Yêu cầu rút ngắn 6 tháng với cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên
Theo tiến độ được giao, đến hết năm 2024, Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên kết hợp với việc thay thế một phần đê đất sang đê bê tông mới kết thúc thời gian thực hiện. Tuy nhiên, thành phố Hà Nội đã yêu cầu rút ngắn tiến độ 6 tháng. Nhà thầu cũng đã cam kết khắc phục khó khăn, để quyết tâm thực hiện theo tiến độ rút ngắn.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, dự án được chia thành 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư là 815 tỷ đồng. Trong giai đoạn 1 thực hiện được áp dụng một số cơ chế đặc thù là được giao thầu toàn bộ các gói thầu nên việc triển khai thi công nhanh hơn và đáp ứng được tiến độ dự án. Trong triển khai giai đoạn 2 do vướng các vấn đề về giải pháp kỹ thuật nên dự án bị chậm 1,5 năm.
Tháng 6/2022, dự án đã bảo đảm các điều kiện khởi công. Đến nay, toàn bộ hệ thống tường chắn đê đã cơ bản hoàn thành, đơn vị thi công đang bắt đầu triển khai việc đào đê và thay thế phần đê đất. Theo tiến độ được giao, đến hết năm 2024, mới kết thúc thời gian thực hiện. Hiện tại, dự án đang được triển khai thi công 3 ca liên tục và cam kết từ nay cho đến Tết Nguyên đán 2024 sẽ hoàn thành khoảng 1 km, gồm 300 m từ khách sạn Thắng Lợi đến Xuân Diệu và 700m từ đường Lạc Long Quân đến Nhật Tân.
Đối với Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn, ga Hà Nội, Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết, sau nhiều nỗ lực, cố gắng cùng các chỉ đạo kịp thời của UBND thành phố nhằm khắc phục những vướng mắc, khó khăn, đặc biệt, việc thành phố ứng khoảng 700 tỷ đồng từ ngân sách để chi trả, đơn vị tư vấn đã quay trở lại vào đầu tháng 11/2023 và lập lại kế hoạch thực hiện đoạn trên cao của dự án. Dự kiến trong quý II/2024 có thể giải quyết toàn bộ những khó khăn, vướng mắc còn lại, đặc biệt hoàn thành chứng nhận an toàn hệ thống để đưa tuyến vào khai thác thương mại.
Trước thực tế nhiều dự án giao thông quan trọng trên địa bàn Thủ đô có tiến độ thực hiện kéo dài, ảnh hưởng đến việc di chuyển của nhân dân, thậm chí, một số dự án kéo dài dẫn đến lãng phí nguồn lực cho phát triển, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã có những chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp để hoàn thành các dự án. Bước đầu, nhiều dự án đã có những chuyển biến tích cực với tiến độ cam kết hoàn thành đưa vào sử dụng trong thời gian tới.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, về thứ tự ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, thành phố dành quan tâm hàng đầu cho các dự án cấp bách, trọng điểm, các đường vành đai hướng tâm, đường sắt đô thị, hoàn thiện dứt điểm các hầm chui, cầu vượt tại các nút mà quá tải và có tình trạng ùn tắc; tiếp đó, đầu tư các cầu qua sông Hồng, các tuyến kết nối với tỉnh ngoài liên kết với phương tiện hướng Bắc, Tây Bắc nhằm giảm tải cho trung tâm Thủ đô và đầu tư các cái đoạn kết nối vành đai, kết nối các đường cao tốc, các dự án phục vụ cho 4 huyện lên quận… qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô.
Theo Nguyễn Thắng