Hà Nội: Nhiều di tích mở cửa, du khách vui mừng thực hiện nghi thức văn hoá tâm linh
Khi dịch bệnh COVID-19 bước đầu được kiểm soát, thành phố Hà Nội cho phép nhiều điểm di tích lịch sử, văn hoá mở cửa đón khách tham quan. Người dân Thủ đô cảm thấy vui mừng, phấn khởi khi được đến trực tiếp thực hiện nghi thức văn hoá tâm linh trong những ngày đầu Xuân Nhâm Dần 2022.
Từ ngày mùng 9 Tết Nguyên đán Nhâm Dần (9/2/2022) đến nay, nhiều di tích văn hoá, lịch sử trên địa bàn Thủ đô được mở cửa đón khách trở lại sau thời gian dài tạm đóng cửa phòng dịch COVID-19 khiến người dân địa phương cũng như du khách thập phương cảm thấy vui mừng phấn khởi.
Theo ghi nhận của PV báo Tuổi trẻ Thủ đô trong những ngày qua tại chùa Trấn Quốc và Phủ Tây Hồ nhiều du khách đến tham quan, thực hiện các nghi thức tâm linh cảm thấy vui vì không phải đứng từ xa chiêm ngưỡng, vái vọng qua những cánh cổng sắt. Cùng với đó, mọi người cũng chấp hành nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế để phòng, chống dịch bệnh.
Chiều 14 tháng Giêng (14/2/2022), nhiều du khách đến tham quan chùa Trấn Quốc và thực hiện các nghi thức văn hoá tín ngưỡng tại di tích này |
Chị Thu Lan (ở quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin Phủ Tây Hồ mở cửa, chị cảm thấy rất vui, chị đã chia sẻ với bạn bè trên các hội nhóm mạng xã hội, đồng thời lên kế hoạch đi tham quan, lễ Phật đầu năm.
“Ngày 11/2, tôi đã cùng một số người bạn đến Phủ Tây Hồ tham quan và thực hiện các nghi thức tín ngưỡng cầu cho gia đình sức khoẻ, hạnh phúc, công việc hanh thông, nhà nhà đầm ấm…”, chị Lan chia sẻ.
Du khách đến Phủ Tây Hồ cầu cho gia đình sức khoẻ, hạnh phúc, công việc hanh thông (Ảnh chụp ngày 11/2/2022) |
Cũng như chị Thu Lan, chị Phạm Thanh Hương (ở quận Đống Đa) chia sẻ: "Năm nào mình cũng đi lễ chùa đầu năm, nhưng vì dịch bệnh, nhiều nơi phải đóng cửa, tạm dừng đón khách trong thời gian dài. Tuy nhiên, mình và mọi người vẫn đến vái vọng từ xa cầu bình an cho gia đình và bản thân và đảm bảo giãn cách để phòng dịch. Việc đi lễ đầu năm khiến cho mình cảm thấy tinh thần được thư thái và mong công việc trong năm được hanh thông, thuận lợi".
Có mặt tại Phủ Tây Hồ trong ngày 11/2, anh Thanh Hùng (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, mọi năm Phủ Tây Hồ rất đông du khách thập phương tìm đến nhưng hôm nay (13/2), không khí khá vắng vẻ. Có thể là thông tin Phủ Tây Hồ mở cửa trở lại vẫn chưa được nhiều người dân nắm được. Bên cạnh đó nhiều người còn tâm lý e ngại vì số ca mắc COVID vẫn rất cao nên mọi người chỉ tổ chức đi từng nhóm nhỏ, hạn chế tổ chức đoàn đông, tránh lây lan dịch bệnh.
Khi đến tham quan các điểm di tích, du khách đều thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế |
Trao đổi với PV, cụ Trương Tiến Hồi (gần 80 tuổi) – Trưởng Tiểu ban Quản lý di tích Phủ Tây Hồ cho biết, khi được chính quyền địa phương cho phép mở cửa Phủ đón khách, nhiều người dân trên địa bàn phường Quảng An thấy rất phấn khởi.
“Nhiều người được giải toả tâm lý, đến cầu mong sức khoẻ, an lành cho bản thân, gia đình trong một năm; Các hộ kinh doanh đồ lễ cũng như các cửa hàng ăn uống quanh đây cũng phấn khởi dọn dẹp, mở cửa hàng phục vụ du khách sau nhiều ngày đóng cửa vì đại dịch COVID-19”, cụ Hồi chia sẻ.
Nhiều dịch vụ, hàng quán quanh các điểm di tích cũng mở cửa phục trở lại phục vụ du khách |
Cũng theo vị Trưởng tiểu Ban di tích, tuy lượng khách đến Phủ chưa nhiều nhưng mọi người cảm thấy rất vui vì bước đầu dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động văn hoá tín ngưỡng, kinh doanh dịch vụ được thực hiện trở lại; du khách đến không còn phải đứng ngoài cổng vái vọng như những ngày trong Tết.
Ban quản lý di tích cũng đã lập kế hoạch, phân công lực lượng phối hợp với Công an, dân quân tự vệ, tổ tự quản của phường Quảng An đảm bảo thường xuyên có người túc trực bên trong Phủ, nơi gửi xe và khu vực xung quanh để giữ gìn an ninh trật tự, yêu cầu du khách ra vào Phủ phải đeo khẩu trang, sát khuất tay, không tập trung quá đông người đảm bảo phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
“Tại cổng ra vào, bàn đón tiếp công đức, Ban quản lý di tích đã cho đặt các lọ cồn, có cả bình tự động để du khách ra vào sát khuẩn tay. Nhiều người công đức vào Phủ hàng chục thùng khẩu trang để khách đến có nhu cầu sẽ sử dụng, bảo đảm phòng dịch. Người dân khi đến Phủ cần thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, không để dịch bệnh lây lan tại Phủ, có như vậy mới mở cửa được lâu dài”, Vị Trưởng tiểu ban quản lý di tích khuyến cáo.
Thiết bị sát khuẩn tự động được đặt ở cổng ra vào các điểm di tích để du khách dễ dàng sử dụng |
Trước đó trao đổi với báo chí về lý do Phủ Tây Hồ được mở cửa đón khách tham quan, ông Phạm Thế Vinh, Chủ tịch UBND phường Quảng An cho biết, theo phân cấp độ dịch của thành phố thì hiện nay quận Tây Hồ thuộc “vùng xanh”. Do vậy, các địa điểm di tích, đền chùa và phủ được hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo quy định phòng dịch.
“Phủ Tây Hồ là địa điểm thu hút lượng lớn du khách thập phương nên UBND phường đã lên các phương án phân luồng, bố trí lực lượng kiểm soát gồm công an, quân sự và đội ngũ y tế phường nếu như khu vực này có dấu hiệu quá tải”, ông Vinh nói.
Lực lượng công an, tự quản phường Yên Phụ chốt trực tại khu vực cổng chùa Trấn Quốc |
Ông Hoàng Xuân Sáng, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ thì cho biết, khi chùa Trấn Quốc được mở cửa đón khách thập phương, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của phường Yên Phụ đã phối hợp chặt chẽ với Tổ đình Trấn Quốc thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, phường yêu cầu người dân khi đến chùa phải luôn đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, quét mã QR trước khi vào lễ…
“Trường hợp quá đông người vào lễ cùng lúc, chúng tôi sẽ tạm đóng cửa, lực lượng công an, dân quân ứng trực ngoài cổng sẽ kéo barie tạm không để du khách vào bên trong chùa, khi khách bên trong ra bớt sẽ tiếp tục mở cửa. Về phía Công an quận Tây Hồ cũng đã tăng cường 5 đồng chí về phối hợp với Công an, dân quân tự vệ, tổ tự quản của phường đảm bảo an ninh trật tự, hỗ trợ sắp sếp phương tiện và hướng dẫn phòng chống dịch”, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ nói.
Trong ngày 14 tháng Giêng (14/2/2022), nhiều người dân phấn khởi mua sắm lễ vật đến chùa thực hiện các nghi thức tín ngưỡng |
Ghi nhận tại chùa Trấn Quốc và chùa Hà (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) trong ngày 14 tháng Giêng (14/2/2022), nhiều người dân phấn khởi mua sắm lễ vật đến chùa thực hiện các nghi thức tín ngưỡng.
Năm nay ngày 14 tháng Giêng trùng với ngày lễ tình nhân Valentine (14/2), nên có khá đông các bạn trẻ đến dâng lễ, cầu bình an và tình duyên tại chùa Hà với ước nguyện "khi đi lẻ bóng khi về có đôi".