• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngân hàng Nhà nước nói gì việc SJC từ chối mua vàng "một chữ"

Thời gian qua, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC) từ chối mua vàng “một chữ” gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và nhà đầu tư vàng. Ngày 8/8, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM - đã có thông tin trả lời Báo Tiền Phong về vấn đề trên.

 

Theo ông Lệnh, vàng miếng SJC là sản phẩm thương hiệu quốc gia, trong đó nhà nước quản lý và có quy định cụ thể về sản xuất, gia công và mua bán vàng miếng SJC. Vì vậy, vàng miếng SJC loại có ký hiệu một chữ và vàng miếng SJC loại có ký hiệu hai chữ có chất lượng và giá trị như nhau.

"Nếu có sự phân biệt giữa hai loại vàng miếng SJC này thì đó chỉ là thời điểm sản xuất và ký hiệu một chữ và hai chữ (là ký tự chữ trước dãy số sê-ri). Do vậy, người dân yên tâm về việc sở hữu vàng miếng SJC, không có sự khác biệt về chất lượng và giá trị sản phẩm này giữa loại một chữ và hai chữ"- ông Lệnh nói.

Ngân hàng Nhà nước nói gì việc SJC từ chối mua vàng 'một chữ'?- Ảnh 1.

Người dân mua vàng miếng tại SJC (ảnh: Uyên Phương).

Về phía doanh nghiệp, theo ông Lệnh SJC là công ty vàng bạc đá quý thuộc sở hữu Nhà nước , được cấp phép mua bán vàng miếng SJC và thực hiện một số chức năng nhiệm vụ khác có liên quan. Trong quá trình này, nếu có khó khăn vướng mắc, công ty SJC nói riêng và các đơn vị được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng SJC nói chung có trách nhiệm báo cáo, phản ánh kịp thời về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để có hướng dẫn, chỉ đạo và xử lý.

Về mặt chính sách, doanh nghiệp luôn đảm bảo cho người dân mua - bán vàng miếng SJC diễn ra bình thường. Song hoạt động này phải đảm bảo đúng quy định như:mua bán vàng miếng SJC đúng địa điểm (các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng SJC); chấp hành chế độ hóa đơn chứng từ; công khai minh bạch và các quy định khác có liên quan.

Ông Lệnh cho biết thêm, vàng là hàng hóa đặc biệt, công tác quản lý chặt nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế xã hội với mục tiêu chung mang lại lợi ích cho người dân và nền kinh tế. Vì vậy, lợi ích của người dân luôn được đảm bảo song cũng cần chấp hành và thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về hoạt động này từ tất cả các bên có liên quan gồm: Cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đó cũng là các giải pháp của TPHCM hiện nay để đảm bảo lợi ích và phát triển kinh tế xã hội; tuân thủ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong thực thi pháp luật về vàng.

 

Theo Vân Sơn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết