• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

VCAMart: 'Cú hích' cho nông sản vùng dân tộc thiểu số

Từ bản làng tới bàn ăn thành thị, VCAMart đang mở đường cho nông sản đồng bào dân tộc thiểu số miền núi “bắt sóng” số hóa, gia nhập sân chơi thương mại điện tử.

Từ “sàn chợ ảo” đến hành trình “thật”

Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, nơi thương mại điện tử trở thành “sàn đấu” quyết định sống còn của sản phẩm, việc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chính thức đưa Chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi (VCAMart) đi vào hoạt động vào tối ngày 11/4/2025 không chỉ là một cú hích công nghệ, mà còn là sự khởi đầu cho một chiến lược “giải phóng sức mạnh tiềm ẩn”, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường mới cho nông sản tại vùng sâu, vùng xa, khó khăn trên cả nước.

Lễ khởi động VCAMart diễn ra trong khuôn khổ Tháng Hành động hợp tác xã 2025, có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Đây không chỉ là sự kiện đánh dấu sự ra đời của một nền tảng thương mại điện tử mới, mà còn là “phát pháo lệnh” cho cuộc đua số hóa đầy thử thách nhưng cũng nhiều kỳ vọng của hơn 30.000 hợp tác xã trên cả nước.

VCAMart: 'Cú hích' cho nông sản vùng dân tộc thiểu số

Lễ khởi động VCAMart có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Ảnh: Vũ Mạnh

VCAMart được thiết kế như một chợ thương mại điện tử thân thiện, linh hoạt và mang tính chiến lược cho hợp tác xã, đặc biệt là bà con ở vùng sâu, vùng xa, nơi mà khái niệm “bán hàng online” vẫn còn là một giấc mơ xa xỉ. Trong khi nhiều “ông lớn” như Shopee, Lazada, Tiki… đang tăng phí đủ loại từ hoa hồng đến vận chuyển, khiến không ít tiểu thương phải “cuốn gói rời sàn”, thì VCAMart nổi bật với triết lý “ba không”: không phí giao dịch, không phí hoa hồng, không rào cản công nghệ.

Thống kê quý I/2025 cho thấy, đã có tới 165.000 cửa hàng rời khỏi các nền tảng thương mại điện tử lớn, một con số không thể coi nhẹ, thể hiện rõ mức độ cạnh tranh khốc liệt và chi phí đè nặng lên người bán. Với hợp tác xã nói chung và bà con vùng dân tộc thiểu số vốn dĩ hoạt động theo quy mô nhỏ, nguồn lực hạn chế, đây gần như là “bản án tử” nếu không có giải pháp thích ứng.

VCAMart bước vào đúng thời điểm ấy, như một “phao cứu sinh” cho những hợp tác xã và bà con còn loay hoay giữa biển cả thương mại số. Nền tảng này không chỉ miễn phí, mà còn tích hợp nhiều tiện ích như thanh toán không dùng tiền mặt, kết nối với đơn vị vận chuyển, công cụ quản lý gian hàng… giúp các hợp tác xã và bà con lần đầu “chạm” vào thương mại điện tử không bị choáng ngợp mà dần làm chủ cuộc chơi.

Tuy nhiên, hành trình từ offline sang online không chỉ là “chuyển sàn”, mà còn là chuyển đổi tư duy và kỹ năng. Thực tế cho thấy, nhiều hợp tác xã nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp hàng loạt rào cản: Sản phẩm thiếu đồng bộ, công nghệ yếu, kỹ năng tiếp thị chưa bài bản. Đây chính là khoảng trống cần lấp đầy.

Theo ông Trịnh Anh Tuấn - đại diện Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) để VCAMart vận hành hiệu quả, phải đầu tư mạnh cho công tác truyền thông, nhằm tăng nhận diện và thu hút người dùng. Song song, hoạt động tập huấn cũng cần được đẩy mạnh để nâng cao năng lực vận hành sàn cho đội ngũ hợp tác xã và cán bộ quản lý.

VCAMart: 'Cú hích' cho nông sản vùng dân tộc thiểu số

Ông Trịnh Anh Tuấn - đại diện Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) chia sẻ về cơ chế hoạt động của VCAMart. Ảnh: Hoàng Lan

Một điểm sáng tạo của VCAMart chính là cơ chế kiểm soát chất lượng. Bà Nguyễn Hoàng Trang - Giám đốc Học viện Doanh nhân iViet - nhận định: “Điểm nổi bật của VCAMart chính là khả năng kiểm soát chất lượng hàng hóa khi đưa lên giao dịch. Trong bối cảnh cạnh tranh online ngày càng khốc liệt, việc đảm bảo chất lượng sản phẩm sẽ là yếu tố then chốt giúp hợp tác xã và bà con vùng dân tộc thiểu số tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng”.

Không chỉ dừng lại ở lời nói, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường cũng triển khai cơ chế kiểm tra định kỳ: Lấy mẫu ngẫu nhiên để đánh giá chất lượng và quy trình sản xuất. Những hợp tác xã vi phạm sẽ bị loại khỏi sàn như một cách “lọc chợ” để bảo vệ người tiêu dùng và uy tín của chính hợp tác xã Việt và bà con.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Mộng (Công ty Sorimachi Việt Nam), VCAMart hoàn toàn có thể được nâng tầm nếu tích hợp thêm các phần mềm quản lý chi phí, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng: “Việc này không chỉ tối ưu hóa hoạt động của sàn mà còn giúp nâng cao năng lực quản trị và cạnh tranh cho các hợp tác xã” - ông nói.

Cơ hội có thật, nhưng cần chính sách đi kèm

Theo các chuyên gia về thương mại điện tử, một vấn đề được đặt ra hiện nhiều tỉnh thành đã có sàn nông sản, nhiều ngành cũng có… nều mỗi tỉnh làm một sàn, mỗi ngành làm một nền tảng thì liệu có trở thành “ốc đảo công nghệ”? Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Thị Hoài Linh thẳng thắn: “Không ít chợ truyền thống hiện nay rơi vào tình trạng ‘xây dựng khang trang nhưng bỏ trống’ do thiếu sự kết nối giữa đầu tư và vận hành thực tế”. Vì vậy, bài toán không chỉ là “xây sàn”, mà là “đưa người vào chợ”.

Giải pháp được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đưa ra là phối hợp với các tổ chức như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ... để huy động thành viên đưa sản phẩm lên sàn. “Khi nhiều lực lượng cùng tham gia, từ sản xuất, vận hành đến tiếp thị,… một hệ sinh thái thương mại điện tử cộng hưởng mới thực sự thành hình” - bà Linh nhấn mạnh.

VCAMart: 'Cú hích' cho nông sản vùng dân tộc thiểu số

Sàn VCAMart đưa nông sản vùng dân tộc thiểu số đến gần với người tiêu dùng. Ảnh: Hoàng Lan

Ông Phạm Quyết Tiến - Giám đốc Ban điều hành kinh doanh Sàn Nông sản và thương mại điện tử (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) - cũng khẳng định: “Tổng Công ty Bưu điện hoàn toàn sẵn sàng phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam để 'đấu nối' và chia sẻ dữ liệu”. Theo ông, “kết nối VCAMart với các nền tảng khác chính là giải pháp bán hàng thông minh và tinh gọn trong thời đại số”.

Từ thực tế các hợp tác xã, ông Nguyễn Quốc Huy - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Nấm Tam Đảo (Vĩnh Phúc) - chia sẻ: “Nông dân và hợp tác xã với phương châm ‘làm thật, ăn thật’ lại đang gặp không ít khó khăn khi đưa sản phẩm lên các sàn online”. Với ông, VCAMart là bước đi kịp thời, tháo gỡ rào cản và mở rộng đầu ra giữa bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: cần chính sách từ Nhà nước, nhất là với sản phẩm OCOP, hữu cơ bởi việc livestream hàng kém chất lượng từ các “idol mạng” đang làm lu mờ sản phẩm đạt chuẩn. “Hợp tác xã cần tận dụng VCAMart để đẩy mạnh các sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao, tạo dựng uy tín và thương hiệu” - ông Huy nói.

Còn ông Đỗ Thanh Hiệp - Giám đốc Hợp tác xã Thanh long sạch Hòa Lệ (Bình Thuận) - nhìn nhận: VCAMart hấp dẫn nhờ chính sách miễn phí, trong khi các sàn lớn đang tăng chi phí. Hợp tác xã của ông sở hữu 17 sản phẩm OCOP, 5 sản phẩm đạt giải công nghiệp nông thôn tiêu biểu, và đã sẵn sàng mở gian hàng trực tuyến, thúc đẩy doanh thu trên VCAMart.

Ông Hiệp khẳng định: “Chất lượng hàng hóa phải được đảm bảo, đồng thời cần có hình ảnh minh họa rõ ràng, video giới thiệu thực tế để tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng. Khi khách hàng nhìn thấy quy trình sản xuất chân thực, họ sẽ chủ động đặt mua và quay lại nhiều lần”.

Có thể nói, VCAMart không chỉ là một nền tảng công nghệ, nó là tuyên ngôn của sự công bằng. Một “sàn chợ ảo” nhưng đầy thực chất, nơi các hợp tác xã dù nhỏ bé đến đâu vẫn có cơ hội vươn ra thị trường lớn, miễn là họ dám thay đổi, dám bước vào cuộc chơi số.

Khi thương mại điện tử đang ngày càng trở thành chiến trường khốc liệt, sự hiện diện của một “chợ thuần Việt”, thân thiện, không rào cản như VCAMart là giải pháp giàu tính nhân văn. Đó là minh chứng rằng, trong nền kinh tế số, người yếu không cần phải đứng ngoài, miễn là có một cánh cửa đủ rộng và một bàn tay chìa ra đúng lúc.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...