• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị xã Sơn Tây phát huy trầm tích lịch sử 555 năm

Hình thành từ hơn nửa thiên niên kỷ trước, đất và người Sơn Tây gắn liền với truyền thống lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc. Phát huy nội lực 555 năm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ nhằm xứng đáng với vị thế đô thị trung tâm xứ Đoài.

Tự hào lịch sử 555 năm

Thị xã Sơn Tây với vị trí cửa ngõ Tây Bắc của Hà Nội, có vai trò quan trọng trong giao thương, kết nối trong vùng Thủ đô và các vùng xung quanh.

Theo các tư liệu lịch sử, tên “Sơn Tây” đã xuất hiện cách đây 555 năm. Sử sách ghi lại rằng, năm 1469, vua Lê Thánh Tông đi kinh lý qua đây, thấy mảnh đất này có nhiều ngọn núi và nằm ở phía Tây Kinh thành Thăng Long nên đặt tên là Sơn Tây thừa tuyên, gồm 6 phủ, 24 huyện.

Thị xã Sơn Tây phát huy trầm tích lịch sử 555 năm

Lãnh đạo thành phố Hà Nội tặng hoa chúc mừng thị xã Sơn Tây nhân dịp kỷ niệm 200 năm thành cổ

Sau đó, qua các thời kỳ lịch sử lần lượt đổi là xứ Sơn Tây, trấn Sơn Tây, tỉnh Sơn Tây. Thị xã Sơn Tây trong các thời kỳ đó là trấn lỵ, tỉnh lỵ. Năm 1924, thực dân Pháp đổi tỉnh lỵ Sơn Tây thành thị xã Sơn Tây.

Trải qua quá trình hình thành và phát triển, địa giới hành chính của thị xã Sơn Tây có nhiều thay đổi và ngày càng được mở rộng theo thời gian. Thị xã từng nhiều lần tách, nhập vào các tỉnh Sơn Tây, Hà Sơn Bình, Hà Tây, thành phố Hà Nội. Hiện nay, Sơn Tây là thị xã duy nhất của Thủ đô Hà Nội.

Về mặt quân sự, với địa hình bán sơn địa nối liền với vùng núi của huyện Ba Vì, Sơn Tây là địa bàn thuận lợi để xây dựng thành khu vực phòng thủ hoặc căn cứ chiến đấu.

Trong suốt chiều dài lịch sử, nơi đây luôn được coi là vùng đất có vị trí chiến lược về mặt quân sự. Nhân dân Sơn Tây luôn tự hào là một trong những lũy thép bảo vệ Kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay.

Thị xã Sơn Tây phát huy trầm tích lịch sử 555 năm

Toàn cảnh thị xã Sơn Tây nhìn từ trên cao

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mỗi làng, xã, mỗi tổ, cụm dân phố của thị xã đều là một thành lũy kháng chiến. Sơn Tây tự hào vì có những đóng góp cho thắng lợi chung của dân tộc: 362 người tham gia lực lượng vũ trang, 59 đồng chí hy sinh anh dũng, 136 đồng chí là thương binh; hàng trăm gia đình là cơ sở cách mạng.

Ngày 3/8/1954, thị xã Sơn Tây được hoàn toàn giải phóng. Từ đó, ngày 3/8 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, quân và dân Sơn Tây, đánh dấu thành quả một giai đoạn anh dũng quật cường, ý chí sắt đá và tinh thần đoàn kết trong đấu tranh cách mạng.

Phát huy nội lực, kiến tạo "đô thị phía Tây"

70 năm sau giải phóng, thị xã Sơn Tây đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ nhằm xứng đáng với những lợi thế về vị trí địa lý, lịch sử, văn hoá và Nhân dân anh hùng.

Đáng chú ý, Sơn Tây càng ngày càng chứng tỏ sức hút về mặt du lịch. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, các hoạt động kinh tế du lịch tiếp tục phát triển với hơn 60 vạn lượt khách tới thăm quan các điểm di tích lịch sử - văn hóa - tín ngưỡng đặc trưng của vùng đất Sơn Tây - Xứ Đoài như: Thành cổ, làng cổ, Văn Miếu - Sơn Tây, đền Và, chùa Mía...

Thị xã Sơn Tây phát huy trầm tích lịch sử 555 năm

"Tết làng Việt" tại Sơn Tây với nhiều hoạt động đặc sắc, đậm tính cổ truyền

Đặc biệt, mới đây, thị xã Sơn Tây đã vinh dự đón đoàn công tác của đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước thăm, động viên Nhân dân xã Đường Lâm nhân dịp kỷ niệm 23 năm Ngày Gia đình Việt Nam.

Về tầm nhìn tương lai, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nội dung quy hoạch tỉnh được lập theo Luật Quy hoạch năm 2017 với mục tiêu tích hợp các nội dung đa ngành, đa lĩnh vực.

Do đó, Sơn Tây với vai trò là một cấu trúc trong tổng thể phát triển của Thủ đô Hà Nội sẽ có những vai trò, chức năng và vị thế trong tình hình mới.

Cụ thể, Sơn Tây được xác định là đô thị cửa ngõ vùng thủ đô, là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch phía Tây Bắc của Hà Nội có tính chất cơ bản là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, đô thị xanh, đô thị vệ tinh, cửa ngõ phía Tây Bắc của Hà Nội với vị trí quan trọng về an ninh - quốc phòng; là đầu mối giao thông quan trọng của Thủ đô trên tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 32, đường Vành đai 5; là hạt nhân để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội.

Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho hay, 6 tháng cuối năm 2024 có ý nghĩa quyết định hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong năm nay, cũng là tiền đề quyết định đến việc hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI của thị xã Sơn Tây, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Thị xã Sơn Tây phát huy trầm tích lịch sử 555 năm

Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn

Đồng chí Trần Anh Tuấn đề nghị các đơn vị thuộc thị xã chuẩn bị tổ chức chu đáo lễ kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã, 70 năm Giải phóng Sơn Tây, 555 danh xưng Sơn Tây; hoàn thành đề án bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị Làng cổ Đường Lâm và một số di tích gắn với phát triển du lịch thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến năm 2035.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...