Hội nhập kinh tế quốc tế với dấu ấn dẫn dắt của Đảng bộ Bộ Công Thương
Là Bộ đầu mối về hội nhập kinh tế, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ Bộ Công Thương đã phát huy vai trò dẫn dắt, chủ động phối hợp đàm phán, ký kết nhiều FTA mới...
Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Minh Khôi - Giám đốc Tư vấn chính sách tại Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (TBI) trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
Ngành Công Thương chủ động trong hội nhập kinh tế
- Thưa ông, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường khiến kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, phục hồi chậm và được dự báo sẽ tăng trưởng thấp hơn giai đoạn trước. Tuy nhiên, ngành Công Thương vẫn hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, tiếp tục giữ vai trò động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Ông đánh giá gì về điều này?
TS. Nguyễn Minh Khôi - Giám đốc Tư vấn chính sách tại Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (TBI). Ảnh: Hoàng Giang
TS. Nguyễn Minh Khôi: Giai đoạn vừa qua là một trong các giai đoạn chứng kiến bối cảnh thương mại toàn cầu gặp nhiều khó khăn do suy giảm cầu, cạnh tranh địa chính trị và xu hướng bảo hộ gia tăng. Tuy vậy, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng ổn định.
Hiện nay, xuất khẩu đóng góp ngày càng quan trọng vào GDP (tỷ lệ xuất khẩu/GDP tăng từ 72,7% năm 2021 lên ước tính khoảng 85% năm 2025) với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10% và bước vào nhóm 20 nền kinh tế có giá trị xuất khẩu lớn nhất thế giới (2023). Năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu chạm mốc 800 tỷ USD, xuất khẩu đạt trên 400 tỷ USD, giúp Việt Nam duy trì xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp với thặng dư gần 25 tỷ USD. Những kết quả này đã góp phần tạo nguồn ngoại tệ ổn định, giảm áp lực tỷ giá và hỗ trợ dự trữ ngoại hối.
Không những vậy, cơ cấu xuất nhập khẩu ngày càng hướng vào lõi công nghiệp hóa, tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng chế biến, giảm tỷ trọng hàng thô, sơ chế (xuất khẩu xấp xỉ 50% hàng hóa công nghệ cao và nhập khẩu hơn 90% tư liệu sản xuất). Tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 80,3% năm 2016 lên khoảng 85% năm 2025, tỷ trọng hàng nhiên liệu khoáng sản giảm từ 2% năm 2016 xuống dưới 1% năm 2025.
Đồng thời, các ngành công nghiệp cũng phục hồi tích cực, với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,4%, đặc biệt ngành chế biến, chế tạo tăng gần 10% trở lại là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, với mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây.
Những kết quả này đã phản ánh rõ nét vai trò điều hành hiệu quả và chủ động của Bộ Công Thương. Đảng ủy Bộ Công Thương đã bám sát các định hướng, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Quốc hội, nắm chắc tình hình, đồng thời chủ động chỉ đạo quyết liệt, kịp thời các đơn vị triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp, năng lượng, tăng trưởng xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước.
- Công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong đó có nhiệm vụ đẩy mạnh thực thi FTA đã ký kết và đẩy nhanh đàm phán FTA mới là một trong nhiều điểm sáng của ngành Công Thương trong nhiệm kỳ qua. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Bộ Công Thương, đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trong việc thực thi, thúc đẩy ký kết FTA mới? Việc đẩy nhanh đàm phán FTA mới đã và đang mang lại những lợi ích gì cho doanh nghiệp?
TS. Nguyễn Minh Khôi: Như tôi đã chia sẻ ở trên, Đảng ủy Bộ Công Thương cũng như lãnh đạo Bộ Công Thương thời gian qua đã thể hiện rõ vai trò điều hành một cách hiệu quả và chủ động.
Với vai trò là bộ đầu mối về hội nhập kinh tế quốc tế, đàm phán các FTA, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành trong việc tích cực, chủ động tham mưu với Chính phủ về đàm phán, ký kết các FTA mới, cũng như đàm phán nâng cấp các FTA đã ký kết; chủ trì xây dựng, trình ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án thực hiện các FTA.
Ký kết FTA Việt Nam - UAE mở ra tiềm năng lớn cho hàng hóa Việt Nam tại thị trường Trung Đông và Halal. Ảnh: Dương Giang
Năm 2024, chúng ta đã chứng kiến Bộ Công Thương tiếp tục ký kết và thúc đẩy các hiệp định thương mại mới như Hiệp định CEPA với UAE, mở ra tiềm năng lớn cho hàng hóa Việt Nam tại thị trường Trung Đông và Halal, đồng thời đẩy nhanh tiến trình đàm phán với các đối tác như EFTA và Israel.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng liên tục triển khai các sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng thực thi các FTA hiện có, ví dụ như nâng cấp và cải thiện chất lượng thông tin của cổng thông tin hiệp định thương mại tự do (FTA Portal) hay xây dựng và đưa vào triển khai Bộ chỉ số đo lường hiệu quả thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA Index).
Trong bối cảnh đó, việc đẩy nhanh đàm phán FTA mới mang lại những tác động tích cực rõ ràng. Những FTA mới này giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hạn chế phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng không gian tiếp cận các khu vực như Trung Đông, châu Phi, Nam Âu và thị trường Halal - vốn có tiềm năng lớn nhưng trước đây còn chưa được khai thác tương xứng.
Ngoài ra, việc đẩy nhanh đàm phán FTA mới không chỉ mang lại ưu đãi thuế quan, mà còn giúp các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu và đa dạng hóa chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là điều quan trọng để hàng hóa Việt Nam duy trì khả năng cạnh tranh trong bối cảnh tiêu chuẩn thương mại ngày càng cao cũng như giảm bớt các rủi ro phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.
Nâng cao thực thi, tận dụng các FTA đã ký
- Theo ông, trong nhiệm kỳ 2025-2030, Đảng bộ Bộ Công Thương cần tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp nào để ngành Công Thương tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu tăng trưởng, chủ lực trong nền kinh tế? và ông có khuyến nghị gì với cơ quan quản lý, doanh nghiệp để làm tốt hơn công tác hội nhập kinh tế, đàm phán FTA mới?
TS. Nguyễn Minh Khôi: Trong giai đoạn 2025 - 2030, thương mại quốc tế sẽ vẫn là một trong các động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam và ngành Công Thương sẽ tiếp tục giữ vai trò đầu tàu trong thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Để phát huy vai trò này một cách thực chất và bền vững, tôi đề xuất:
Thứ nhất, cùng với công tác đàm phán, thúc đẩy ký kết FTA mới, cần nâng cao chất lượng thực thi và tỷ lệ tận dụng các FTA hiện có. Dù Việt Nam đã tham gia gần 20 hiệp định thương mại tự do, tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Việc thúc đẩy thực hiện những sáng kiến chính sách như FTA portal, FTA Index kết hợp với một mô hình toàn diện hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu theo chuỗi giá trị sẽ giúp xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của Việt Nam hiệu quả hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp nội địa, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong nhiệm kỳ tới, cùng với công tác đàm phán, thúc đẩy FTA mới, cần nâng cao hiệu quả thực thi, tận dụng FTA đã ký kết
Thứ hai, cần đẩy mạnh chuyển đổi xanh và chuyển đổi số trong hội nhập. Các FTA thế hệ mới ngày càng nhấn mạnh các tiêu chuẩn liên quan đến môi trường, phát thải carbon, quyền lao động và dữ liệu số. Do đó, Bộ Công Thương có thể đóng vai trò là đầu mối kết nối giữa chính sách hội nhập với các nguồn lực hỗ trợ: như tài chính xanh, công nghệ sạch, hệ thống truy xuất số... giúp doanh nghiệp chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn mới và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ ba, Bộ Công Thương cần thể hiện vai trò dẫn dắt rõ nét hơn trong quá trình hội nhập thương mại khu vực, đặc biệt là khu vực ASEAN. Với kinh nghiệm đã tích lũy trong việc đàm phán và thực thi các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, hay RCEP, chúng ta có thể chủ động đề xuất cập nhật, điều chỉnh hoặc mở rộng nội dung các FTA hiện hành, đặc biệt trong bối cảnh các thách thức mới về kinh tế số, công nghệ, và thương mại bền vững đang định hình lại cấu trúc toàn cầu.
Với cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi khuyến nghị, cần thay đổi tư duy từ “thụ hưởng chính sách” sang “tham gia kiến tạo chính sách”. Doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận thông tin từ sớm, tích cực tham gia vào các kênh tham vấn chính sách, các nhóm công tác và các phiên thảo luận, góp ý liên quan đến đàm phán thương mại và hội nhập. Việc này không chỉ giúp họ sẵn sàng hơn khi FTA có hiệu lực, mà còn có thể ảnh hưởng tích cực đến nội dung đàm phán theo hướng sát thực tế và phù hợp với năng lực nội tại.
Xin cảm ơn ông!
"Bộ Công Thương cần thể hiện vai trò dẫn dắt rõ nét hơn trong quá trình hội nhập thương mại khu vực, đặc biệt là khu vực ASEAN. Với kinh nghiệm đã tích lũy trong việc đàm phán và thực thi các FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, hay RCEP, chúng ta có thể chủ động đề xuất cập nhật, điều chỉnh hoặc mở rộng nội dung các FTA hiện hành, đặc biệt trong bối cảnh các thách thức mới về kinh tế số, công nghệ, và thương mại bền vững đang định hình lại cấu trúc toàn cầu" - TS. Nguyễn Minh Khôi - Giám đốc Tư vấn chính sách tại Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (TBI) đề xuất.