• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần làm rõ quy định Cảnh sát cơ động thực hiện biện pháp vũ trang

Một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần cân nhắc quy định rõ "biện pháp vũ trang, sử dụng biện pháp vũ trang" của lực lượng Cảnh sát cơ động.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo, làm rõ một số nội dung tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo, làm rõ một số nội dung tại phiên họp

Sáng 15/2, ngay sau khai mạc phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Thảo luận về dự án Luật, cơ bản các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với những nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, cần làm rõ quy định của pháp luật Việt Nam trong trường hợp Cảnh sát cơ động vào trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và chỗ ở của thành viên các cơ quan này tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, đối với quy định trách nhiệm của HĐND, UBND cấp tỉnh trong hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động của Cảnh sát cơ động phù hợp với khả năng của địa phương và theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, Luật Ngân sách Nhà nước không quy định về các khoản hỗ trợ này.

Một số đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, cần làm rõ một số khái niệm như "biện pháp vũ trang" vì vấn đề này liên quan rất lớn đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân... Việc được vào trụ sở cơ quan, tổ chức, nơi ở của cá nhân cũng cần được quy định cụ thể...

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Trao đổi thêm một số vấn đề, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, dự án Luật đã được điều chỉnh các quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, một số quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động của Cảnh sát cơ động theo hướng chặt chẽ, phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật; Tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang sử dụng biện pháp vũ trang trong Công an Nhân dân. "Trước đây, năm 1959, khi thành lập công an vũ trang thì đây chính là lực lượng thực hiện các nhiệm vụ vũ trang. Sau đó 35 năm thì có quyết định chuyển lực lượng công an vũ trang này sang quân đội để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới mà bây giờ gọi là Bộ đội Biên phòng. Trong công an vẫn phải còn lực lượng để thực hiện các biện pháp vũ trang, từ đó hình thành lực lượng cơ động", Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, trong công an có nhiều lực lượng, tất nhiên, đều là lực lượng vũ trang nhưng sử dụng các biện pháp vũ trang chủ yếu ở Cảnh sát cơ động. Các lực lượng như tố tụng, điều tra, trinh sát... chủ yếu thực hiện các biện pháp khác.

Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, việc dùng từ "giúp đỡ của Nhân dân với Cảnh sát cơ động" thể hiện sự gần gũi. Nhân dân giúp đỡ nhiều thì sẽ thắng lợi, thành công nhiều. Bộ trưởng Bộ Công an cũng cảm ơn một số đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc các địa phương chia sẻ với lực lượng công an, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Cảnh sát cơ động. Bởi lúc dân cần, dân khó thì có công an. Các cơ chế, chính sách cũng không khó khăn gì trong việc đó, cần có sự thông cảm, thấu hiểu với lực lượng Công an Nhân dân.

Phát biểu ý kiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cũng cần giữ lại các định nghĩa, giải thích từ ngữ trong dự thảo Luật.

“Các nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động đã được quy định trong một số luật nhưng chỉ dừng ở các nguyên tắc chung, chưa quy định cụ thể. Luật càng cụ thể hóa được các quy định thì càng tốt. Nên chăng cần giải thích từ ngữ cho rõ để quá trình tổ chức thực hiện bảo đảm tính khả thi cao”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết