Quy định mới bắt buộc với xe máy: Hàng chục triệu người sẽ phải xếp hàng làm việc này từ năm 2025?
Quy định bắt buộc kiểm định khí thải với mọi xe máy đã được thông qua trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng mà nhiều thành phố lớn tại Việt Nam đang phải đối mặt. Phần lớn ô nhiễm không khí xuất phát từ khí thải của các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe gắn máy và xe mô tô.
Ở Việt Nam, xe gắn máy là phương tiện lưu thông chính, chiếm số lượng nhiều trong giao thông đường bộ với hàng triệu xe lưu thông mỗi ngày, việc kiểm soát khí thải trở nên cấp thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sống.
Vì vậy Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua cuối tháng 6 có nội dung mới về kiểm định khí thải xe máy. Cụ thể, Điều 42 của Luật này quy định: Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ phải được kiểm định theo quy định; Việc kiểm định khí thải thực hiện theo quy định của pháp luật về môi trường được thực hiện tại các cơ sở kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Như vậy, so với Luật giao thông đường bộ năm 2008, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã thêm quy định về việc xe gắn máy, xe mô tô sẽ phải kiểm định khí thải.
Bên cạnh đó, theo khoản 4 và khoản 5 Điều 42 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Việc chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng do đăng kiểm viên của cơ sở đăng kiểm thực hiện và được cơ sở đăng kiểm cấp giấy chứng nhận kiểm định theo quy định.
Tất cả xe máy có phải kiểm định khí thải từ 1/1/2025 không?
Thông tin đến báo chí ngày 9/7 vừa qua, ông Nguyễn Tô An - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam - cho hay dù Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2025, tuy nhiên việc kiểm định khí thải với tất cả xe máy sẽ thực hiện theo lộ trình áp dụng của Chính phủ ban hành chứ không phải tất cả mô tô, xe gắn máy trên cả nước sẽ phải kiểm định khí thải từ ngày này.
Cụ thể, luật đưa ra quy định nhưng thời điểm thực hiện còn phụ thuộc vào lộ trình áp dụng mà Chính phủ ban hành. Lộ trình này sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì, phối hợp cùng Bộ GTVT xây dựng, trình Chính phủ để Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định.
Quy định này sẽ đưa ra lộ trình chi tiết, các tiêu chuẩn cần áp dụng và phương thức triển khai cụ thể. Từ đó mới xác định được thời gian và đối tượng áp dụng rõ ràng. Dù vậy, nguyên tắc chung là các xe mới nhập khẩu hoặc sản xuất, lắp ráp trong nước hiện đã được kiểm soát về khí thải; chỉ các phương tiện cũ hiện đang tham gia giao thông mà chưa qua kiểm soát về khí thải là chưa được quản lý.
"Các cơ quan nghiên cứu sẽ xem xét ban hành các quy định phù hợp với thực tế, đơn cử như đưa thời gian nhất định rằng xe mới trong 2 - 3 năm đầu tiên không phải kiểm định khí thải... Hơn thế nữa, việc kiểm định khí thải cũng rất đơn giản, chỉ mất vài phút nên với lộ trình thích hợp sẽ không gây nhiều xáo trộn cho người dân và xã hội", ông Nguyễn Tô An thông tin trên báo Thanh Niên.
Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết thêm rằng, do lượng xe máy trên đường phố ở Việt Nam hiện nay rất lớn, trong đó có nhiều xe máy đã cũ nên các cơ quan liên quan đã đưa ra các phương án và phương pháp thực hiện đảm bảo sự cân đối, phù hợp và khả thi nhất.
Bên cạnh đó, các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa xe máy của các đại lý hiện có phải được tối ưu hóa, đáp ứng những tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định, để biến chúng thành trạm kiểm định khí thải.
"Các cơ quan quản lý phải cân nhắc, tính toán hết sức thận trọng việc này với nguyên tắc không được làm phiền nhiều đến người dân, nói cách khác là tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân. Mục tiêu cao nhất, cuối cùng đưa ra là bảo vệ được môi trường", ông An nhấn mạnh khi trả lời Tuổi Trẻ Online.
Kiểm định khí thải xe máy có tác dụng gì?
Theo lý giải của Bộ Công an, lý do đưa việc kiểm soát khí thải định kỳ đối với mô tô, xe gắn máy vào Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là nhằm bảo vệ quyền được sống trong môi trường ít phát thải ô nhiễm, giảm thiểu các tác động về môi trường của phương tiện tham gia giao thông.
Bộ Giao thông vận tải trước đó cho biết, nguồn gây ô nhiễm môi trường chủ yếu của Việt Nam đến từ khí thải của các phương tiện giao thông cơ giới, trong đó xe mô tô và xe máy chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Theo số liệu tính đến hết năm 2021, cả nước có trên 68 triệu chiếc mô tô. Chỉ riêng tại Hà Nội, số lượng xe máy lên tới khoảng 6 triệu chiếc, trong đó gần 3 triệu là xe cũ sản xuất trước năm 2000.
Hiện nay, chỉ có ô tô mới phải trải qua kiểm định khí thải định kỳ sau khi được bán ra thị trường, xe máy đang hoạt động chưa được yêu cầu thực hiện kiểm định này. Cùng với đó, nhiều đô thị lớn đang có kế hoạch giảm thiểu số lượng xe cá nhân nên việc kiểm soát khí thải từ xe máy sẽ giúp đạt được nhiều mục tiêu cùng lúc.
Tuy rằng việc áp dụng quy định mới sẽ làm phát sinh thêm chi phí cả về tiền bạc và thời gian cho chủ sở hữu xe nhưng bù lại, họ sẽ có được phương tiện an toàn hơn, tiết kiệm nhiên liệu và tăng tuổi thọ cho xe.
Bộ Giao thông vận tải cũng trích dẫn từ một dự án nghiên cứu tình hình phát thải của xe máy đang hoạt động vào năm 2018 cho hay: Để đáp ứng các điều kiện về khí thải, chủ sở hữu xe máy cũ cần chi trả nguồn chí phí rất nhỏ, chỉ khoảng 110.000 đồng cho mỗi xe mỗi năm để duy trì bảo dưỡng và thay thế các phụ tùng cần thiết như lọc gió, lọc dầu, v.v... Ngoài ra, chi phí cho việc kiểm định là khoảng 35.000 đồng mỗi lần mỗi năm.
Như vậy, chỉ với chưa đến 150.000 đồng mỗi năm, chủ sở hữu xe máy đã có thể góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu, tăng tuổi thọ phương tiện nhờ việc bảo dưỡng và kiểm định phát thải định kỳ của xe.
Theo T.Hà