Bộ Công Thương chủ trì Phân ban Việt Nam trong UB hỗn hợp Việt Nam-Saudi Arabia
Cơ quan chủ trì Phân ban Việt Nam trong Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Saudi Arabia là Bộ Công Thương. Chủ tịch Phân ban là Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định số 1397/QĐ-TTg về việc kiện toàn Phân ban Việt Nam trong Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Saudi Arabia về hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật.
Theo Quyết định, cơ quan chủ trì Phân ban là Bộ Công Thương. Chủ tịch Phân ban là Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Saudi Arabia Faisal Al-Ibrahim chứng kiến ký biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế-thương mại giữa Bộ Công Thương Việt Nam với Bộ Kinh tế và Kế hoạch Saudi Arabia, tháng 10/2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thư ký Phân ban là cán bộ cấp Vụ của Văn phòng Chính phủ. Các ủy viên của Phân ban là đại diện cán bộ cấp Vụ/Cục thuộc các Bộ cơ quan: Công Thương, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Tài chính, Nội vụ, Nông nghiệp và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Chủ tịch Phân ban xem xét cụ thể việc mời đại diện các Bộ, cơ quan liên quan khác tham dự tại mỗi Kỳ họp của Ủy ban hỗn hợp, bảo đảm đúng thành phần được tham gia; ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động để Phân ban hoạt động hiệu quả.
Chủ tịch, các thành viên Phân ban và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này; tổ chức hoạt động của Phân ban phù hợp với Quyết định số 30/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Saudi Arabia hiện là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông, với kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt hơn 3, tỷ USD. Với thế mạnh và tiềm năng vốn có, hai nền kinh tế còn nhiều dư địa để đẩy mạnh giao thương, phấn đấu đạt kim ngạch hai chiều trên 10 tỷ USD vào năm 2030.
Một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như gạo, chè, hạt tiêu, cà phê, cao su, hàng may mặc, thủy hải sản... rất được người tiêu dùng Saudi Arabia ưa chuộng. Trong khi đó, nhu cầu của Việt Nam đối với các sản phẩm hóa dầu, nguyên liệu thô của Saudi Arabia cũng đang ngày càng tăng, đóng góp vào việc duy trì ổn định kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai bên.
Những năm gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Saudi Arabia quan tâm và mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, năng lượng, cảng biển, thực phẩm Halal, du lịch, đổi mới sáng tạo.
Nguyên Thảo