• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quy định trả nợ trái phiếu bằng tài sản khác: Liệu có khả thi?

Dù được đánh giá tích cực, tuy nhiên để quy định "thoả thuận trả nợ trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác (nếu không có tiền mặt)" tại Nghị định 08 về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ đi vào cuộc sống, còn rất nhiều vấn đề phải bàn tới và có những quy định cần cụ thể hơn.

 

 

Quy định trả nợ trái phiếu bằng tài sản khác: Liệu có khả thi? - Ảnh 1.

Nghị định 08 ban hành ngày 5/3/2023. Ảnh: Internet.

Ngày 5/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Trong đó, đáng lưu ý là quy định về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không có tiền trả nợ đối với trái phiếu đến hạn phải thanh toán. Cụ thể: Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.

Tuy nhiên, doanh nghiệp phát hành phải đảm bảo các nguyên tắc sau: (i) Tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đó; (ii) Phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận; và (iii) Doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.

Như vậy, Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã tạo cơ sở cơ bản đảm bảo việc thực hiện đàm phán đổi trái phiếu lấy tài sản khác một cách rõ ràng và nhất quán hơn, giảm thiểu rủi ro tranh chấp sau này. Thay vì ép người sở hữu trái phiếu, thì nay doanh nghiệp phải đàm phán, thỏa thuận và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán. Quy định này nhằm giúp bảo vệ các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân vốn yếu thế về sức mạnh đàm phán, cũng như không có nhiều kiến thức về tài sản, sự am hiểu thị trường.

Đối với các doanh nghiệp có tài sản như bất động sản, đủ điều kiện chuyển nhượng thì đây là một giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư trong trường hợp doanh nghiệp phát hành chưa thể thanh toán bằng tiền mặt. Quy định này được kỳ vọng sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp ấm trở lại, doanh nghiệp bất động sản giảm áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, Nghị định 08/2023/NĐ-CP nhấn mạnh đến hai chữ "đàm phán", tức là doanh nghiệp phát hành không được tự động giãn các khoản nợ, hay tự động chuyển thanh toán tiền mặt sang tài sản khác nếu không được trái chủ đồng ý. Theo đó, mấu chốt vấn đề là nhà đầu tư có thể chấp nhận những phương án hoán đổi trái phiếu thành tài sản khác hay không?

Việc dùng tài sản khác để thanh toán nợ, ví dụ như bất động sản vẫn tồn tại những rủi ro pháp lý hay nói cách khác là "hoán đổi rủi ro" bởi nhiều sản phẩm bất động sản dùng để hoán đổi trái phiếu là tài sản được hình thành trong tương lai, có thể không đủ điều kiện chuyển nhượng,... Vậy trách nhiệm pháp lý phát sinh sẽ thuộc về ai?

Hơn nữa, không phải chủ đầu tư nào cũng có hàng để trả ngay, bởi nhiều dự án vẫn đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý và đưa vào thi công. Bên cạnh đó, những chủ đầu tư muốn đổi sản phẩm bất động sản để lấy trái phiếu cũng nên cân nhắc về mức giá. Hiện nay, mức giá bất động sản đang khá cao, nếu vẫn giữ nguyên giá niêm yết có thể các trái chủ sẽ khó chấp nhận. Cùng đó, bất động sản cũng đang gặp tình trạng khó khăn thanh khoản hay trái chủ trái phiếu đến hạn sớm có cơ hội lựa chọn tài sản tốt hơn trái chủ của các trái phiếu đến hạn sau.

Chính vì vậy, trên thực tế, khi thực hiện quy định này vẫn có thể phát sinh những vướng mắc nhất định liên quan đến sự phụ thuộc vào quan điểm về giá trị tài sản bảo đảm, hay sự bất bình đẳng giữa các trái chủ.

Thiết nghĩ, doanh nghiệp phát hành cần công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi chính đáng, công bằng cho các nhà đầu tư. Cụ thể, trong quá trình đàm phán, thương lượng với các trái chủ doanh nghiệp cần thiện chí công khai các thông tin của tài sản bảo đảm, tài sản thanh toán cho các nhà đầu tư được biết,... Từ đó tôn trọng quyết định của các trái chủ trong việc tự do đưa ra lựa chọ có đổi trái phiếu lấy tài sản khác hay không. Nếu không đồng ý thì cần cam kết đảm bảo thực hiện nghĩa vụ và hình thức thanh toán như đã cam kết trước đó.

Ngoài việc, quy định ba nguyên tắc đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác nêu trên thì cần có thêm các quy định chi tiết hơn quy định về tổ chức đàm phán và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc không thoả thuận thành công với trái chủ bởi lẽ các trái chủ đang mất niềm tin và thật sự cần thiện chí từ phía doanh nghiệp phát hành.

Đồng thời, về lâu dài, doanh nghiệp phát hành cần phải lấy được lòng tin của nhà đầu tư. Muốn thế, doanh nghiệp phải tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu sản phẩm của mình, thay cho việc nhập nhèm phát hành trái phiếu như trước.

(*) Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Nhà đầu tư


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...