• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Golf Long Thành và hệ sinh thái KN Investment Group đang vay nợ “khủng” cỡ nào?

VOV.VN - Hệ sinh thái KN Investment do ông Lê Văn Kiểm làm Chủ tịch gồm Golf Long Thành, dự án KN Paradise tại Bãi Dài, CTCP Điện mặt trời KN Cam Lâm… đang có lợi nhuận “mỏng” vay nợ gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu. Dự án Điện mặt trời KN Cam Lâm còn bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm.

Sai phạm trong dự án Điện mặt trời KN Cam Lâm

CTCP Điện mặt trời KN Cam Lâm (công ty thực hiện dự án ĐMT KN Cam Lâm) được thành lập vào tháng 4/2017, vốn điều lệ ban đầu 400 tỷ đồng. Pháp nhân góp vốn bởi CTCP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành (Golf Long Thành) và ông Lê Văn Kiểm với tỷ lệ lần lượt là 20% và 80%.

Năm 2019, Hanwha Energy đã mua 70% cổ phần của doanh nghiệp dự án, trong khi nhóm cổ đông của ông Lê Văn Kiểm nắm 30% còn lại. Sau khi thương vụ chuyển nhượng hoàn tất, CTCP Điện mặt trời KN Cam Lâm có vốn điều lệ 222 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông mới gồm Hanwha Energy (70% vốn điều lệ), Golf Long Thành (20%) và bà Lê Nữ Thuỳ Dương (10%).

Bà Lê Nữ Thùy Dương giữ chức Tổng Giám đốc, trong khi vị trí Chủ tịch HĐQT khi đó thuộc về ông Lee Jonghyeok, quốc tịch Hàn Quốc.

 

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều khuyết điểm, vi phạm khi triển khai dự án Điện mặt trời KN Cam Lâm (Ảnh minh họa: KT)

Tháng 4/2023, CTCP Điện mặt trời KN Cam Lâm công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Tỷ lệ sở hữu của Hanwha Energy Corporation Singapore Pte Ltd giảm từ 70% về còn 19%, theo đó 51% cổ phần được chuyển nhượng về lại một thành viên của Golf Long Thành. Bà Lê Nữ Thùy Dương cũng trở thành Chủ tịch HĐQT, đồng thời là Người đại diện theo pháp luật duy nhất của công ty này.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra các khuyết điểm, vi phạm khi triển khai dự án Điện mặt trời KN Cam Lâm, tọa lạc tại xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, có tổng công suất là 50MWp. Dự án được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 – 2025, có xét đến 2035 (Quyết định số 424/QĐ-BCT ngày 31/1/2018).

Theo Thanh tra Chính phủ, trong quá trình Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (NLTT) thẩm định, đã không tiếp thu đầy đủ ý kiến của EVN tại văn bản số 5237/EVN-KH ngày 7/11/2017 đối với hồ sơ bổ sung dự án Nhà máy ĐMT KN Cam Lâm vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa.

Ý kiến của EVN nêu: "Có giải pháp tổng thể trong công tác Quy hoạch phát triển các nguồn điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa để phù hợp với nhu cầu và cơ sở hạ tầng lưới điện, tránh gây áp lực quá lớn lên việc đầu tư hệ thống điện truyền tải và đảm bảo hiệu quả chung của toàn xã hội".

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, UBND tỉnh Khánh Hòa chưa hoàn thành việc xử lý khoản ngân sách nhà nước đã chi giải phóng mặt bằng thuộc dự án Hồ chứa nước Tà Rục trước đây với tổng số tiền 77,8 tỷ đồng (theo báo cáo của UBND huyện Cam Lâm).

Về việc này, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Thông báo số 592/TB-UBND ngày 26/12/2022 kết luận, chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với sở ngành để xử lý tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án thuê đất tại bãi vật liệu phục vụ thi công Hồ chứa nước Tà Rục theo đúng chỉ đạo của Bộ Tài chính và quy định của pháp luật. Trách nhiệm đối với khuyết điểm nêu trên thuộc về UBND tỉnh Khánh Hòa và các sở ngành có liên quan.

Golf Long Thành nợ gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, lợi nhuận “mỏng”

Golf Long Thành là doanh nghiệp quan trọng trong hệ sinh thái với vốn chủ sở hữu ở mức gần 7.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, những thông tin kinh doanh của doanh nghiệp này không mấy khả quan.

Năm 2020, doanh nghiệp này lại ghi nhận khoản lỗ ròng gần 9 tỷ đồng dù doanh thu tăng vọt lên hơn 3.100 tỷ đồng. Trong năm 2021 và 2022, Golf Long Thành chỉ ghi nhận lợi nhuận sau thuế rất thấp, ở mức 20 và 27 tỷ đồng.

Trước đó, trong giai đoạn 2017-2019, doanh thu của Golf Long Thành “trồi sụt” thất thường nhưng chưa năm nào vượt quá con số 700 tỷ đồng. Lợi nhuận dương tuy nhiên không ổn định, có năm đạt 192 tỷ nhưng sau đó chỉ một năm lại lao dốc về còn 12 tỷ đồng.

Golf Long Thành nợ gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, lợi nhuận “mỏng”

Trong khi Golf Long Thành báo lãi èo uột suốt thời gian dài, nhưng nợ phải trả của doanh nghiệp này lại tăng “phi mã”.

Cụ thể, trong năm tài chính 2021, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Golf Long Thành là 1,82 lần, tương ứng 12.172 tỷ đồng. Đến năm tài chính 2022, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đã tăng lên 2,06 lần, tương ứng 13.833 tỷ đồng. Đến hết ngày 30/6/2023, nợ phải trả của Golf Long Thành đã là hơn 14.538 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này phát hành tổng cộng 11 lô trái phiếu giai đoạn 2020-2021. Trong đó, 500 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào đầu tháng 8/2024. Các lô trái phiếu này có lãi suất 10,5% mỗi năm. Còn 1.000 tỷ đồng trái phiếu còn lại đáo hạn vào cuối tháng 12/2024 với mức lãi 9,5% mỗi năm.

Báo cáo bán niên năm 2023, vốn chủ sở hữu của Golf Long Thành đạt mức 6.731 tỷ đồng, tăng gần 17 tỷ đồng so với cùng kỳ (tương ứng lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2023). Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Golf Long Thành là 2,16 lần, tương ứng số khoản nợ 14.538 tỷ đồng.

Ngoài “sức khỏe” tài chính của Golf Long Thành thì dự án KN Paradise tại Bãi Dài cũng đang những vấn đề hay vụ việc khu dân cư thương mại Phước Thái (phường Tam Phước, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) với nhiều yếu tố pháp lý có liên quan đến ông Lê Văn Kiểm và bà Lê Nữ Thùy Dương sẽ được VOV.VN tiếp tục đề cập.

Theo Hoài Lâm


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...