Tín hiệu phục hồi của doanh nghiệp dệt may
Nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết, đã chủ động tìm kiếm đơn hàng và thời điểm này, đã có đủ đơn hàng sản xuất đến hết tháng 9/2024.
Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), thời điểm này, đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) đã tăng trở lại. Công ty may Đáp Cầu đã ký đến giữa quý III/2024. Xí nghiệp May 10 Hà Tĩnh (thuộc Tổng công ty May 10) cho biết, bình quân mỗi tháng đơn vị xuất đi 120.000 sản phẩm. Riêng 2 tháng đầu năm 2024, đơn vị này đã đạt doanh thu 273.303 USD và đang nỗ lực để sớm hoàn thành mục tiêu.
Các dữ liệu cũng cho biết thị trường Mỹ đang hồi phục tương đối tốt, khoảng 3-4% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu tích cực bởi Mỹ là thị trường chiếm tỷ trọng lên tới 44-45% tổng kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam. Tiếp đến là thị trường Nhật Bản cũng đang quay trở lại, đặc biệt là nhãn hàng Uniqlo đang tăng trưởng nhanh. Thị trường Hàn Quốc và các nước khối ASEAN, khu vực châu Á cũng hồi phục tích cực.
Dù đơn hàng về các DN đã khá lên, tuy nhiên ông Trường cho rằng mặt bằng giá chưa thực sự tốt, các thị trường chưa có sự điều chỉnh về giá nên DN đang ký kết đơn hàng ở khoảng ngắn để lựa chọn thời điểm chốt đơn hàng với mặt bằng giá tốt hơn.
Mức giá hiện nay chỉ cải thiện 3-5% so với năm trước là chưa nhiều. Tín hiệu vui là hàng tồn kho ở các thị trường lớn, các hãng phân phối lớn, các tập đoàn, siêu thị đều suy giảm vì thế nhu cầu tái đặt hàng cho thời gian tới được kỳ vọng ở mức cao hơn.
Theo các chuyên gia, đơn hàng, sản xuất của các DN vẫn phụ thuộc vào diễn biến phức tạp của thị trường thế giới. Bên cạnh đó, các nhãn hàng luôn đòi hỏi về sản xuất xanh. DN trong nước cần phải chủ động với các sản phẩm xanh để đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nhập khẩu. Do vậy, DN cần nhanh chóng chuyển đổi số trong sản xuất. “Phương thức chuyển đổi đi dần từ sản xuất truyền thống sang tự động hóa, tiến dần tới sản xuất thông minh. Điều này sẽ giúp DN nâng cao năng lực sản xuất, tăng chất lượng và giá trị hàng hóa” - đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhấn mạnh.
Doanh nghiệp chủ động đầu tư công nghệ
Nắm bắt được những yêu cầu từ thị trường nhập khẩu, thời gian qua, nhiều DN dệt may đã chủ động dồn sức đầu tư công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, việc áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất và chuyển đổi số đang trở thành yêu cầu bắt buộc với ngành dệt may để hàng hóa xuất khẩu sang được các thị trường khó tính, bởi các thị trường như châu Âu, Mỹ có yêu cầu về xanh hóa sản xuất rất cao.
“Việt Thắng Jean đã chuyển đổi 100% sang việc áp dụng công nghệ xanh, vừa có thể nâng cao hoạt động sản xuất, vừa gắn với bảo vệ môi trường. Riêng về hàng denim, thay vì phải in và sử dụng hóa chất, màu… như trước đây, hiện DN đã đầu tư công nghệ laser, không ảnh hưởng đến môi trường” – ông Việt nói.
Với ngành dệt may, xu hướng tiêu dùng đang thay đổi rất nhanh với sự quan tâm ngày càng cao đối với các sản phẩm dệt may bền vững và công nghệ cao, như sợi tái chế, sợi sinh học, sợi thông minh, sợi kháng khuẩn, kháng cháy. So với những năm trước, nhu cầu tiêu dùng các loại sợi này đã tăng khoảng từ 15% đến 20%.
Vì vậy, để nâng cao kim ngạch xuất khẩu, Hiệp hội dệt may Việt Nam cho rằng giải pháp chính là tập trung đầu tư phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực, đặc biệt thu hút các dự án dệt nhuộm hoàn tất công nghệ cao vào các khu công nghiệp; đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường; đầu tư phát triển ngành thời trang dệt may. Bên cạnh đó, ngành dệt may tiếp tục thực hiện đa dạng hóa thị trường, mặt hàng và khách hàng, ứng dụng công nghệ tự động hóa ở một số dây chuyên sản xuất, giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ và chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, khách hàng...
Theo H.Hương