• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mỹ hành động đặc biệt giữa nơi Trung Quốc "cắm rễ" ảnh hưởng: Sáng kiến của ông Tập gặp đối thủ?

Mỹ đang cố gắng thách thức ảnh hưởng của Trung Quốc ở Châu Phi, và đặt cược vào Angola như một trường hợp thử nghiệm.

 

Tổng thống Angola Joao Lourenco chào đón Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trước cuộc hội đàm ở thủ đô Luanda vào tuần trước. Ảnh: EPA-EF

Tổng thống Angola Joao Lourenco chào đón Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trước cuộc hội đàm ở thủ đô Luanda vào tuần trước. Ảnh: EPA-EF

Dự án lớn đầu tiên của Mỹ ở châu Phi trong nhiều thập kỷ

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã cấp vốn cho các dự án lớn ở châu Phi - bao gồm cảng, đường sắt và đập thủy điện… theo Sáng kiến "Vành đai và Con đường" trị giá hàng nghìn tỷ USD do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2013, trong khi Mỹ chủ yếu bỏ qua lục địa này. Nhưng giờ Washington không còn đứng bên lề nữa.

Mỹ cam kết đầu tư 1 tỷ USD để đại tu tuyến đường sắt Lobito Đại Tây Dương kéo dài 1.300 km. Ảnh: President_RDC (X)

Mỹ đã cam kết đầu tư 1 tỷ USD để đại tu tuyến đường sắt Lobito Đại Tây Dương - dự án lớn đầu tiên ở châu Phi trong nhiều thập kỷ, sẽ kéo dài 1.300 km xuyên qua Zambia giàu khoáng sản và Cộng hòa Dân chủ Congo để tạo thành hành lang hậu cần đến Cảng Lobito trên Đại Tây Dương ở nước láng giềng Angola.

Washington cũng đang hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) để xây dựng tuyến đường sắt mới dài 800 km giữa Angola và Zambia.

Trong chuyến thăm Angola vào tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, khoản đầu tư vào đường sắt này là "khoản đầu tư lớn nhất mà Mỹ thực hiện vào đường sắt trên lục địa châu Phi trong hơn một thế hệ".

"Đó là trọng tâm của quan hệ đối tác đầu tư toàn cầu và cơ sở hạ tầng của chúng tôi ở Angola", ông Blinken nói, đề cập đến sáng kiến của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) do Tổng thống Mỹ Joe Biden dẫn đầu nhằm huy động 600 tỷ USD trên toàn cầu cho các dự án.

Ông Blinken cho biết, khoản đầu tư vào Angola "sẽ đảm bảo chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng cần thiết cho tương lai kinh tế của tất cả các quốc gia, các ngành công nghiệp của chúng ta".

Theo SCMP, Mỹ và các đồng minh châu Âu muốn chia sẻ khoáng sản để sản xuất pin từ CHDC Congo - nước sản xuất coban lớn nhất thế giới. Zambia cũng rất giàu đồng và coban. Hầu hết các khoáng sản đó đều được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nhưng theo SCMP, ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ở Angola rất sâu sắc. Bắc Kinh đã tài trợ cho việc tái thiết đất nước giàu dầu mỏ này sau cuộc nội chiến kéo dài 27 năm và kết thúc vào năm 2002.

Kể từ đó, Angola đã nhận được 45 tỷ USD từ phía Trung Quốc, chiếm hơn 1/4 tổng số tiền cho vay của Trung Quốc dành cho các nước châu Phi từ năm 2000 đến năm 2022.

Chính ở đó, Trung Quốc đã đi tiên phong trong các khoản vay được hỗ trợ bằng dầu mỏ như một cách để tiếp cận nguồn tài trợ của Trung Quốc nhằm phát triển cơ sở hạ tầng theo cái được gọi là "mô hình Angola". Mô hình này đã thành công cho đến khi giá dầu giảm, khiến việc trả nợ trở nên đắt đỏ.

Tổng thống Angola Joao Lourenco đã hứa sẽ đa dạng hóa nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ của nước này và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Giáo sư Tang Xiaoyang - Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) - cho biết, dự án Hành lang Lobito rất "đáng chú ý" vì Mỹ đã không đầu tư vào cơ sở hạ tầng truyền thống như vậy ở châu Phi trong nhiều thập kỷ.

"Sẽ rất thú vị khi xem cơ sở hạ tầng này được triển khai như thế nào trong bối cảnh đảm bảo nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng cho Mỹ", Tang nói.

Tuy nhiên, ông Tang nói rằng, hai năm sau khi công bố kế hoạch xây dựng Hành lang Lobito, "chúng tôi vẫn chưa thấy nhiều tiến bộ cụ thể trên thực tế mà chủ yếu lặp lại những lời lẽ chính trị".

Cameron Hudson - cựu quan chức Mỹ, hiện là cộng tác viên cấp cao của Chương trình Châu Phi của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington - cho biết, Mỹ dường như đang sao chép chiến lược "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.

"Dự án này đã được các quan chức Mỹ công bố và ca ngợi hàng chục cách khác nhau, nhưng vẫn chưa xây dựng được 1 km đường sắt", Hudson nói.

Ông Hudson lưu ý rằng, châu Phi quan trọng đối với cả Bắc Kinh và Washington. "Điều này quan trọng vì lý do bỏ phiếu của Liên hợp quốc, vì các khoáng sản quan trọng, vì tiềm năng đầu tư và giành được thiện chí của khu vực sẽ sớm trở thành khu vực đông dân nhất thế giới."

Phản ứng của Mỹ đối với "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc

Theo SCMP, chuyến thăm Angola của Ngoại trưởng Mỹ Blinken là một phần trong chuyến công du 4 quốc gia châu Phi cũng đưa ông đến Cabo Verde, trước đây là Cape Verde - nơi Washington đã hứa sẽ giúp đỡ trong cuộc chiến của nước này chống lại nạn buôn bán ma túy, vũ khí và buôn người.

Ông Blinken cũng đến thăm Bờ Biển Ngà và Nigeria - những đồng minh chủ chốt ở Tây Phi, nơi Mỹ đang cung cấp viện trợ cả tài chính và quân sự để họ đối đầu với những phần tử cực đoan.

Chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Blinken diễn ra ngay sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kết thúc chuyến thăm đầu năm mới thường niên tới châu Phi.

Vào ngày 22/1 tại Bờ Biển Ngà, khi trả lời câu hỏi về đề xuất của Washington đối với các nước châu Phi khác với đề xuất của Bắc Kinh như thế nào, ông Blinken cho biết, đối với Mỹ, "thách thức là chứng tỏ rằng chúng tôi đưa ra một lựa chọn tốt".

Ông Blinken nói: "Ví dụ, khi một số quốc gia cho vay rất nhiều tiền, nhưng khi làm như vậy lại tạo ra những khoản nợ không bền vững, đó là một vấn đề. Chúng tôi không muốn làm điều đó."

Theo SCMP, Trung Quốc đã bác bỏ tuyên bố rằng họ đang tạo gánh nặng hoặc bẫy nợ cho các quốc gia bằng những khoản vay mà họ không thể trả được. Trung Quốc cũng chỉ trích các tổ chức tài chính đa phương và chủ nợ thương mại do Mỹ quản lý, chiếm hơn 80% nợ công của các nước đang phát triển.

Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Ouattara (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bước vào dinh tổng thống ở Abidjan, Bờ Biển Ngà, vào ngày 17/1. Ảnh: Reuters

Ken Opalo - phó giáo sư tại Trường Ngoại giao thuộc Đại học Georgetown (Mỹ) - cho biết, Trung Quốc từ lâu đã nhận ra tầm quan trọng của việc chú ý đến khu vực châu Phi.

Ông Opalo nói, trong 34 năm, chuyến đi đầu tiên trong năm mới của các Ngoại trưởng Trung Quốc luôn đưa họ tới châu Phi và những chuyến thăm này là một cách để tăng cường quan hệ thương mại và ngoại giao.

Tuy nhiên, "Mỹ đang bắt kịp", Opalo nói thêm.

"Trong năm qua, Mỹ cũng đã bắt đầu cử các quan chức cấp cao tới các nước châu Phi. Đây là phản ứng trước sự cạnh tranh của Trung Quốc và lời khuyên từ châu Phi rằng Washington không đối xử tôn trọng với những người đồng cấp châu Phi", Opalo nói.

Ông Opalo nói: "Dự án Hành lang Lobito chắc chắn là phản ứng của Washington đối với [Vành đai và Con đường] của Trung Quốc."

"Dự án [Lobito] này, nếu được triển khai, sẽ chứng minh liệu Mỹ và các đồng minh có thể cạnh tranh với Trung Quốc trên khía cạnh này hay không", Opalo nói thêm.

Theo Hữu Hiền


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...