• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk được trao cơ chế đặc thù từ ngày 1/1/2023

Sáng 15/11, với 470 đại biểu tán thành, chiếm 94,38 %, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk được trao cơ chế đặc thù từ ngày 1/1/2023

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết

Trong vòng 5 năm kể từ thời điểm Nghị quyết có hiệu lực thi hành, ngày 1/1/2023, dự án đầu tư sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Dự án đầu tư trên địa bàn thành phố thuộc các lĩnh vực sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; Y tế, giáo dục và đào tạo; Sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng, sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; Đầu tư kinh doanh trung tâm logistics, cảng cạn, kho hàng hóa được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Trong thời gian thực hiện Nghị quyết này, chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt làm việc tại các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành phố Buôn Ma Thuột được miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công tại TP Buôn Ma Thuột...

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc ban hành Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù vì hiện nay Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW (Nghị quyết số 23); Đề nghị Chính phủ tổng kết toàn diện kết quả thực hiện cơ chế đặc thù theo các Nghị quyết của Quốc hội đối với các địa phương trước khi ban hành Nghị quyết thí điểm.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc ban hành Nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù đối với thành phố Buôn Ma Thuột là để thực hiện chủ trương, định hướng phát triển thành phố Buôn Ma Thuột theo đúng Kết luận số 67 của Bộ Chính trị, phù hợp với điều kiện, thế mạnh của thành phố và chủ trương của Bộ Chính trị, đồng thời cũng góp phần thể chế hóa Nghị quyết số 23. Tại các Nghị quyết Quốc hội về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, Quốc hội đều giao Chính phủ có trách nhiệm tổ chức sơ kết 3 năm và tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội.

Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk được trao cơ chế đặc thù từ ngày 1/1/2023

Kết quả biểu quyết

Một trong những nhóm nội dung thu hút sự quan tâm của đại biểu trong quá trình thảo luận đó là vấn đề liên quan các chính sách ưu đãi thuế, thu hút chuyên gia. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc về phạm vi, mức ưu đãi, thời gian áp dụng, xác định rõ đối tượng được hưởng ưu đãi và cần tăng cường quản lý thuế, tránh lợi dụng gây thất thu cho ngân sách.

Giải trình nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, chính sách ưu đãi đầu tư trong Dự thảo Nghị quyết chỉ áp dụng đối với dự án mới (được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực thi hành) trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột thuộc những ngành, lĩnh vực cần thu hút theo định hướng của Bộ Chính trị tại Kết luận số 67. Trong quá trình thẩm định, xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án, UBND tỉnh Đắk Lắk chịu trách nhiệm chỉ đạo lấy ý kiến thẩm định đầy đủ của các cơ quan liên quan; Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật, tránh lợi dụng chính sách.

Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, tránh lợi dụng pháp luật để gian lận, trốn thuế, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương theo dõi, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật đối với hoạt động của các doanh nghiệp, dự án được hưởng ưu đãi về thuế theo quy định tại Nghị quyết này để có các giải pháp ngăn chặn việc lợi dụng chính ưu đãi.

Về ý kiến đề nghị cân nhắc quy định ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết dự thảo Nghị quyết đã cụ thể hóa đúng đắn chủ trương này nhằm góp phần tạo nguồn nhân lực cho một khu vực còn nhiều hạn chế về chất lượng lao động và chính sách này cũng đã được Quốc hội cho phép áp dụng đối với thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Cần Thơ.

Ngoài những chính sách trực tiếp ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học tại Điều 5 Dự thảo Nghị quyết, điểm a khoản 1 Điều 4 Dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách ưu đãi thuế nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong một số lĩnh vực cụ thể. Thông qua chính sách thu hút doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ đến thành phố Buôn Ma Thuột làm việc và sẽ có môi trường thuận lợi, cơ chế phù hợp, tăng cường hoạt động nghiên cứu, có tác động không chỉ đối với thành phố Buôn Ma Thuột mà còn có tính lan tỏa đối với cả vùng Tây Nguyên.

Quá trình thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, phạm vi chính sách tại Dự thảo Nghị quyết còn hạn chế, đề nghị bổ sung các chính sách, tuy nhiên theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho một đơn vị hành chính cấp huyện là vấn đề mới, chưa có tiền lệ. Mặt khác, các chính sách cần tương thích với khả năng hấp thụ và tổ chức thực hiện. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ phạm vi chính sách thí điểm như Dự thảo Nghị quyết. Sau thời gian thí điểm sẽ tổng kết, đánh giá và tiếp tục hoàn thiện.

Tương tự, về ý kiến đề nghị cần có cơ chế đặc thù cho cả tỉnh Đắk Lắk, không chỉ thành phố Buôn Ma Thuột, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc ban hành cơ chế đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột nhằm cụ thể hóa Kết luận của Bộ Chính trị với mục tiêu, mục đích gắn với giải pháp cụ thể để phát triển thành phố Buôn Ma Thuột là trung tâm vùng Tây Nguyên. Đối với tỉnh Đắk Lắk sẽ được hưởng các cơ chế, chính sách riêng về phát triển Vùng theo Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết