Học yêu thương, vun bồi lòng nhân ái
Sáng 22/8, trong khuôn khổ cuộc thi Sống đẹp lần thứ 4, báo Thanh Niên tổ chức tọa đàm "Học yêu thương, vun bồi lòng nhân ái" nhằm lan toả những nghĩa cử tốt đẹp đến cộng đồng.
Sau 4 tháng triển khai, cuộc thi Sống đẹp lần 4 do báo Thanh Niên tổ chức đã thu hút sự quan tâm dự thi của các tác giả khắp mọi tỉnh thành.
Tiếp nối thành công của 3 lần tổ chức trước đây, các bài dự thi năm nay tiếp tục là nơi giới thiệu nhiều tấm gương sống vì cộng đồng, những nghĩa cử tương thân tương ái, các hoạt động thiện nguyện mới mẻ, thiết thực, đúng như chủ đề "San sẻ yêu thương" của Ban Tổ chức cuộc thi đặt ra.
Thông qua cuộc thi, nhiều trăn trở của các thế hệ đi trước đặt ra về việc phải nuôi dưỡng lòng nhân ái, vun đắp tình yêu thương trong lứa tuổi thanh thiếu niên hiện nay: Làm sao để giáo dục trở thành "chìa khóa" hình thành nhân cách tốt cho thế hệ trẻ? Với lý do đó, báo Thanh Niên quyết định tổ chức buổi tọa đàm: Học yêu thương, vun bồi lòng nhân ái, để tìm câu trả lời, tìm ra những phương pháp mới so với trước đây.
Không gian buổi toạ đàm |
Phát biểu tại buổi toạ đàm, Tổng Biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn chia sẻ, thông qua nhiều tấm gương, những nghĩa cử cao đẹp thật trong cuộc sống, buổi toạ đàm hướng đến câu chuyện thời sự hơn về giáo dục kỹ năng sống hiện nay tại Việt Nam cho thế hệ trẻ.
Theo Tổng Biên tập báo Thanh Niên, toạ đàm "Học yêu thương, vun bồi lòng nhân ái" nhằm trao đổi, bàn luận về thực trạng kỹ năng sống hiện nay tại Việt Nam, từ đó tìm ra những phương hướng giáo dục phù hợp cho thế hệ trẻ, giúp các bạn học cách yêu thương và vun bồi lòng nhân ái, phát triển nhân cách để xây dựng tâm hồn.
"Bác Hồ đã từng nói: Sông sâu biển rộng, bao nhiêu nước cũng vừa; cái đĩa cạn, cái chén nhỏ chỉ cần một giọt nước cũng tràn đầy, chỉ sợ mình không có lòng bao dung, nhân ái chứ không sợ người ta không theo mình. Bác luôn chủ chương đem sức mạnh của giáo dục và tự giáo dục để cảm hoá và thuyết phục người khác, lấy thiện thắng ác và Người cũng từng căn dặn: Làm cho cái hay, cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân, cái dở, cái xấu thì mất dần đi.
Vì vậy học theo Bác là học cách yêu thương, vun bồi lòng nhân ái, hạt mần thiện lương. Nhân ái trong mỗi con người khi nảy nở, nếu được vun bồi kịp thời sẽ cùng nhau lớn nhanh, lan toả, tạo ra những vườn hoa nhân ái, biết sống đẹp và sống ý nghĩa cho cuộc đời", Tổng Biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn chia sẻ.
Tổng Biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn phát biểu |
Đến giao lưu tại buổi toạ đàm lần này ngoài những người nổi tiếng, chuyên gia lĩnh vực kỹ năng sống như: Bà Chế Ngọc Bảo Trân - Chủ tịch HĐQT Hệ thống Giáo dục NQH, chị Hà Nguyễn Hoài Ny - Phó Giám đốc Công ty Kỹ năng sống NQH, diễn giả Kim Sao Nhua - chuyên gia tâm lý và chăm sóc sức khỏe toàn diện… còn có nhiều người nổi tiếng: Ca sĩ Ngọc Ánh, thầy giáo 9x Nguyễn Thái Dương.
Đặc biệt trong buổi tọa đàm, khán giả có dịp gặp gỡ và giao lưu với anh Mai Lê Duy Quang (Quảng Ngãi) - nhân vật được cộng đồng tôn vinh gắn liền với cụm từ "Người anh hùng giữa đời thường".
Trong vụ tai nạn giao thông liên hoàn ở dốc cầu Phú Mỹ (TP Hồ Chí Minh) chiều 8/8 vừa qua, anh Quang đã quên thân mình trước sự bủa vây của ngọn lửa, dũng cảm lao vào hiểm nguy, kịp thời cứu người tài xế thoát khỏi chiếc ô tô bốc cháy chỉ trong tích tắc.
Các khách mời ngoài chia sẻ những câu chuyện của bản thân còn đi sâu vào phân tích về thực trạng thiếu niên đang đối mặt với những vấn đề lớn, bức bách trong quá trình phát triển tâm lý; hướng đến những vấn đề thời sự hơn về giáo dục kỹ năng sống tại Việt Nam cho các bạn trẻ, tìm ra các xu hướng và chương trình giáo dục kỹ năng sống phù hợp để phát triển nhân cách; học cách yêu thương và vun bồi lòng nhân ái cho một thế hệ gen Z đang bị lo lắng là sống hơi gấp gáp, đôi khi chỗ này hay chỗ kia còn thờ ơ, vô cảm với người khác...