• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bí mật khiến 4/5 ứng dụng được tải nhiều nhất ở Mỹ là của Trung Quốc: Chiến thuật "đua ngựa" và "thêu dệt" hệt như cách họ trở thành công xưởng thế giới

Câu chuyện ở đây không chỉ nằm ở thuật toán mà còn là văn hóa cạnh tranh.

Bí mật khiến 4/5 ứng dụng được tải nhiều nhất ở Mỹ là của Trung Quốc: Chiến thuật 'đua ngựa' và 'thêu dệt' hệt như cách họ trở thành công xưởng thế giới - Ảnh 1.

Bí mật giúp các ứng dụng Trung Quốc khiến người Mỹ 'mêt mệt':

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), việc Tiktok phải điều trần trước Nghị viện Mỹ đã thu hút sự chú ý của giới chuyên gia về việc tại sao các nền tảng Trung Quốc lại gây nghiện với giới trẻ Mỹ đến vậy và tại sao các ứng dụng này lại có sức lan tỏa mạnh hơn các đối thủ trên “sân khách”.

Số liệu cho thấy 4/5 ứng dụng được tải nhiều nhất tại Mỹ trong tháng 3/2023 đến từ Trung Quốc. Thông thường mọi người thường nghĩ đến những thuật toán thông minh là nguyên nhân khiến các nền tảng Trung Quốc thu hút giới trẻ, thế nhưng tờ WSJ nhận định chính văn hóa cạnh tranh của doanh nghiệp Châu Á mới là thứ làm nên chuyện.

Hoàn toàn đè bẹp

Cũng tương tự như những gì Trung Quốc đã làm khi vươn lên thành công xưởng thế giới cách đây vài thập niên từ một quốc gia đói nghèo, hiện ngành công nghệ của nước này cũng đang thực hiện chiến lược tương tự: tận dụng lao động tri thức giá rẻ để liên tục cải tiến sản phẩm, gia tăng ưu thế cạnh tranh.

Thậm chí, tờ WSJ còn gắn cho chiến thuật này thuật ngữ “Embroidery” (Thêu dệt).

“Tất cả mọi người đều nỗ lực cải tiến công việc của mình, từng bước một, từng tý một như từng đường kim mũi chỉ khi thêu dệt”, nhà đầu tư mạo hiểm Fan Lu từng đổ tiền cho Musical.ly, tiền thân của Tiktok nói.

Bí mật khiến 4/5 ứng dụng được tải nhiều nhất ở Mỹ là của Trung Quốc: Chiến thuật 'đua ngựa' và 'thêu dệt' hệt như cách họ trở thành công xưởng thế giới - Ảnh 2.

Một minh chứng khác ngoài Tiktok là Temu, nền tảng thương mại điện tử chưa đầy 1 năm tuổi đã nhanh chóng trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất tại Mỹ chỉ trong 3 tuần sau khi ra mắt vào tháng 3/2023. Xếp thứ 2 là Tiktok, rồi đến Capcut và Shein, đều là các nền tảng đến từ Trung Quốc. Mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay là Facebook chỉ đứng thứ 5.

Nếu gõ những hashtag như #temuhaul hay #shienhaul tại Mỹ, người dùng có thể dễ dàng chứng kiến vô số người mua thế hệ trẻ khoe các chiến tích săn hàng trên những trang thương mại điện tử đến từ Trung Quốc này.

Theo WSJ, các nền tảng này được sáng lập bởi những nhà khởi nghiệp công nghệ thuộc thế hệ trẻ của Trung Quốc, vốn đang tìm kiếm sự phát triển trên thị trường quốc tế khi nội địa đã bão hòa vì có quá nhiều ông lớn thành công.

Những doanh nghiệp này khác với các công ty của Mỹ khi tràn ngập các lao động tri thức giá rẻ, vốn là ưu thế nổi trội tại Trung Quốc.

Ví dụ như Temu, dù là một trang thương mại điện tử nhưng hơn một nửa lao động của họ lại là các kỹ sư ngồi tập trung nghiên cứu làm thế nào để gia tăng độ tương tác và click mua hàng của người dùng.

Theo phỏng vấn của WSJ, hàng loạt chuyên gia phân tích, kỹ sư công nghệ và nhà đầu tư nhận định những nền tảng Trung Quốc hoạt động hiệu quả vượt trội so với những đối thủ Mỹ trên chính đất Mỹ. Họ sẵn sàng chi lượng lớn tài chính để quảng cáo ứng dụng của mình, họ sử dụng dữ liệu của hơn 1 tỷ người dùng Trung Quốc để hoàn thiện thuật toán và trí thông minh nhân tạo để xây dựng các nền tảng mới tại Mỹ.

“Họ đang hoàn toàn đè bẹp đối thủ trên thị trường, nơi mà các doanh nghiệp phải liên tục cải tiến sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu thay đổi chóng mặt của người dùng trẻ”, cựu kỹ sư Guo Yu của ByteDance, công ty mẹ của Tiktok, khẳng định.

Đua ngựa

Theo kỹ sư Guo Yu, ByteDance nổi tiếng trong ngành với chiến thuật mang tên “Đua ngựa” (Horse Racing). Cụ thể, họ sẽ thành lập nhiều nhóm để cùng xây dựng một sản phẩm hay dịch vụ theo những hướng khác nhau, nhằm gia tăng cạnh tranh cũng như khả năng lựa chọn.

Thành phẩm của nhóm nào được chọn sẽ nhận được tài nguyên, nguồn vốn đầu tư của công ty trong khi các nhóm thất bại sẽ bị giải tán, thậm chí mất việc. Chính điều này đã làm gia tăng sự cạnh tranh, cải tiến và phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng Trung Quốc.

“Đôi khi mọi người than phiền rằng công ty của mình quá vô tình”, kỹ sư Guo cho biết.

Bên cạnh đó, ByteDance còn chuẩn hóa các giao thức, hệ thống và số liệu chi tiết để đánh giá những gì người dùng thích, qua đó giúp họ tung ra các bản cập nhật mới chỉ trong vài ngày.

Bí mật khiến 4/5 ứng dụng được tải nhiều nhất ở Mỹ là của Trung Quốc: Chiến thuật 'đua ngựa' và 'thêu dệt' hệt như cách họ trở thành công xưởng thế giới - Ảnh 3.

Ví dụ như kiểu lướt dọc đặc trưng của Tiktok hiện nay vốn từng được thiết kế theo nhiều phiên bản khác nhau, bao gồm kiểu 2 cột như của Instagram trước khi đi đến thiết kế cuối cùng. Việc xác định ý tưởng và đi đến bản cập nhật này chỉ tốn vài ngày khi các nhóm nhỏ cạnh tranh nhau nhằm lấy được tài nguyên của công ty.

Đằng sau những thử nghiệm và xây dựng các nhóm nhỏ cạnh tranh một cách tàn nhẫn, WSJ còn cho biết những hãng như ByteDance còn sử dụng lượng lớn lao động công nghệ giá rẻ ngồi hàng giờ đồng hồ nhằm khảo sát phản hồi của người dùng, điều rất khó làm được tại Mỹ. Những nhân viên này sẽ được thưởng nhiều tháng lương dựa trên kết quả làm việc và thành phẩm của mình, khiến họ chấp nhận lao động cật lực với chi phí không tương xứng.

Trong khi đó công ty mẹ của Temu là PDD lại nổi tiếng về văn hóa làm thêm giờ cực kỳ khắc nghiệt, điều trái pháp luật ở Mỹ nếu không được thanh toán tiền làm thêm giờ xứng đáng.

Báo cáo năm 2022 của PDD cho thấy ngân sách đầu tư phát triển sản phẩm của họ đã tăng 15% và phần lớn dành cho thu hút các nhân tài công nghệ.

Tuy nhiên đây không phải khoản chi tốn kém nhất. Tập đoàn này cho biết chi phí tiếp thị bán hàng của họ theo quý thường cao hơn cả doanh thu trong khoảng 2017-2020. Bù lại, nền tảng Pinduoduo, ứng dụng anh em tiền thân của Temu tại Trung Quốc đã tăng trưởng gấp 3 lần từ 244,8 triệu người dùng lên 788,4 triệu.

Hiện PDD có nguồn thu phần lớn từ quảng cáo trực tuyến và hãng mới lần đầu tiên công bố kết quả kinh doanh có lãi kể từ khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng năm 2021.

Đốt tiền

Tờ WSJ cho biết những nền tảng như Temu, Pinduoduo hay Shein đều rất mạnh tay chi tiền để quảng bá thương hiệu. Họ sẵn sàng phát các phiếu mua hàng giảm giá hay những chương trình khuyến mãi, trò chơi có thưởng gây nghiện chỉ với một mục đích: gia tăng số người tải ứng dụng.

Ví dụ như Temu, chương trình marketing của họ vươn tới mọi nền tảng, từ Facebook cho tới thư điện tử. Thậm chí vào tháng 2/2023, hãng đã phát sóng quảng cáo trên Cuper Bowl, giải bóng nhiều người xem nhất nước Mỹ.

Đây vốn là chiến thuật thường thấy ở Trung Quốc và đã chứng minh được sự thành công khi càng nhiều người tải ứng dụng, dù chưa biết có dùng hay không nhưng hãng có thể thu thập được thêm dữ liệu, cải tiến sản phẩm và thu hút tiếp thêm người dùng, tạo nên một vòng lặp hiệu quả.

“Khi các doanh nghiệp Trung Quốc thấy có cơ hội thì họ sẽ sẵn sàng vung tiền đầu tư quảng bá tại thời điểm mọi thứ mới bắt đầu, và số tiền đổ vào cũng lớn hơn nhiều so với các đối thủ Mỹ”, chuyên gia phân tích Ivy Yang của Alibaba Group Holding nhận định.

Bí mật khiến 4/5 ứng dụng được tải nhiều nhất ở Mỹ là của Trung Quốc: Chiến thuật 'đua ngựa' và 'thêu dệt' hệt như cách họ trở thành công xưởng thế giới - Ảnh 4.

Tất nhiên không phải lúc nào chiến thuật này cũng thành công. Ví dụ Alibaba đã tung ra AliExpress suốt 13 năm qua cho thị trường quốc tế nhưng vẫn chưa thể trở nên nổi tiếng tại Mỹ. Thế rồi ByteDance trước khi tung Tiktok cũng đã có TopBuzz, thế nhưng đây lại là quả bom xịt và bị dẹp bỏ sau đó.

Với Temu, hãng cũng nhận được nhiều lời than phiền về chậm giao hàng hay giá rẻ nhưng chất lượng sản phẩm tệ.

Tuy nhiên trong thời buổi lạm phát hiện nay, những mặt hàng siêu rẻ của Temu lại phù hợp với thị hiếu của phần đông người dân Mỹ.

“Cuộc khủng hoảng năm 2008 đã khiến Amazon với các sản phẩm giá rẻ từ nhà máy Trung Quốc trỗi dậy. Hiện giờ là lúc đến lượt Temu tỏa sáng”, nhà đầu tư mạo hiểm Fan Lu nhận định.

Dê tế thần?

Với vị thế là nền kinh tế số 1 thế giới, nơi khai sinh của hàng loạt những công nghệ tiên phong thời đại như Facebook, Apple, Microsoft..., việc các doanh nghiệp Mỹ mất lợi thế trên chính sân nhà là điều khó có thể chấp nhận với nhiều người.

Tờ WSJ nhận định sự thành công quá nhanh chóng của các ứng dụng Trung Quốc đã khiến họ trở thành vật hy sinh hay “con dê tế thần” trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng. Chính quyền Washington đã đe dọa sẽ cấm Tiktok nếu ByteDance không bán thương hiệu này cho nước ngoài. Mới đây, CEO Shou Zi Chew của Tiktok cũng đã phải ra điều trần trước Nghị viện vì vấn đề “đe dọa an ninh dữ liệu người dùng Mỹ”.

Trong khi chính quyền Bắc Kinh nhiều khả năng thà chấp nhận một lệnh cấm hơn là để các nền tảng của mình rơi vào tay nước ngoài thì WSJ nhận định việc Mỹ đang xem xét thông qua một bộ luật mới sẽ không chỉ ảnh hưởng đến Tiktok mà còn tác động đến toàn bộ nền tảng công nghệ tại Mỹ, bao gồm cả chính ứng dụng của nước này.

Hiện cả Shein và Temu đang cố gắng hạn chế những ảnh hưởng từ vụ Tiktok hiện nay bằng cách tách xa khỏi Trung Quốc.

Năm 2021, Shein đã thay đổi đăng ký công ty mẹ từ Hong Kong sang một doanh nghiệp của Singapore. Phía Temu thì đang đặt trụ sở tại Boston và vận hành kinh doanh tại thị trường Mỹ thông qua một công ty đặt ở Delaware.

*Nguồn: WSJ

Theo Băng Băng

Nhịp sống thị trường


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...