Thực phẩm bẩn tràn lan: Vai trò người tiêu dùng ở đâu?
Thói quen mua sắm dễ dãi, thiếu truy xuất nguồn gốc... sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Đã đến lúc nhìn lại trách nhiệm của mắt xích này trên thị trường.
Thói quen mua sắm dễ dãi
Thực phẩm bẩn không phải tự nhiên mà sinh sôi, tràn lan và tồn tại dai dẳng như một căn bệnh mãn tính của xã hội. Đằng sau những mớ rau tắm hóa chất, những miếng thịt tiêm thuốc lạ, những lô hàng giả nhãn mác là gì? Là sự tha hóa đạo đức của kẻ sản xuất – đúng. Song, nếu chỉ dừng ở đó thì có lẽ chúng ta đang nhìn vấn đề một nửa. Nửa còn lại, là chính sự dễ dãi, thậm chí là thờ ơ đến vô cảm của một bộ phận người tiêu dùng.
Chúng ta than trời vì thực phẩm bẩn, nhưng vẫn đổ xô vào các chợ tạm, chợ cóc – nơi không có bất cứ tiêu chuẩn rõ ràng nào về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chúng ta lo sợ ung thư, bệnh tật, nhưng vẫn thản nhiên mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, không kiểm định. Điều đáng nói hơn cả, nhiều người không thiếu điều kiện để chọn sản phẩm sạch – họ chỉ thiếu thái độ nghiêm túc với chính sức khỏe của mình và gia đình.
Liên tiếp các vụ liên quan tới thực phẩm bẩn bị phát hiện, thu giữ |
Không thể chấp nhận mãi cái kiểu tư duy “ăn hoài rồi, có sao đâu” hay “giờ cái gì chẳng độc”, chính lối suy nghĩ buông xuôi ấy đã góp phần nuôi lớn một thị trường đầy rẫy thực phẩm bẩn. Bởi khi người tiêu dùng chấp nhận, kẻ làm bẩn sẽ không bao giờ phải thay đổi. Một khi không có áp lực từ chính người mua, thì đừng mong có sự chuyển biến từ người bán.
Thực tế đã chứng minh rằng ở những thị trường mà người dân có yêu cầu khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm như Nhật Bản hay các nước châu Âu khác thì các nhà sản xuất buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt. Còn ở ta, thói quen “tiện đâu mua đó”, “rẻ thì mua” vẫn còn phổ biến, kéo theo một hệ quả đáng buồn là thực phẩm bẩn không bị loại trừ, mà ngày càng tinh vi, lấn át thực phẩm sạch.
Và câu hỏi đặt ra là chúng ta đang bảo vệ ai khi nhắm mắt mua thực phẩm không rõ nguồn gốc? Có phải chính là tiếp tay cho kẻ trục lợi, và bỏ mặc sức khỏe bản thân trở thành con mồi và không thể cứ đổ hết trách nhiệm cho cơ quan chức năng, nếu người dân vẫn ung dung tiêu thụ hàng bẩn hàng ngày.
Mạng xã hội - "mảnh đất màu mỡ" của thực phẩm bẩn
Hiện nay, mạng xã hội đang trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho thực phẩm bẩn hoành hành. Những quảng cáo đầy mời gọi về thực phẩm giá rẻ, “siêu sạch”, “nhà làm” không rõ nguồn gốc được tung ra ào ạt trên các trang mạng xã hội TikTok, Facebook và nhiều nền tảng khác. Mặc dù đã có không ít trường hợp bị phạt, xử lý, nhưng các hình thức quảng cáo lách luật vẫn tràn lan và ngày càng tinh vi hơn.
Công thức quen thuộc vẫn là những lời quảng cáo hoa mỹ như “thực phẩm hữu cơ 100%,” “không hóa chất, không tạp chất” kèm theo những hình ảnh bắt mắt về món ăn hay sản phẩm trông vô cùng hấp dẫn. Thế nhưng, những người tiêu dùng thiếu hiểu biết hoặc thiếu cẩn trọng lại dễ dàng bị cuốn vào trò lừa đảo này. Chỉ cần một cú click chuột, họ có thể rước về những món ăn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc, bệnh tật mà chẳng hề hay biết.
![]() |
Một trong những món ăn vặt đang được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội được phát hiện hư hỏng dù chưa hết hạn sử dụng |
Các cơ quan chức năng thừa nhận rằng, mặc dù có những quy định chặt chẽ về việc quảng cáo thực phẩm, nhưng thực tế cho thấy việc giám sát và xử lý vi phạm trên mạng xã hội là vô cùng khó khăn. Những trang bán hàng online, tài khoản cá nhân luôn có cách “lách luật” bằng cách thay đổi tên, hình ảnh hoặc che giấu thông tin nguồn gốc sản phẩm.
Điều đáng nói, sự phổ biến của mạng xã hội đã khiến người tiêu dùng dễ bị lôi kéo nhất. Những lời quảng cáo ngọt ngào như “đảm bảo an toàn,” “siêu ngon siêu rẻ” đã khiến nhiều người mua sắm thiếu sự thận trọng. Không ít người tiêu dùng không hề biết rằng họ đang tiếp tay cho việc tiêu thụ thực phẩm bẩn, vô trách nhiệm với sức khỏe của chính mình và cộng đồng.
Ở đây, một lần nữa, trách nhiệm không chỉ nằm ở kẻ bán. Sự nhẹ dạ, cả tin và thói quen mua hàng theo trào lưu, theo “hot trend” của người tiêu dùng đã vô tình mở cửa cho thực phẩm không rõ nguồn gốc len lỏi vào bữa ăn hàng ngày. Chúng ta phẫn nộ với thực phẩm bẩn ngoài chợ, nhưng lại dễ dãi “chốt đơn” thực phẩm trôi nổi chỉ vì một clip dàn dựng hấp dẫn.
Mạng xã hội không sai. Công nghệ không có lỗi. Lỗi nằm ở chỗ chúng ta đang coi nhẹ tiêu chuẩn an toàn khi lựa chọn thực phẩm – điều lẽ ra phải được đặt lên hàng đầu.
![]() |
Cơ quan công an kiểm tra, thu giữ số lượng giá đỗ ngâm chất cấm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. |
Nâng cao trách nhiệm của người tiêu dùng
Đã đến lúc phải có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm khắc, công khai danh tính các tổ chức, cá nhân vi phạm để răn đe. Đồng thời, cần tăng cường thanh tra đột xuất, kiểm tra theo dấu vết sản phẩm thay vì chỉ chờ khi có sự vụ xảy ra.
Song song, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng cơ quan chức năng không thể thay thế cho ý thức người tiêu dùng. Bởi dù luật có nghiêm đến đâu, thì người tiêu dùng chính là “người gác cổng” đầu tiên. Chúng ta có quyền lựa chọn, và cũng có trách nhiệm với lựa chọn của mình. Đừng mua thực phẩm chỉ vì rẻ. Đừng tin thực phẩm chỉ vì lời hứa ngọt ngào qua màn hình điện thoại. Và đừng để sự thờ ơ hôm nay trở thành sự ân hận ngày mai.
Giá của sự chủ quan đôi khi không chỉ là vài chục, vài trăm nghìn đồng mà là sức khỏe, là bệnh tật, là mạng sống. Truyền thông có thể cảnh báo, cơ quan chức năng có thể xử lý. Song nếu người tiêu dùng không thay đổi, nếu vẫn tiếp tục xuề xòa và dễ dãi như cũ, thì mọi nỗ lực cũng chỉ là cuộc chiến đơn độc. Đã đến lúc phải chấm dứt sự thỏa hiệp với thực phẩm bẩn, không chỉ bằng luật pháp, mà bằng sự tỉnh táo, trách nhiệm và dứt khoát của từng người tiêu dùng.
Trong năm 2024, toàn quốc ghi nhận 135 vụ ngộ độc thực phẩm, làm gần 5.000 người mắc và 24 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ tăng 10 vụ, số ca mắc tăng gần 3.000 người. 3 tháng đầu năm 2025, hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra trên toàn quốc khiến hàng trăm người phải nhập viện. |