Kiến nghị xây trạm sạc xe điện trên cao tốc
Ban quản lý khai thác - Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - đang kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm cho phép bổ sung các điểm sạc xe điện trên các tuyến cao tốc. Mỗi trạm dừng nghỉ bố trí tối thiểu 30 vị trí sạc, 1 trạm biến áp.
Theo đó, đối với các trạm đã khai thác, hiện VEC quản lý 7 trạm dừng nghỉ trên 3 tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và Nội Bài - Lào Cai.
Theo vị này, vấn đề cấp thiết nhất là các trạm dừng nghỉ này chưa có điểm sạc xe điện. Đánh giá cho thấy, lượng xe sử dụng điện đi trên cao tốc ngày càng phổ biến. Trường hợp không có trạm sạc điện trên cao tốc, phương tiện phải ra ngoài tuyến để tiếp cận trạm sạc điện tại các khu dân cư với quãng đường rất xa.
“Doanh nghiệp đang kiến nghị Bộ GTVT trước mắt cho phép bổ sung các điểm sạc xe điện. Doanh nghiệp dự kiến thiết kế bổ sung hạng mục trạm sạc điện và các công trình phụ trợ trạm sạc. Mỗi trạm dừng nghỉ bố trí tối thiểu 30 vị trí sạc, 1 trạm biến áp và hệ thống hạ tầng như đường, bãi đỗ, chiếu sáng...”, vị này cho hay.
Đối với các trạm dừng nghỉ chưa trên khai trên các tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, đại diện Ban quản lý khai thác VEC cho hay sẽ cập nhật thiết kế trạm sạc điện vào các dự án trạm dừng nghỉ.
“Các chủ đầu tư đang làm việc với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng về vấn đề giải phóng mặt bằng. VEC sẽ xin Bộ GTVT chấp thuận chủ trương đầu tư thêm trạm sạc xe điện, đồng thời lập đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ theo quy định tại Nghị định 44/2024”, đại diện Ban quản lý khai thác VEC chia sẻ.
Vừa qua, nhà đầu tư tại trạm dừng nghỉ 117 trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã tự ý cho xây dựng trạm sạc xe điện. Điểm sạc này xây dựng không phép, vi phạm quy định về trật tự xây dựng và đang phải xử lý.
Thông tin về tình hình lựa chọn nhà đầu tư xây trạm dừng nghỉ trên 8 tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác, ông Nguyễn Viết Huy - Phó Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam - cho biết, đến thời điểm hiện tại đã có kết quả lựa chọn nhà thầu tại 2 tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Mai Sơn - Quốc lộ 45.
Theo đó, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng, được thực hiện trong vòng 15 tháng. Thời gian khai thác dự án sau khi hoàn thành công tác đầu tư là 25 năm. Với trạm dừng nghỉ cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, chi phí thực hiện hơn 200 tỷ đồng, thời gian triển khai hoàn thành trong vòng 17 tháng.
“Các Ban quản lý dự án đang chấm kết quả lựa chọn nhà thầu ở các tuyến còn lại. Dự kiến sẽ có kết quả trong tháng 6. Nếu xong nhà thầu sẽ khởi công xây dựng trong năm nay”, ông Huy nói.
Theo Dương Hưng