báo lỗ liên tục, gần 1/3 cổ phần bị tòa án phong tỏa

Agribank Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng mới đây đã thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của CTCP Địa ốc Đà Lạt (UPCoM: DLR).

Khoản vay này phát sinh từ năm 2012, không có tài sản đảm bảo và được xác định là nợ xấu từ năm 2017.

Agribank Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng cho biết đã khởi kiện doanh nghiệp này ra TAND thành phố Đà Lạt, được giải quyết tại bản án số 20/2022/DS-ST ngày 20/5/2022, hiện bản án đã có hiệu lực và đang được Chi cục thi hành án dân sự thành phố Đà Lạt thi hành theo Quyết định thi hành án số 100/QĐ-CCTHADS ngày 18/7/2022.

Ngân hàng đã làm đơn yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Lạt kê biên tài sản của Địa ốc Đà Lạt để bảo đảm cho việc thi hành án.

Theo đó, giá bán tối thiểu của khoản nợ là 18,5 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT).

Một doanh nghiệp BĐS trên sàn dính nợ xấu tại ngân hàng: Thua lỗ 7 năm liên tiếp, gần 1/3 cổ phần bị tòa án phong tỏa - Ảnh 1.

Trụ sở Công ty Cổ phần Địa ốc Đà Lạt

Công ty Cổ phần Địa ốc Đà Lạt được thành lập từ việc cổ phần hoá Doanh nghiệp Nhà nước Công ty Kinh Doanh và Phát Triển Nhà Lâm Đồng ngày 27/12/2007. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản; thi công xây lắp các công trình; sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, trang trí nội thất; tư vấn xây dựng; tư vấn quy hoạch xây dựng...

Kết quả kinh doanh của Địa ốc Đà Lạt đi xuống trong những năm gần đây khi công ty liên tục thua lỗ từ năm 2016 đến nay.

BCTC hợp nhất kiểm toán 2022 của Địa ốc Đà Lạt ghi nhận khoản lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2022 là 69,3 tỷ đồng, vượt quá vốn chủ sở hữu 17 tỷ đồng. Cùng thời điểm, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn 43,8 tỷ đồng.

Phía kiểm toán là Công ty AASCN cho biết Địa ốc Đà Lạt chưa có phương án hiệu quả để khắc phục khả năng thanh toán cũng như tìm nguồn tiền để thanh toán cho các khoản vay trong vòng 12 tháng tới trong điều kiện hoạt động bình thường, dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Cùng với tình hình kinh doanh sa sút, trên sàn chứng khoán, cổ phiếu DLR hiện đang bị hạn chế giao dịch và thực tế là không có giao dịch kể từ giữa tháng 3/2023 đến nay.

Cụ thể, hồi tháng 7/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) có quyết định tiếp dục duy trì hạn chế giao dịch đối với cổ phiếu DLR (chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần). Nguyên nhân là do doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu âm trong BCTC năm 2022 (âm hơn 17 tỷ đồng), không họp ĐHĐCĐ thường niên hai năm tài chính gần nhất.

Trong báo cáo thường niên năm 2022, doanh nghiệp cho biết chưa tổ chức được ĐHĐCĐ thường niên 2022 và Đại hội nhiệm kỳ mới do còn tranh chấp số cổ phiếu của công ty; cổ phiếu đang tranh chấp giữa Chủ tịch HĐQT, ông Trịnh Ngọc Thanh với ông Phan Tấn Dũng và ông Lê Ngọc Khánh Việt đang đứng tên (tổng số hơn 1,3 triệu cp, tương ứng với 29,4% tổng số cp DLR).

Trong báo cáo quản trị công ty phát đi hồi tháng 7/2023, Địa ốc Đà Lạt cho biết hơn 1,3 triệu cổ phếu DLR, tương đương 29,4% vốn điều lệ công ty đang bị phong tỏa và đang trong quá trình xét xử của Tòa án Nhân dân quận 1 TP HCM. Mặc khác, các thành viên HĐQT đồng thời cũng là cổ đông lớn chưa thống nhất được việc tổ chức ĐHĐCĐ. Do đó, ĐHĐCĐ thường niên 2023 chưa được tổ chức.

Trước đó, cổ phiếu DLR của Công ty cổ phần Địa ốc Đà Lạt đã bị huỷ niêm yết trên HNX kể từ 24/5/2019. Theo đó, 4,5 triệu cổ phiếu DLR chuyển sang giao dịch tại sàn UPCoM từ ngày 31/5/2019. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 9.000 đồng/cổ phiếu.

Trong quý III/2023, doanh nghiệp ghi nhận chưa tới 4 tỷ đồng doanh thu (chủ yếu là trao đổi sản phẩm, hàng hóa) và hơn 295 triệu đồng lợi nhuận sau thuế, gần như không biến động so với cùng kỳ năm trước.

Đơn vị cho biết nguyên nhân dẫn tới kết quả kinh doanh kém khả quan xuất phát từ việc thu hẹp sản xuất, tạm dừng và chuyển đổi mô hình quản lý một số hoạt động của Công ty VLXD Địa ốc Đà Lạt, Công ty Du lịch Mai Anh Đào về về văn phòng công ty quản lý và điều hành trực tiếp do sản xuất kinh doanh không có hiệu quả.

Mặt khác, một số dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư nên chưa phát sinh doanh thu, trong khi công ty phải chịu chi phí quản lý doanh nghiệp cũng như chi phí khấu hao và lãi vay.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Địa ốc Đà Lạt ghi nhận hơn 10 tỷ đồng doanh thu (tăng 15% so với cùng kỳ) nhưng công ty lỗ sau thuế hơn 976 triệu đồng.

Tại ngày 30/9, hàng tồn kho của doanh nghiệp này ghi nhận gần 18 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang tại các dự án. Doanh nghiệp không thuyết minh chi tiết về khoản mục này. Tuy vậy, có thể kể đến dự án nổi bật nhất của doanh nghiệp này là Khu dân cư Đồi An Tôn (TP Đà Lạt).

Quốc Thụy


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...