3 trụ cột để doanh nghiệp tận dụng FTA Index bứt tốc
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ những góc nhìn sâu sắc về vai trò của FTA Index và 3 trụ cột hành động doanh nghiệp cần thực hiện.
![]() |
- Ông nhìn nhận như thế nào về sự ra đời của bộ chỉ số FTA Index trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết và thực thi nhiều FTA thế hệ mới, đặc biệt đối với một ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may? Ông Vũ Đức Giang: Tôi cho rằng FTA Index là một bộ chỉ số có tính bứt phá và có tính chiến lược. Thứ nhất, nếu chúng ta vẫn làm như trước đây mà không xây dựng các chỉ số như FTA Index hoặc trong trường hợp các nước nhập khẩu đưa ra yêu cầu bắt buộc về chỉ số này mà chúng ta không có, không đáp ứng được, thì doanh nghiệp Việt Nam coi như đứng ngoài cuộc chơi mang tính toàn cầu. Đây là vấn đề thứ nhất tôi muốn khẳng định. Thứ hai, chính các chỉ số này đã và đang thúc đẩy khả năng doanh nghiệp Việt Nam phải thích ứng. Chỉ khi thích ứng được thì chúng ta mới có một sân chơi bình đẳng, ổn định và có vị thế trên thị trường toàn cầu. Thứ ba, xuất phát từ chính những giải pháp đã và đang tiếp tục triển khai. Hiện tại, chúng ta đã ký 17 FTA, tới đây có thể ký thêm một số FTA nữa và có thể sẽ đạt con số 22 FTA. Tất cả các FTA này, các nước nhập khẩu họ đều đưa ra yêu cầu cụ thể về chỉ số đối với nhà sản xuất, đối với các quốc gia xuất khẩu muốn tham gia thị trường toàn cầu của họ. Mỗi quốc gia nhập khẩu sẽ có một bộ tiêu chuẩn khác nhau. |
Chính vì vậy, FTA Index sẽ tiếp tục thúc đẩy năng lực thích ứng của doanh nghiệp - doanh nghiệp phải đầu tư vào con người, đầu tư vào thiết bị công nghệ, đầu tư vào hạ tầng cơ sở và quan trọng nhất là đầu tư để đạt được các chỉ số về tính minh bạch. Sự minh bạch sẽ tạo ra động lực thực sự để chúng ta có thể tiếp cận thị trường toàn cầu nói chung, và thị trường EU nói riêng - vốn là thị trường có yêu cầu cao và chuẩn mực khắt khe. Đó là mục tiêu mà tôi cho rằng ngành dệt may Việt Nam nói riêng và các ngành sản xuất công nghiệp nói chung của đất nước chúng ta phải tuân thủ. Chúng ta phải tạo ra được một hệ giải pháp để từ đó thúc đẩy năng lực thích ứng. Có thích ứng được, thì doanh nghiệp mới có thể phát triển thị trường ổn định, tiến tới phát triển bền vững trong dài hạn. |
- Với một ngành trải dài nhiều địa phương như dệt may, chỉ số FTA Index có hỗ trợ gì cho doanh nghiệp trong việc lựa chọn địa bàn đầu tư và mở rộng sản xuất phù hợp với lợi thế hội nhập? Ông Vũ Đức Giang: Tôi cho rằng chỉ số này có 3 yếu tố tác động đến cộng đồng doanh nghiệp. Thứ nhất, nó thúc đẩy tính công bằng và đặc biệt là tính lan tỏa toàn diện giữa các doanh nghiệp, các địa phương khác nhau. Bởi vì chỉ số này không phải dành riêng cho một doanh nghiệp, cho riêng một vùng miền nào đó, mà chỉ số này yêu cầu tất cả các vùng miền phải tuân thủ theo chỉ số này thì mới có được một sự phát triển thị trường có tính ổn định toàn cầu. Thứ hai, nó tạo ra được một giải pháp đào tạo nguồn lực để chúng ta tuân thủ, vận hành chỉ số này. Nếu chúng ta không có nguồn lực, không có truyền thông, không có đào tạo, không có giải pháp hướng dẫn cho con người của chúng ta, cho bộ máy của chúng ta và cho người quản trị doanh nghiệp hiểu được chỉ số này, thì chúng ta lại đứng ngoài cuộc chơi có tính toàn cầu. Như vậy, con người là một yếu tố then chốt. Thứ ba, đối với cộng đồng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bài học ở đây là chúng ta phải thích ứng, quét các chỉ số này. Vậy thì chỉ số này không phải chỉ dành cho doanh nghiệp lớn, mà kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng phải phù hợp. |
Do đó, chúng ta phải tạo ra một liên kết chuỗi, chính từ chuỗi này, doanh nghiệp lớn sẽ chia sẻ cho doanh nghiệp nhỏ và chính các doanh nghiệp lớn cũng tạo ra nguồn lực, điều kiện để giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ thích ứng - đặc biệt là các doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa. Bởi nếu một lĩnh vực, một ngành mà chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp lớn, hoặc vừa và nhỏ mà không có sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ hơn nữa, thì ngành đó chưa thể gọi là có tính hoàn thiện, chưa có tính toàn diện cho một ngành công nghiệp. Một chỉ số ra đời đã tạo ra động lực và động lực đó lan tỏa có tính toàn diện cho toàn xã hội. Ở đây, không phải là nhận thức của một doanh nghiệp mà là nhận thức của toàn xã hội. Bởi vì mỗi một mắt xích ghép lại xây dựng cho một dòng sản phẩm khác nhau, cho một chuỗi sản xuất nguyên phụ liệu khác nhau, một chuỗi cung ứng khác nhau. Một ngành dệt may Việt Nam không thể làm được tất cả, mà ngành dệt may Việt Nam có sự liên kết với rất nhiều ngành: ngành sản xuất nguyên liệu, ngành sản xuất bao bì, ngành sản xuất phụ liệu, ngành sản xuất điện và ngành sản xuất nước… Tất cả các ngành đó đều phải có mắt xích liên kết với nhau. Vậy chúng ta phải truyền thông lan tỏa một cách đầy đủ nhất nhận thức của xã hội, nhận thức của doanh nghiệp, nhận thức của người dân, nhận thức của bộ máy quản lý, chính quyền địa phương và quản lý nhà nước phải có tính đồng bộ. Chỉ như vậy thì một nước đang phát triển như Việt Nam mới có một vị thế mang tính toàn cầu, trong tầm nhìn hội nhập mang tính toàn cầu. Như vậy chúng ta mới thành công được trong tất cả các lĩnh vực. |
- Ông muốn gửi thông điệp gì đến doanh nghiệp dệt may về việc chủ động tiếp cận, sử dụng FTA Index như một công cụ chiến lược không thể thiếu? Ông Vũ Đức Giang: FTA Index là một công cụ. Tôi phải nói rõ đây là một công cụ chiến lược và công cụ này thúc đẩy một tầm nhìn dài hạn cho doanh nghiệp. Với doanh nghiệp, có 3 việc - hay nói cách khác là 3 trụ cột cần phải thực hiện để có thể tiếp cận và vận hành chỉ số này hiệu quả. Trụ cột thứ nhất, điều đầu tiên là phải hiểu rõ chỉ số FTA Index là gì? Để hiểu được thì các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan truyền thông phải thường xuyên truyền thông. Phải tạo ra một kênh thông tin có tính toàn diện để xã hội nhận thức được, để doanh nghiệp nhận thức được, để người lao động và người dân cùng nhận thức được. Tôi cho rằng, doanh nghiệp muốn phát triển sản phẩm nào để xuất khẩu vào thị trường nào, thì phải hiểu rõ các chỉ số tiêu chuẩn của thị trường đó và FTA Index là một trong số đó. Thứ hai là trụ cột tôi cho rằng cực kỳ quan trọng, đó là bất kỳ chỉ số nào cũng cần có một cơ sở hạ tầng để vận hành. Phải đầu tư vào hạ tầng mạng, nếu chúng ta không đầu tư mà chỉ nghe rồi để đó, thì cũng không giải quyết được gì. Giải pháp ở đây là phải tiếp cận hệ thống mạng, xây dựng hệ thống quản trị có tính toàn diện. Người đứng đầu doanh nghiệp chủ động đưa ra giải pháp phù hợp với chính doanh nghiệp mình, xác định nút thắt ở đâu, tháo gỡ ra sao, làm sao để hiểu và ứng dụng đúng chỉ số này. Thứ ba, cũng là điều tôi đặc biệt nhấn mạnh, chúng ta phải xây dựng được một chuỗi hành động có tính xã hội hóa. Các cơ quan nhà nước không thể "cầm tay chỉ việc" mãi được. Doanh nghiệp phải tự bước bằng đôi chân của mình. Không có con đường nào khác - người đứng đầu doanh nghiệp phải hiểu được tầm quan trọng của chỉ số này, để từ đó đưa ra giải pháp riêng phù hợp với lĩnh vực, ngành hàng mà doanh nghiệp đang hoạt động. |
Chúng ta có nhiều chỉ số, nhưng phải xác định đâu là chỉ số mang tính then chốt. Và với tôi, FTA Index là chỉ số phải tập trung đầu tư. Đầu tư vào đâu? Đầu tư vào con người, hạ tầng và công nghệ. Phải đầu tư vào giải pháp công nghệ thông tin, công nghệ AI, công nghệ quản trị số. FTA Index phải trở thành một thứ giống như "thức ăn hằng ngày". Chúng ta phải hiểu bản chất của nó, phải coi nó là một phần trong hoạt động thường nhật, như một bữa ăn không thể thiếu. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể phát triển ổn định và bền vững. Còn nếu chỉ nghĩ đơn giản là "có một cái chứng nhận" cho một chỉ số rồi yên tâm thì không phải. Không được nghĩ đơn giản như vậy. Chúng ta phải truyền thông liên tục, phải nhắc liên tục, phải vận hành nó hằng ngày. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể đạt được sự ổn định trong tầm nhìn chiến lược của nền kinh tế quốc gia. Trong bối cảnh chính trị và hội nhập toàn cầu đang mở rộng tôi cho rằng đó là yếu tố quan trọng cần được nhận thức đầy đủ. Ở đây, tôi nhấn mạnh doanh nghiệp phải nhận thức một cách đầy đủ, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp. Xin cảm ơn ông! |
Thực hiện: Nguyên Thảo - Thanh Thảo Đồ họa: Ngọc Lan |