Toà án tối cao Trung Quốc chống “tăng ca vô hình
Đối với một số nhân viên ở Trung Quốc, về nhà không có nghĩa là ngày làm việc đã kết thúc.
Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc khẳng định, tin nhắn công việc sau giờ làm là một hình thức làm thêm giờ và cũng cần được trả mức lương tương ứng.
Ngày 25/1 vừa qua, Tòa án tối cao Trung Quốc, Bộ Nhân lực và An sinh xã hội và Liên đoàn Công đoàn toàn Trung Quốc đã cùng nhau đưa ra một loạt 13 "vụ án mẫu" liên quan đến tranh chấp nợ tiền lương để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Trong số đó có trường hợp, một cựu nhân viên của một công ty truyền thông đã kiện thành công người chủ cũ của mình, vì người này yêu cầu anh trả lời tin nhắn công việc ngoài giờ làm việc mà không có thêm phụ cấp cho anh.
Sau khi xem xét tin nhắn từ WeChat của cựu nhân viên nói trên và đối chiếu với giờ làm việc chính thức của công ty, một tòa án địa phương đã ra phán quyết có lợi cho nguyên đơn và yêu cầu công ty phải trả tiền làm thêm giờ.
Phân tích vụ việc, tòa án nhân dân tối cao giải thích rằng làm việc ngoài giờ trực tuyến khác với làm việc ngoài giờ truyền thống. Điều đó đã khiến người lao động khó cung cấp bằng chứng chứng minh số giờ làm thêm của họ. Cơ quan này tán thành cách tiếp cận của tòa án cấp dưới trong việc xác định mức độ làm thêm giờ dựa trên thời gian nghỉ ngơi của nguyên đơn.
Vụ án mẫu được công bố cùng ngày với một vụ án mang tính bước ngoặt khác liên quan đến "tăng ca vô hình", được công chúng bình chọn là một trong 10 vụ án tư pháp hàng đầu ở Trung Quốc vào năm 2023. Trong báo cáo công việc thường niên của Tòa án Nhân dân Cấp cao Bắc Kinh ngày 23/1 cho biết, đó là vụ án một nữ nhân viên kiện thành công người chủ của mình vì gửi tin nhắn WeChat sau giờ làm việc.
Báo cáo nêu rõ: "Bàn luận về công việc thông qua WeChat ngoài giờ làm được công nhận là công việc ngoài giờ (tăng ca) theo quy định của pháp luật và quyền nghỉ ngơi ngoại tuyến của người lao động cần được đảm bảo".
Trong những năm gần đây, khi chính phủ và tòa án Trung Quốc tìm cách kiềm chế văn hóa làm việc 996 (bắt đầu làm việc từ 9 giờ sáng và kết thúc vào 9 giờ tối, tiếp diễn liên tục trong suốt 6 ngày mỗi tuần) của nước này, hiện tượng "tăng ca vô hình" đã nổi lên như một chủ đề khiếu nại mới của người lao động Trung Quốc. Một cuộc khảo sát của nền tảng tuyển dụng trực tuyến 51Job vào năm 2022 cho thấy 84,7% người lao động vẫn phải kiểm tra tin nhắn liên quan đến công việc sau giờ làm việc.
Cuộc thảo luận về "tăng ca vô hình" đã thống trị mạng xã hội Trung Quốc trong năm qua, với các chủ đề như: "Đừng nhắn tin cho tôi sau giờ làm" đang lan truyền rộng rãi. Trên nền tảng mạng xã hội Weibo, nhiều người dùng đã tôn vinh vụ kiện mẫu này như là minh chứng tốt nhất cho việc nhân viên cần thời gian nghỉ ngơi ngoại tuyến và đó là điều được công nhận bởi tòa án Trung Quốc.
Vào tháng 8 năm ngoái, một tòa án địa phương ở thành phố Quảng Châu cũng đã ra phán quyết rằng cái chết bất ngờ của một người đàn ông đang trả lời tin nhắn công việc khi ở nhà là do chấn thương liên quan đến công việc.
Các vụ kiện mẫu mới nhất cũng bao gồm một số vụ tranh chấp liên quan đến nợ lương giữa người lao động nhập cư và người sử dụng lao động của họ. Tòa án cấp cao cũng nhấn mạnh trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc trả lương cho người lao động nhập cư đúng thời hạn và lưu giữ hồ sơ chính xác.
Theo Trần Trang