Giá thịt lợn và nguy cơ giảm phát tại Trung Quốc
Chỉ số giá tiêu dùng ở Trung Quốc đã giảm nhiều hơn dự kiến trong tháng 10. Là loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất ở Trung Quốc, thịt lợn có tỷ trọng lớn trong chỉ số giá tiêu dùng.
Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 9/11 cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm 0,2% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm này vượt quá dự báo giảm 0,1% theo cuộc thăm dò ý kiến của các nhà phân tích của hãng thông tấn Reuters (Anh).
Trong khi đó, các nhà phân tích của Goldman Sachs nhận định rằng diễn biến này chủ yếu là do giá thực phẩm giảm, đặc biệt là thịt lợn. Mặt hàng thịt lợn tại Trung Quốc đã mất giá trong nhiều tháng và giảm 30% so với một năm trước. Giá thịt lợn đang chịu áp lực do nguồn cung vượt quá nhu cầu.
Lạm phát cơ bản, vốn không tính thực phẩm tươi sống và năng lượng dễ biến động, thậm chí còn giảm mạnh hơn trong tháng 10, ở mức 0,6%. Các nhà kinh tế cho rằng đó là tin xấu vì nó phản ánh nhu cầu tiêu dùng nói chung thấp.
Ông Robert Carnell, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại tập đoàn ING (Hà Lan), phản bác quan điểm nền kinh tế Trung Quốc đang bị giảm phát.
Các nhà kinh tế vốn định nghĩa giảm phát là sụt giảm kéo dài và trên diện rộng về mức giá chung đối với hàng hóa và dịch vụ trong một khoảng thời gian.
Ông Robert Carnell cho rằng giảm phát là một tình trạng “nguy hiểm”, đặc trưng bởi sự sụt giảm của giá tiêu dùng cũng như giá tài sản và tiền lương, dẫn đến hoạt động kinh tế chậm lại rõ rệt.
Kênh CNN (Mỹ) cho biết Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát trong thời gian ngắn vào tháng 7, với CPI giảm 0,3%. Tuy nhiên, giá tiêu dùng đã phục hồi trong tháng 8.
Ông viết trong một báo cáo hôm 9/11: “Những gì đang xảy ra tại Trung Quốc là tỷ lệ lạm phát cơ bản thấp, phản ánh thực tế rằng nhu cầu trong nước khá yếu”.
Quốc gia tỷ dân đang phải vật lộn với phục hồi kinh tế không đồng đều khi đối mặt với một loạt thách thức, bao gồm thị trường bất động sản suy yếu và chần chừ ngày càng tăng của một số doanh nghiệp và người tiêu dùng trong đầu tư hoặc chi tiêu.
Các nhà cung cấp hàng hóa Trung Quốc cũng đang đối mặt với nhiều thử thách. Dữ liệu của NBS cho thấy chỉ số giá sản xuất, đã giảm 2,6% trong tháng 10 so với một năm trước. Nhà kinh tế học Erin Xin tại HSBC cho rằng này “có thể sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách luôn cảnh giác để duy trì hỗ trợ”.
Theo Hà Linh
Báo tin tức