Phấn khởi, niềm tin Hà Nội bứt phá đi lên
Hà Nội là trái tim của cả nước, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, do đó không chỉ có người dân Thủ đô mà người dân trên mọi miền Tổ quốc đều kỳ vọng Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua sẽ giúp Hà Nội xây dựng và phát triển đúng tầm, đúng vị thế của mình.
Xứng tầm “trái tim” của cả nước
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) sáng nay (28/6), cán bộ, công chức cơ sở phường, xã ở trên địa bàn Hà Nội; người dân bày tỏ sự phấn khởi kỳ vọng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sớm đi vào cuộc sống sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng giúp thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô nói riêng cũng như sự phát triển của cả vùng và của cả nước nói chung.
Đường sắt đô thị sẽ giải quyết tốt tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Ảnh: chinhphu.vn. |
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về những kỳ vọng khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, ông Lê Ngọc Thường - Bí thư Đảng uỷ thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: Qua tìm hiểu về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng như theo dõi những chia sẻ, phát biểu của các đại biểu Quốc hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi thấy: Luật Thủ đô (sửa đổi) đi vào cuộc sống sẽ đặt ra các nguyên tắc cơ bản cho việc phát triển đô thị, trong đó có việc quy hoạch giao thông theo định hướng giao thông công cộng. Ưu tiên trước mắt là việc phát triển đường sắt đô thị theo mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD).
Trong khu vực TOD, UBND thành phố được quyết định áp dụng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các yêu cầu về không gian và sử dụng đất khác với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô.
Qua đó sẽ tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian, thủ tục tối đa cho việc xác định các quy hoạch có liên quan và quyết định chủ trương đầu tư, khai thác có hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị và các khu vực TOD. Từ đó bảo đảm mục tiêu hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố vào năm 2035 được nêu tại Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Bí thư Đảng uỷ thị trấn Văn Điển Lê Ngọc Thường |
Cũng theo vị Bí thư Đảng uỷ thị trấn Văn Điển Lê Ngọc Thường, đầu tháng 10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Cục Đường sắt Việt Nam cũng đang lấy ý kiến dự thảo quy hoạch đường sắt khu vực đầu mối TP Hà Nội. Dự thảo này đã định hình phương án đấu nối dự án đường sắt tốc độ cao với hạ tầng đường sắt của Thủ đô.
Cụ thể, điểm đầu của tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ nằm ở ga Ngọc Hồi (xã Ngọc Hồi, Liên Ninh, Thanh Trì). Đây là tổ hợp ga với chức năng dùng chung cho cả đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia.
Vì vậy ông Thường kỳ vọng khi Luật Thủ đô (sửa đổi) thông qua sớm đi vào cuộc sống, thành phố Hà Nội sẽ tiến hành xây dựng tuyến đường sắt đô thị trên cao Yên Viên - Ngọc Hồi đấu nối với tuyến đường sắt tốc độ cao cũng được xây dựng trên cao để tránh ùn tắc giao thông cũng như giảm thiểu tai nạn thường hay xảy ra tại đoạn qua thị trấn Văn Điển, Ngọc Hồi...
Quy hoạch phân khu sông Hồng được tập trung nguồn lực, ưu tiên thực hiện. Ảnh: HNM |
Tạo cơ chế, chính sách đặc thù
Cùng có những kỳ vọng Luật Thủ đô (sửa đổi) sớm được triênt khai, bà Nguyễn Thị Vân Anh - Chủ tịch UBND phường Văn Miếu (quận Đống Đa) chia sẻ: Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Hà Nội “cởi bỏ” những cơ chế ràng buộc, hạn chế; tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh xây dựng Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Từ đó thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước, tạo điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch UBND phường Văn Miếu Nguyễn Thị Vân Anh |
“Tôi cũng kỳ vọng thành phố sẽ có những cơ chế đặc thù để thu hút nguồn lao động có trình độ cao; khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tăng năng suất lao động, qua đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của họ với thái độ phục vụ Nhân dân tốt nhất, xứng đáng với hiệu quả công việc”, bà Vân Anh bày tỏ.
Đồng quan điểm với các ý kiến nêu trên, ông Đặng Minh Tuấn - Chủ tịch UBND phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhìn nhận: Với phạm vi điều chỉnh khá toàn diện, Luật Thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo đảm thực thi pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội để Thủ đô Hà Nội có bước phát triển mang tính đột phá.
Chủ tịch UBND phường Hàng Trống Đặng Minh Tuấn |
Chủ tịch UBND phường Hàng Trống cũng kỳ vọng, khi Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Hà Nội sẽ có nhiều cơ chế đặc thù để phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt là quy hoạch đô thị có nhiều di tích gắn với lịch sử hơn 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội như ở địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Quy hoạch xây dựng phát triển hai bờ sông Hồng cùng tuyến đường thuỷ thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, bảo tồn phát huy gía trị của các di tích văn hoá, lịch sử, các làng nghề truyền thống hai bờ sông Hồng. Từ đó kết nối Vùng Thủ đô với các tỉnh trung du miền núi và vùng đồng bằng sông Hồng với nhiều tour tuyến tham quan thu hút du khách trong nước và quốc tế.