Phương Tây phát hoảng vì cả ông Trump lẫn Biden
Phương Tây sợ kịch bản ông Donald Trump lên nắm quyền nhưng việc nước Mỹ do Biden lãnh đạo cũng là điều đáng lo ngại vì tuổi tác quá cao của ông.
Cả 2 ứng cử viên Tổng thống Mỹ đều khiến giới lãnh đạo các nước phương Tây lo lắng, trong đó, ông Biden liên tục bị ngắt lời và mất mạch suy nghĩ, còn ông Trump đã khiến các đồng minh của Hoa Kỳ khó chịu với lập luận rằng Ukraine sẽ không bao giờ giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nga.
Tờ Politico của Mỹ cho biết, quy mô thảm họa của đảng Dân chủ trở nên rõ ràng vào đúng thời điểm nhiều nhà lãnh đạo EU đã trở về nhà từ hội nghị thượng đỉnh ở Brussels.
Nhiều nhà lãnh đạo EU có mối quan tâm và lo lắng riêng, ví dụ như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người cũng sẽ có cuộc bầu cử kịch tính của mình, nhưng hiện nay họ có mối quan tâm chung là lo lắng về số phận của liên minh NATO và các xu hướng của trật tự thế giới được Biden xây dựng trong nhiều năm.
Tình trạng thể chất và tinh thần ngày càng xấu đi của ông Joe Biden đã trở thành chủ đề thường xuyên trong các cuộc thảo luận ở Mỹ và giữa Washington với các đồng minh châu Âu.
Cuộc tranh luận lần này đã làm dấy lên nỗi sợ hãi bị kìm nén từ lâu rằng ứng cử viên của đảng dân chủ đang thua kém so với đối thủ của đảng Cộng hòa. Tình trạng sức khỏe kém khiến ông Biden không còn đủ minh mẫn trong cuộc đối đầu với Trump, thì sao có thể lãnh đạo một siêu cường như Hoa Kỳ?
Tuy nhiên, bất chấp những lời lẽ thất vọng được nói ra gần như công khai bởi tất cả các đối tác chính của Hoa Kỳ, Tổng thống Biden tuyên bố vài giờ sau cuộc tranh luận là ông sẽ không tự mình ra đi.
Người đứng đầu Nhà Trắng đã “thừa nhận sai lầm”, hứa sẽ sửa chữa chúng và giành chiến thắng trong cuộc tranh luận tiếp theo với ông Trump vào tháng 9 tới đây.
Ngoài nỗi lo lắng về tình hình sức khỏe của ông Biden, phương Tây còn lo sợ xảy ra kịch bản ông Donald Trump quay lại Nhà Trắng, bởi đảng Dân chủ không còn ứng cử viên nào khả dĩ chống lại được Trump.
Giới chức lãnh đạo Ba Lan, Đức và một số quốc gia khác lo ngại khi Trump trở lại, xuộc xung đột ở Ukraine sẽ kết thúc với kịch bản tồi tệ nhất với phương Tây, khi ông này nhiều lần bày tỏ “sự ngưỡng mộ” với ông Vladimir Putin và tuyên bố có thể đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột ở Ukraine với Tổng thống Nga “chỉ sau 24h”.
Nếu Trump lên nắm quyền, ông hoàn toàn có thể ép Ukraine phải đàm phán trên thế yếu với Nga, một khi các đồng minh châu Âu không san sẻ bớt gánh nặng ngân sách hỗ trợ Ukraine cho Hoa Kỳ. Khi đó, phần thắng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ thuộc về Moscow.
Đồng thời, các đồng minh của Mỹ cũng sẽ “chết ngạt” dưới bàn tay vị chính khách của đảng Cộng hòa, người đã từng nhiều lần ép các đồng minh một là trả thêm tiền, hai là ông sẽ đưa nước Mỹ rời khỏi NATO.
Theo PV