FPT tiếp tục tăng trưởng “đều như vắt tranh” với động lực từ mảng CNTT nước ngoài, hé lộ kế hoạch xây dựng tổ hợp giáo dục tại Hải Dương
Mảng Dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài của FPT tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng, đạt doanh thu 11.998 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 29,8%, dẫn dắt bởi sức tăng đến từ cả 4 thị trường.
Tập đoàn FPT vừa công bố kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2024 với doanh thu đạt 23.916 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 4.313 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,9% và 19,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ cũng tăng 21,2% lên 3.052 tỷ đồng, tương ứng EPS ở mức 2.403 đồng/cổ phiếu.
Năm 2024, FPT lên kế hoạch kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu 61.850 tỷ đồng (~2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện năm 2023. Với kết quả đạt được sau 4 tháng đầu năm, tập đoàn đã thực hiện 39% kế hoạch doanh thu và 40% mục tiêu lợi nhuận đề ra sau 5 tháng.
Với khối CNTT nước ngoài, thị trường Nhật Bản và APAC tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao, tăng lần lượt 34,2% (tương đương tăng trưởng 43% theo Yên Nhật) và 31,1%. Khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài đạt 16.341 tỷ đồng, tăng 17,2%, chủ yếu do Tập đoàn đã đẩy sớm việc ký mới ngay trong tháng 12/2023.
Riêng trong tháng 5/2024, FPT đã thắng thầu thêm 6 dự án lớn với quy mô trên 5 triệu USD/dự án, đưa tổng số dự án đã thắng từ đầu năm đến nay lên 26 dự án, cho thấy nhu cầu đầu tư cho công nghệ ngày càng cao trên toàn cầu và khẳng định năng lực cung ứng công nghệ của FPT.
Theo thỏa thuận, FPT Software Japan và JIT sẽ cùng phối hợp triển khai các dự án phát triển hệ thống CNTT trong lĩnh vực hàng không và phi hàng không; trao đổi nhân lực nhằm tăng cường năng lực kỹ thuật và mở rộng kinh doanh. Đồng thời, dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo, IoT, điện toán đám mây, hai bên sẽ tạo ra những giá trị mới cho các giải pháp CNTT cung cấp cho khách hàng.
Bên cạnh đó, FPT Software mới đây đã trở thành Nhà tích hợp hệ thống toàn cầu của Creatio – công ty cung cấp dịch vụ no-code (nền tảng lập trình không cần viết code) có trụ sở tại Hoa Kỳ. Hợp tác này được kỳ vọng sẽ nâng cao vị thế của FPT Software trên thị trường quốc tế thông qua các đối tác của Creatio tại hơn 100 quốc gia, gia tăng cơ hội chinh phục các khách hàng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm.
Hợp tác cũng cho phép khách hàng của Creatio tận dụng nguồn nhân lực chất lượng của FPT Software gồm 1.500 chuyên gia trong mảng low-code. Đồng thời, FPT Software sẽ phát huy tối đa lợi thế cung cấp đa dạng các dịch vụ trong mảng ngân hàng, tài chính, bảo hiểm,...và mạng lưới nhân sự trên 30 quốc gia.
Trong mảng giáo dục, FPT và UBND tỉnh Hải Dương đã tổ chức Hội nghị hợp tác về triển khai các nội dung chuyển đổi số và đầu tư giáo dục trên địa bàn thành phố. Tại đây, tập đoàn đề xuất UBND tỉnh Hải Dương cho phép xây dựng Tổ hợp giáo dục FPT quy mô từ 5-10 ha và được áp dụng ưu đãi chính sách 100% xã hội hóa cho giáo dục, dự kiến gồm tổ hợp giáo dục phổ thông liên cấp chất lượng cao từ bậc tiểu học, THCS, THPT.
Ngoài ra, về lâu dài tập đoàn hướng tới giáo dục nghề nghiệp hệ cao đẳng, đại học, hướng tới một mô hình với chất lượng quốc tế nhưng mức học phí trong nước. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương đánh giá cao nguyện vọng của FPT và hoàn toàn ủng hộ việc đầu tư của Tập đoàn.
Về mảng viễn thông, với nỗ lực củng cố vị thế trên thị trường và mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng, FPT cùng các doanh nghiệp viễn thông và dịch vụ trung tâm dữ liệu hàng đầu trong khu vực đã chính thức thành lập liên minh AseanConnect.One với mục tiêu trở thành nhà cung cấp "một điểm đến cho mọi nhu cầu" với các giải pháp kết nối và trung tâm dữ liệu cho các nhà mạng/OTT trong khu vực ASEAN.
Hà Linh