Thông tàu được 6 năm, vì sao tuyến đường sắt 67.000 tỷ của Trung Quốc vẫn dừng ở "dấu ba chấm"?
Hóa ra việc xây dựng đường sắt và hạ tầng đô thị liên quan ở quốc gia tỷ dân không phải là không có vấn đề.
Bên cạnh đường sắt cao tốc, mạng lưới đường sắt đô thị cũng đang được Trung Quốc đầu tư xây dựng ở các khu vực đông dân cư nhằm giảm áp lực giao thông đô thị cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế.
Nhưng có một tuyến đường sắt đô thị tại Thành phố Thanh Đảo (Qingdao) thuộc Tỉnh Sơn Đông (Shandong) dù đã xây xong gần 6 năm nhưng vẫn chưa được đưa vào hoàn thiện.
Cụ thể khu vực xung quanh ga đường sắt đô thị tại Ngao Sơn Loan (Aoshanwan) - ga cuối của tuyến đường sắt đô thị số 11 của Thanh Đảo - vẫn chưa được khai trương, thậm chí nó còn đang ngập nước và cỏ mọc um tùm.
Đầu tiên cần lưu ý rằng tuyến đường sắt đô thị này là tuyến thứ 3 được xây dựng ở địa phương được bắt đầu từ ga Miêu Lĩnh (Miaoling) thuộc Quận Lao Sơn (Laoshan) tới ga Ngao Sơn Loan ở Quận Tức Mặc (Jimo) và được đưa vào hoạt động vào tháng 4/2018.
Tuyến đường sắt đô thị 11 này có tổng chiều dài 58,35 km, tổng vốn đầu tư khoảng 19,5 tỷ Nhân dân tệ (67.000 tỷ đồng) với 22 ga trong đó có 4 ga ngầm và 18 ga trên mặt đất và trên cao.
Tại sao tuyến metro nói chung và ga metro nói riêng được xây dựng với kinh phí đắt đỏ như vậy lại trở thành thế này?
Hôm 30/11, phóng viên của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã đi trên tuyến metro số 11 này để đi tới ga metro Tiền Cốc Sơn (Qiangushan) - điểm dừng trước ga Ngao Sơn Loan, đồng thời hỏi nhân viên đường sắt tại đây khi nào ga sau được mở cửa.
Để tới được khu vực ga Ngao Sơn Loan, các phóng viên CCTV đã phải bắt taxi để đi tiếp quãng đường 4 km dọc theo cao tốc ven biển trong khoảng 10 phút.
Sau đó do taxi thể đi vào khu vực nên các phóng viên đã phải đi bộ thêm 15 phút để đến ga này.
Hóa ra ga Ngao Sơn Loan nằm độc lập trong một bãi triều rộng, phía bắc có đường ven biển và phía nam là Vịnh Ngao Sơn, xung quanh cỏ dại mọc um tùm, khu vực xung quanh ga toàn đường đất và một số ao hồ bỏ hoang.
Người này cũng lưu ý rằng vẫn có các nhân viên tới ga Ngao Sơn Loan để bảo vệ và dọn dẹp.
Không ảnh cũng cho thấy có 2 ngôi làng nằm cách ga khoảng 3 km, một người dân làng cho biết rằng trước đây mình có nghe thấy các kế hoạch phát triển khu vực xung quanh ga nhưng nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
Thỉnh thoảng, các đoàn tàu đi vào ga và vẫn có thể nhìn thấy điểm cuối của đường ray.
Vào ngày 1/12, các phóng viên đã điện thoại vào đường dây nóng của tuyến đường sắt đô thị số 11 và được cho biết ga Ngao Sơn Loan vẫn chưa mở cửa và không thể ra vào ga.
Nhân viên trực đường dây nóng cũng cho biết thời gian mở cửa sẽ được thông báo trên trang web chính thức của tuyến trong thời gian sớm nhất.
Tìm hiểu sâu hơn, phóng viên của CCTV đã phát hiện ra rằng vào tháng 4/2018, tờ "Nhật báo Thanh Đảo" đã đề cập về ga Ngao Sơn Loan trong một bài viết rằng "trong những ngày đầu khai trương, vẫn chưa đường nhựa tiếp cận ga và ga này nằm khá xa khu vực trung tâm đô thị".
Và vào tháng 11/2021, người đứng đầu Tập đoàn Đường sắt đô thị Thanh Đảo cũng đã ra tuyên bố rằng do lượng hành khách xuống ga Ngao Sơn Loan rất ít và cơ sở vật chất chưa hoàn thiện nên chưa thể mở cửa vào thời điểm đó.
Vị quan chức cũng lưu ý rằng quyết định mở cửa ga sẽ phụ thuộc vào thay đổi trong lưu lượng hành khách. Điều tương tự cũng được các quan chức của tập đoàn lặp lại vào năm 2022 và 2023.
Được biết vào tháng 11/2023, các quan chức quy hoạch Thành phố Thanh Đảo đã cho biết rằng quy hoạch tuyến đường sắt đô thị số 11 phù hợp với quy hoạch chung của thành phố.
Tuy nhiên do quy hoạch của Thành phố Thanh Đảo "ở mức vừa phải" nên hiện tại vẫn chưa có cơ sở vật chất (đường nhựa và bến xe bus) hỗ trợ cho ga. Hoạt động vận chuyển hành khách sẽ được tiến hành khi các công trình hỗ trợ xung quanh được hoàn thành.
Trước đó vào tháng 9/2023, Chủ tịch Quận Tức Mặc - nơi đặt ga - cho biết rằng khu vực này nằm trong quy hoạch xây dựng Thành phố Ngao Sơn Loan trong tương lai. Do quy hoạch này mới chỉ ở giai đoạn chuẩn bị nên việc xây dựng vẫn chưa thể bắt đầu.
Theo Hoài Giang
Đời sống & pháp luật