• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kim ngạch tăng gần 100%, xuất khẩu cá tra đang “hồi sinh”

Cùng với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra gồm: Vĩnh Hoàn Corp; Công ty TNHH CBTP xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang (VDTG), Công ty CP Nam Việt (Navico), mới đây Công ty CP Thủy sản NTSF (NTSF Seafoods) đã được Bộ Thương mại Mỹ thông báo về việc được hưởng mức thuế suất 0% khi xuất khẩu cá tra phile đông lạnh sang Mỹ.

Lý giải nguyên nhân xuất khẩu cá tra tăng gần như tuyệt đối, ông Trương Đình Hòe- Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)- cho biết: Thông thường các năm trước xuất khẩu cá tra không tăng mạn ở những tháng đầu năm do khách hàng hạn chế nhập, còn doanh nghiệp Việt lại rơi vào thời điểm vừa bán xong đợt tết nên số lượng bán ra sẽ ít hơn. Tuy nhiên năm nay thị trường có thay đổi, khách hàng tăng mua sau tết, kéo theo lượng bán ra của doanh nghiệp cá tra tăng vọt so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi giá cá tra xuất khẩu hiện ở mức cao nhưng vẫn được thị trường chấp nhận.

Là doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tăng cao trong 2 tháng qua, theo đại diện của Tập đoàn Nam Việt, tính riêng trong tháng 1/2022, doanh nghiệp này đã xuất khẩu 8.000 tấn các sản phẩm cá tra đi hơn 100 nước, ước giá trị sản xuất khoảng 20 triệu USD, tăng 70% so với cùng kỳ. Hiện doanh nghiệp đang tập trung sản xuất với mục tiêu năm 2022 sẽ xuất khẩu đi các sản phẩm chủ lực gồm: cá tra phi lê, cắt khúc, nguyên con, chả cá...

Đánh giá về triển vọng xuất khẩu cá tra trong những tháng tới, theo ông Trần Văn Hùng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá, ngành hàng cá tra sẽ có nhiều thuận lợi về giá nguyên liệu và giá xuất khẩu cá tra, sản lượng cá tra sẽ tăng mạnh trở lại từ cuối năm 2022- 2023. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cao, giá cá biển thế giới tăng cao, đánh bắt biển cũng đã và sẽ tiếp tục bị giới hạn, do vậy cá nuôi nước ngọt (cá tra) của Việt Nam sẽ có chỗ đứng hơn trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe cho biết, cái khó nhất hiện tại với doanh nghiệp vẫn là bài toán chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển cũng như sự thay đổi chính sách nhập khẩu ở một số thị trường như Trung Quốc (thị trường này vẫn theo đuổi chính sách Zero Covid nên gây khó khăn trong tiếp cận cho doanh nghiệp). Do đó, dù tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng xuất khẩu vẫn còn ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh nên sự phục hồi này mới chỉ ở bước đầu.

Dưới đây là một số thị trường có kim ngạch xuất khẩu cá tra tăng trưởng 3 con số được VASEP ghi nhận trong 2 tháng đầu năm nay.

Thị trường Mỹ

Tính tới hết tháng 2/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 94,57 triệu USD, tăng 119,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tháng 2/2022, giá trị xuất khẩu đạt gần 42 triệu USD, tăng 167%. Kết thúc tháng 2, Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra số 1 của các doanh nghiệp Việt Nam. Dự báo sự phục hồi và nhu cầu tiêu thụ mạnh của thị trường Mỹ vẫn tiếp tục trong nửa đầu năm nay. Giá cá tra nguyên liệu trong nước tăng lên mức từ 30.000 - 32.000 đồng/kg thúc đẩy giá xuất khẩu trung bình tăng. Sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát lần thứ 17 và mới nhất là kết quả cuối cùng POR17 thuế chống bán phá giá với cá tra phile đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, thêm doanh nghiệp cá tra Việt Nam được hưởng mức thuế 0% sang thị trường Mỹ, dự báo giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này trong thời gian tới tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Trung Quốc - Hồng Kông

Hai tháng đầu năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông đạt 85,8 triệu USD, tăng 239,6% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 22,3%. Với kết quả này, Trung Quốc - Hồng Kông đang đứng vị trí là thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ 2 (sau Mỹ). Trong hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này gặp nhiều khó khăn do chính sách kiểm soát chặt chẽ hàng thực phẩm đông lạnh xuất khẩu của Trung Quốc. Cho tới nay, hoạt động xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn. Điều đáng chú ý, trong thời gian này, giá trị xuất khẩu cá tra sang Hồng Kông tăng trên 111% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu tích cực sau gần 2 năm, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Hồng Kông không ổn định.

CPTPP

Xuất khẩu cá tra sang khối thị trường CPTPP trong hai tháng đầu năm nay đạt 52,5 triệu USD, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Mexico đạt 18,3 triệu USD, tăng 23,3%; sang Canada đạt 9,6 triệu USD, tăng 81,5%; sang Australia đạt 6,8 triệu USD, tăng 19%; sang Malaysia đạt 5,6 triệu USD, tăng gần 165%. Nếu tình hình covid trên thế giới được kiểm soát tốt, kinh tế bình thường trở lại, dự báo trong ít nhất hai quý tới, xuất khẩu cá tra sang CPTPP tăng trưởng dương tới hai con số.

Thị trường EU

Hai tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt gần 28 triệu USD, tăng gần 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Hà Lan đạt gần 10 triệu USD, tăng 78,3%; Đức đạt 3,4 triệu USD, tăng 98%; Bỉ đạt 2,8 triệu USD, tăng 64,3%; Tây Ban Nha đạt 2,7 triệu USD, tăng 53%.

Ngoài các thị trường xuất khẩu chính trên, giá trị xuất khẩu cá tra sang các thị trường tiềm năng khác như: Brazil, Thái Lan, UAE, Anh cũng tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái.

Mai Ca

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết