Mua hàng online, thật giả lẫn lộn
Vì chạy theo lợi nhuận không ít doanh nghiệp, hộ kinh doanh bất chấp bán hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc hay hàng nhập lậu trà trộn bán cùng hàng chính hãng với giá cao.
Thật giả lẫn lộn
Một sản phẩm sữa tắm nước hoa này đã được không ít chị em yêu thích. Trên các trang mạng xã hội, sản phẩm này tuy được rao bán là hàng chính hãng, nhập từ Italy, nhưng do vòng qua nước thứ 3 nên bán trên các trang thương mại điện với giá rẻ hơn vài chục nghìn so với mức giá của sản phẩm chính hãng. Nếu bằng mắt thường rất khó phân biệt sự thật giả, nhưng khi để cạnh sản phẩm chính hãng thì thấy rõ sự khác biệt.
"Có nhiều hình thức làm giả, thời gian gần đây sản phẩm giả giống đến 80% so với hàng thật. Điều này đang ảnh hưởng lớn đến doanh thu của công ty", ông Trần Việt Hải, Giám đốc Công ty CP Ngôi sao châu Âu phản ánh.
Hiện mỗi sàn giao dịch thương mại điện tử có trên 5.000 thương hiệu và hàng nghìn đối tác kinh doanh đa dạng các mặt hàng. Về nguyên tắc hoạt động, các sàn giao dịch thương mại điện tử chủ yếu cho thuê "gian hàng" online. Do đó, sản phẩm không về kho chứa của bất kỳ sàn giao dịch nào nên không phát hiện được hàng hoá vi phạm.
Theo Thượng úy Bế Quang Huy, điều tra viên công an quận Thanh Xuân, Hà Nội, các đối tượng trên đã sử dụng các tài khoản mạng xã hội: Facebook, Zalo…ẩn danh, mạo danh tên người khác. Đồng thời, các đối tượng lập thêm rất nhiều địa chỉ kho hàng không rõ ràng nhằm tiến hàng mua - bán gian thương các sản phẩm, hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc. Theo đường tiểu ngạch vận chuyển về Việt Nam, các đối tượng bắt đầu phân phát ra các kho hàng trung gian mà không tập kết tại một địa điểm.
Bên cạnh sự vào cuộc và nỗ lực của các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng, thì bản thân các chủ sàn thương mại điện tử cũng phải có trách nhiệm, để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Đấu tranh với các vi phạm của các nền tảng xuyên biên giới
Hàng giả, hàng nhái xuất hiện không chỉ trên các trang thương mại điện tử mà ngay cả trên các nền tảng số thông dụng tại Việt Nam như Facebook, Tiktok. Hàng trăm, hàng nghìn quảng cáo, livestream bán hàng đang được phát trực tiếp trên các nền tảng này, trong đó lẫn lộn rất nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam. Sau 4 tháng thanh tra, Đoàn kiểm tra Liên ngành của bộ đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm của Tiktok, trong đó đặc biệt là Tiktok Shop.
"Đề nghị có biện pháp xử lý buộc TikTok Singapore khắc phục ngay các sai phạm trong việc cung cấp dịch vụ sàn thương mại xuyên biên giới vào Việt Nam. Phối hợp và cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan chức năng về danh sách người bán trên TikTok Shop phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan tới thương mại điện tử và thuế", ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Giải pháp ngăn chặn hàng giả
Theo Thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương, mỗi năm có khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng liên quan tới các giao dịch mua bán trên các nền tảng trực tuyến như hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và mua bán không có hóa đơn chứng từ. Vì vậy các cơ quan chức năng cũng đã đưa ra nhiều giải pháp cấp thiết để ngăn chặn tình trạng này.
Để ngăn chặn hàng giả hàng nhái cần có sự phối hợp của nhiều lực lượng chức năng nhằm kịp thời đánh đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời tăng cường biện pháp phối hợp như liên thông, xác minh dữ liệu, phối hợp nhiều cơ quan để đấu tranh đối với hàng giả, hàng buôn lậu.
Hàng trăm, hàng nghìn quảng cáo, livestream bán hàng đang được phát trực tiếp trên các nền tảng xuyên biên giới, trong đó lẫn lộn rất nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng
8 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý gần 500 vụ việc vi phạm kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thương mại điện tử. Trong thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ phối hợp với các Bộ ban ngành để quản lý chặt chẽ hơn nữa thị trường thương mại điện tử.
"Những quy định nào còn thiếu, còn hổng thì chúng tôi sẽ phải xây dựng, đề xuất và bổ sung ban hành. Thứ hai là tổ chức tập huấn, đào tạo cho lực lượng quản lý thị trường để có kiến thức, kinh nghiệm để xử lý hành vi vi phạm cũng như là ngăn chặn, phòng ngừa", bà Vũ Thị Minh Ngọc, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kế hoạch, Tài chính, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết.
Nhằm giúp người dân và doanh nghiệp phòng tránh tình trạng mua nhầm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, Bộ Công Thương đã và đang triển khai hệ thống xác thực hàng chính hãng thông qua QRCode - với địa chỉ tên miền là truyxuat.gov.vn.
Theo Ban Thời sự
VTV