• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nông sản Việt: Thích ứng với 'cuộc chơi' thị trường

Không còn là "cuộc chơi" của giá rẻ hay thị trường “dễ tính”, nông sản Việt buộc phải chuyển mình để thích ứng với các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS).

Khi chất lượng làm chủ "cuộc chơi"

Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, Liên minh châu Âu (EU) vừa có văn bản đề xuất cử đoàn thanh tra đến Việt Nam để kiểm tra, đánh giá các biện pháp kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu sang khu vực này.

Hiện thanh long xuất khẩu sang EU đang chịu giám sát tại cửa khẩu là 20%

Hiện, thanh long xuất khẩu sang EU đang chịu tần suất giám sát tại cửa khẩu là 20%. Ảnh: M.H

Dự kiến, đoàn thanh tra của EU sẽ bắt đầu làm việc tại Bình Thuận vào ngày 11/6, sau đó sẽ tiếp tục giám sát ở các tỉnh miền Tây với các mặt hàng thanh long, sầu riêng và ớt. Địa bàn kiểm tra là các địa phương Tiền Giang, Long An, Bình Thuận và TP. Hồ Chí Minh. Đoàn thanh tra sẽ đến trực tiếp các vùng trồng, cơ sở chế biến đóng gói để kiểm tra việc khắc phục triệt để các sai lỗi về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở theo quy định của pháp luật và trong báo cáo truy xuất.

Hoạt động thanh tra được EU triển khai thường xuyên tại các thị trường nhập khẩu ngoài EU. Trước đó, từ ngày 24/9 - 17/10/2024, cơ quan thực thi các chính sách của Liên minh châu Âu (EU) về an toàn sức khỏe và thực phẩm đã thanh tra chương trình dư lượng tại Việt Nam với sản phẩm thủy sản nuôi và mật ong.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, để chuẩn bị cho công tác đón đoàn tới đây, Cục cũng yêu cầu các cơ sở chuẩn bị và lưu trữ đầy đủ, dễ truy cập các hồ sơ liên quan đến điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, hồ sơ sản xuất các lô hàng xuất khẩu sang EU, hồ sơ truy xuất lô hàng bị cảnh báo. Xây dựng báo cáo tóm lược về tình hình sản xuất và điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở để trình bày và làm việc với đoàn thanh tra. Đồng thời, cũng yêu cầu các cơ sở có trong danh sách thanh tra gửi ngay thông tin các vùng trồng cung cấp nguyên liệu để chuẩn bị thủ tục.

Chuẩn hóa để đi đường dài

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) - cho hay, hiện, EU chia sản phẩm nông sản, thực phẩm nhập khẩu thành 2 loại, ít rủi ro và rủi ro cao. Trong đó, những sản phẩm ít rủi ro, thông qua các đánh giá của phía bạn, sẽ không yêu cầu kiểm soát tại cửa khẩu một cách hệ thống. Ngược lại, sản phẩm rủi ro cao sẽ cần nhiều biện pháp soát.

Tuy nhiên, về yêu cầu nhập khẩu một số sản phẩm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi không có nguồn gốc động vật vào EU, tức là sản phẩm có rủi ro cao phải chịu sự kiểm soát chính thức theo Quy định của Liên minh (EU) 2019/1973, trong đó có Việt Nam.

Quy định 2019/1973 có 3 phụ lục. Phụ lục I: Tăng cường các biện pháp kiểm soát chính thức các sản phẩm tại cửa khẩu, kiểm tra hồ sơ truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu phân tích ngẫu nhiên theo tần suất các lô hàng (5%, 10%, 20%, 30%, 50%); bắt buộc nhà xuất khẩu phải thông báo trước tới cơ quan thẩm quyền theo Quy định (EU) 2019/1013.

Phụ lục II: Các yêu cầu tương tự như phụ lục I kèm theo điều kiện kiểm soát sản phẩm nhập khẩu có điều kiện đặc biệt như giấy chứng nhận của cơ quan quản lý của quốc gia xuất khẩu, kết quả phân tích các mối nguy.

Phụ lục IIa: Tạm đình chỉ (tạm dừng) nhập khẩu vào EU.

EU hiện là thị trường lớn thứ 3 của nông sản, thực phẩm Việt Nam. Để nông sản, thực phẩm vào thị trường này, phải đảm tuân thủ các quy định của thị trường EU như quy định về đăng ký danh sách doanh nghiệp, quy định về mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) đối với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, quy định về mức dư lượng kháng sinh đối với sản phẩm có nguồn gốc động vật, các quy định về chất phụ gia thực phẩm, vật liệu tiếp xúc với thực phẩm…

“Không còn là cuộc chơi của giá rẻ hay thị trường “dễ tính”, nông sản Việt buộc phải chuyển mình mạnh mẽ để thích ứng với các biện pháp SPS toàn cầu”, ông Ngô Xuân Nam chia sẻ và cho hay, một trong những thay đổi lớn nhất của bối cảnh hội nhập hiện nay là tốc độ cập nhật chính sách SPS từ các nước nhập khẩu.

“Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn của nông sản Việt, liên tục thay đổi tần suất kiểm tra, nâng cao tiêu chuẩn dư lượng hóa chất và yêu cầu bổ sung về tem nhãn, mã số vùng trồng, vùng nuôi, mã số cơ sở đóng gói. Indonesia cũng vừa thông báo tới WTO về mô hình kiểm dịch tích hợp, đặt ra chuẩn mực mới cho hàng nhập khẩu. Nhật Bản, EU hay các nước Ả Rập cũng thường xuyên thay đổi các quy định về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”, ông Ngô Xuân Nam dẫn chứng.

Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó, có nhiều FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA, VIFTA, CEPA. Việc chủ động, tăng tốc độ nắm bắt thông tin các FTA trong việc xuất khẩu nông sản, thực phẩm là rất cần thiết. Việt Nam đã và đang xuất khẩu nông sản, thực phẩm tới 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Do vậy, doanh nghiệp phải chủ động xây dựng các chuỗi liên kết, tổ chức sản xuất đáp ứng yêu cầu các biện pháp SPS theo từng thị trường.

Thị trường EU mỗi năm nhập khẩu rau, quả từ Việt Nam khoảng 350 triệu USD - tương đương với thị trường Mỹ. Tuy nhiên, con số này còn rất khiêm tốn so với nhu cầu và thương mại rau quả ở thị trường này khoảng 500 tỷ Euro/năm. Hiện nay, các mặt hàng của Việt Nam khi xuất khẩu sang EU sẽ chịu giám sát tại cửa khẩu là: ớt chuông và đậu bắp là 50%, thanh long 20%, sầu riêng 10%.

Theo các chuyên gia trong ngành, kết quả thanh tra tới đây sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động chế biến xuất khẩu của doanh nghiệp và ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu của những mặt hàng này không những tại thị trường EU mà sang cả các thị trường khác. Vì vậy, việc giữ vững uy tín, chất lượng nông sản nói chung và ngành hàng rau, quả của Việt Nam tại thị trường EU là tiền đề quan trọng, đóng góp quan trọng vào việc giữ vững tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.

Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam - cho biết, mỗi thị trường, sản phẩm, ngành hàng có biện pháp SPS riêng. Thậm chí, mỗi khách hàng, mỗi siêu thị lại có những tiêu chuẩn, quy định riêng. Doanh nghiệp muốn đi "đường dài" cần chủ động chuẩn hóa vùng sản xuất, chủ động số hóa để minh bạch quy trình sản xuất và chủ động xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua chất lượng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...