Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản miền Tây 'ngấm đòn' lạm phát
Theo số liệu từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu các mặt hàng thủy, hải sản đã sụt giảm mạnh trong tháng 11. Trước khó khăn về thị trường, nhiều doanh nghiệp thủy sản ở miền Tây cũng đã phải giảm công suất, giảm giờ làm của lao động.
"Thừa hàng, thiếu chợ"
Trao đổi với Nhadautu.vn , ông Nguyễn Văn Kịch, Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Cafatex cho biết, thông thường vào thời điểm tháng 10-12 hàng năm là cao điểm các nhà nhập khẩu tăng mua mặt hàng thủy sản để phục vụ khách hàng dịp lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch. Tuy nhiên, năm nay thì trái ngược hoàn toàn, kể từ giữa tháng 10 cho đến nay doanh nghiệp chưa có đơn hàng mới.
"Các đối tác truyền thống thường xuyên liên hệ để hỏi thăm tình hình sản xuất, giá bán hàng nhưng cho biết do hàng tồn kho còn nhiều nên không đặt thêm đơn hàng mới", ông Kịch cho hay.
Cũng với khó khăn tương tự, ông Trương Vĩnh Thành, Phó tổng giám Tập đoàn Sao Mai cho biết, kể từ tháng 11 và 12, sản lượng xuất khẩu sản phẩm cá tra của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Đa quốc gia IDI-thành viên của Tập đoàn Sao Mai cũng sụt giảm mạnh so với tháng trước. Nguyên nhân là do tình hình lạm phát người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giảm mua hàng
"Mặc dù xuất khẩu giảm nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì việc làm, đảm bảo đời sống cho hàng ngàn công nhân", ông Thành cho biết.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, trong thời điểm lạm phát cao và nhiều quốc gia đã có dấu hiệu suy thoái kinh tế thì người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu.
"Người ta có thể không mua đôi giày, cái áo lúc này nhưng không thể không ăn, đó là lý do vì sao đến nay làn sóng lạm phát toàn cầu mới bắt đầu ảnh hưởng đến ngành thực phẩm, trong đó có mặt hàng thủy sản", ông Lực nói.
Theo ông Lực, đối với Công ty Sao Ta, bắt đầu từ tháng 12 này, khách hàng Nhật cũng đã thông báo tạm ngưng mua hàng, các thị trường khác cũng chưa có đơn đặt hàng mới. "Tuy nhiên, do đẩy mạnh sản xuất ngay đầu năm nên đến thời điểm này Công ty chúng tôi đã hoàn thành kế hoạch sản xuất cả năm", ông Lực cho biết.
Cũng theo ông Lực, mặc dù doanh nghiệp đang phải bắt đầu cắt giảm sản xuất do khó khăn về thị trường nhưng tình huống khó khăn này đã được HĐQT lường trước và với nguồn quỹ phúc lợi được trích lập khỏang 20 tỷ đồng/năm, nên Công ty có đủ nguồn tài chính để chăm lo các chế độ phúc lợi cho người lao động ngay cả khi phải nghỉ chờ việc.
Theo đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dù có nhiều khó khăn vào thời điểm cuối năm, nhưng đến hết tháng 11/2022, ngành thủy sản đã xuất khẩu đạt vượt mốc 10 tỷ USD, dự báo cả năm có thể đạt 11 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.
Tuy nhiên, vị đại diện VASEP cũng lưu ý, với tình hình chung thế giới hiện nay, cho thấy sự tăng trưởng, phát triển đang diễn ra khó đoán. Thị trường giảm nhu cầu trong khi nguồn cung vẫn rất dồi dào. Điều đó sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh bán hàng ngày càng gay gắt hơn, nhất là mặt hàng tôm xuất khẩu.
Xuất khẩu tôm đã đạt kim ngạch trên 4 tỷ USD. ảnh ST
Thị trường sẽ có nhiều "cửa sáng" vào giữa năm sau
Theo nhận định của ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, ngành thuỷ sản tuy đang rơi vào thời điểm khó khăn nhưng với sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, kinh tế vĩ mô của Việt Nam được đánh giá là khá tốt ít bị tác động nhiều bởi các yếu tố bên ngoài như thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.
Ngoài ra, sức khoẻ của doanh nghiệp hiện nay tuy chưa mạnh nhưng chắc chắn sẽ vững hơn giai đoạn 2008 có thể tiếp tục cầm cự để chờ cơ hội bức phá trong thời gian tới.
"Nhiều người hy vọng là cuối Quý I/2023 thị trường sẽ hồi phục. Nếu thực tế tình hình kinh tế thế giới cải thiện mà nhu cầu sớm quay trở lại thì chúng ta có thể hy vọng sớm vượt qua khó khăn trong khoảng Quý II, năm 2023", ông Trương Đình Hòe đưa ra nhận định.
Đồng tình với quan điểm đó, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, đã đưa ra dự báo: Đỉnh điểm khó khăn của các ngành sản xuất, xuất khẩu nói chung, ngành thủy sản nói riêng là trong khoảng thời gian Quý IV/2022 đến Quý I/2023.
Với cách điều hành kinh tế vĩ mô linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, kỳ vọng Quý I/2023 sẽ ổn định hệ thống trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Với nền tảng đó, đến Quý II/2023 hệ thống tài chính, thương mại, dịch vụ sẽ ổn định, dòng vốn sẽ bình thường trở lại với doanh nghiệp sản xuất. Quý IV/2022 sẽ ổn định được hệ thống ngân hàng thương mại, lãi suất sẽ giảm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Cũng theo ông Đinh Thế Hiển, do việc kiểm soát tín dụng để tránh xảy ra "bong bóng" bất động sản và lập lại trật tự trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp nên các hoạt động sản xuất mặc dù diễn ra rất bình thường nhưng phải chịu "vạ lây" như bị siết room tín dụng, tăng lãi suất. Cộng thêm tác động "giảm cầu" của thị trường, làm cho doanh nghiệp sản xuất đang gặp khó khăn kép.
Dự báo xu hướng phát triển của ngành thủy sản, ông Hiển cho biết có thể tháng 6/2023 sẽ là đỉnh điểm của lạm phát trên toàn cầu, sau đó tình hình sẽ dịu đi. Ngành thủy sản năm 2023 sẽ phát triển theo xu hướng trái ngược với năm 2022 là sẽ tăng trưởng chậm vào đầu năm và khởi sắc vào thời điểm cuối năm. Tăng trưởng của ngành được dự báo rất lạc quan không thua năm 2022, trong đó Mỹ vẫn là thị trường mạnh số một.
"Đối sách bây giờ không có bài bản nào thống nhất, tùy thuộc tình huống từng doanh nghiệp. Trước mắt là các doanh nghiệp cần tập trung trao đổi, đàm phán khách hàng tìm cách giảm thiểu khó khăn, thiệt hại. Cùng với đó là các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng quản trị điều hành, tiết giảm tối đa chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị thương hiệu, đa dạng khách hàng để cầm cự và chờ thời cơ tăng tốc, phục hồi sản xuất", ông Đinh Thế Hiển khuyến nghị.
Với vai trò là "người trong cuộc", TS. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Sao Ta cho rằng để vượt qua khó khăn chu kỳ khủng hoảng kinh tế, hay đợt dịch COVID-19 vừa qua thì doanh nghiệp phải có nền tảng vững chắc trên cả 3 trụ cột, đó là quản trị tốt, sản xuất phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và trách nhiệm với cộng đồng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tạo niềm tin vững chắc cho khách hàng, đối tác.
"Khi đã tạo dựng được niềm tin với đối tác thì họ sẽ sẵn sàng đồng hành cùng mình kể cả những lúc khó khăn nhất, cùng nhau chia sẻ rủi ro để vượt qua khó khăn", TS Lực chia sẻ kinh nghiệm.
Tính đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đạt 10,2 tỷ USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2021.Trong đó xuất khẩu tôm đạt kim ngạch trên 4 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ; xuất khẩu cá tra đạt gần 2,3 tỷ USD, tăng 63% so với cùng kỳ; xuất khẩu cá ngừ đạt xấp xỉ 1 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ, xuất khẩu mực, bạch tuột đạt trên 700 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ…
Nguồn VASEP
Theo An Hòa
Nhà đầu tư