• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều hoạt động đặc sắc được tổ chức nhân Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4

Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 2022” sẽ diễn ra diễn đàn văn hóa với chủ đề “Phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa”.

Nhiều hoạt động đặc sắc

Chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 16 - 19/4 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội với nhiều hoạt động đặc sắc.

Trong đó, điểm nhấn là Diễn đàn văn hóa với chủ đề "Phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa" diễn ra ngày 16/4 tại nhà chiếu phim, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Lễ mừng lúa mới của đồng bào Gia Rai sẽ được tái hiện tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam

Lễ mừng lúa mới của đồng bào Gia Rai sẽ được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Diễn đàn là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4; Thiết thực triển khai Hội nghị Văn hóa toàn quốc là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa và những tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc cùng nhau nghiên cứu, thảo luận, đánh giá làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc ở nước ta trong xây dựng môi trường văn hóa.

Diễn đàn sẽ tập trung vào nội dung xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Từ đó, diễn đàn có những đề xuất giải pháp, kiến nghị thiết thực nhằm thực hiện tốt mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Các tác giả tham gia viết bài hội thảo có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa từ các viện nghiên cứu, trường đại học, hội văn học nghệ thuật, văn nghệ dân gian và những người am hiểu, có kinh nghiệm bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số từ các tỉnh, thành phố; Các chuyên gia, nhà quản lý văn hóa đến từ các Cục, Vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lãnh đạo một số địa phương; Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố.

Các lễ hội được tái hiện phong phú, hấp dẫn

Trong khuôn khổ Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra Hội nghị gặp mặt Nghệ nhân, người có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc (ngày 18/4). Những nghệ nhân, người dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ báo công, viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt và Hội nghị biểu dương, trao đổi học hỏi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc.

Bên cạnh đó, triển lãm "Sen trong đời sống văn hóa Việt" (ngày 16/4) sẽ giới thiệu hình ảnh hoa sen với nhiều nét tương đồng với người Việt giản dị, thanh cao, bất khuất, kiên cường. Sen còn là hình tượng phổ biến trong kiến trúc, điêu khắc của người Việt, trong nghệ thuật, văn học, ẩm thực.

Một số không gian trưng bày các mặt hàng thủ công, ẩm thực truyền thống, giới thiệu và quảng bá các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể: Trưng bày ảnh sen với chủ đề "Sen trong đời sống văn hóa Việt"; Trình diễn, giới thiệu bộ sưu tập áo dài sen và các gian hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm từ sen..

Các sản phẩm từ sen (Ảnh minh họa)

Các sản phẩm từ sen (Ảnh minh họa)

Trong dịp này, nhiều lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc cũng được tái hiện như: Lễ cấp sắc của dân tộc Dao; Lễ kin chiêng boọc mạy của dân tộc Thái; Lễ mừng lúa mới của dân tộc Gia Rai và các hoạt động diễn tấu cồng chiêng, dân ca dân vũ dân tộc Gia Rai; Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer.

Ngoài ra, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng giới thiệu, tái hiện nét văn hóa trong cuộc sống hàng ngày, nghi lễ, trang phục, dân ca, dân vũ, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, trò chơi, phong tục tập quán… đến du khách.

Được biết, khoảng 205 người, 17 cộng đồng dân tộc của 13 tỉnh, thành phố đại diện cho các dân tộc, vùng miền và 100 người của 13 dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc: Mường (Hòa Bình), Thái (Sơn La), Khơ Mú (Nghệ An), H'mông (Hà Giang), Tày, Nùng (Thái Nguyên), Dao (Hà Nội), Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế), Ba Na (Gia Lai), Xơ Đăng (Kon Tum), Ê Đê (Đắk Lắk), Khmer (Sóc Trăng) sẽ tham dự sự kiện.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...