Mỹ đưa 2 trang thương mại điện tử lớn của Trung Quốc vào danh sách bán hàng giả, hàng nhái
Các trang thương mại điện tử do Tencent và Alibaba của Trung Quốc điều hành đã được đưa vào danh sách 'thị trường bán hàng nhái, hàng giả' mới nhất của chính phủ Mỹ.
Danh sách do Văn phòng đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) công bố ngày 17/2 bao gồm 42 trang trực tuyến và 35 hệ thống bán hàng ngoại tuyến được báo cáo là tham gia hoặc tạo điều kiện cho việc làm giả nhãn hiệu hoặc vi phạm bản quyền.
Bên cạnh trang thương mại điện tử AliExpress của Alibaba và WeChat ABaidu Wangpan, USTR còn xác định thêm các tra như DHGate, Pinduoduo và Taobao cùng 9 kênh bán hàng khác tại Trung Quốc đã tham gia "sản xuất, phân phối và bán hàng giả".
Theo hãng tin Reuters, đây là lần đầu tiên AliExpress và WeChat bị đưa vào danh sách vì đã tạo điều kiện cho việc làm giả nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trang thương mại điện tử AliExpress của công ty công nghệ hàng đầu Alibaba bị liệt vào danh sách bán hàng giả, hàng nhái.
Alibaba cho biết họ sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chính phủ để giải quyết những lo ngại về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các nền tảng của mình.
Tencent, công ty mẹ của WeChat, phản đối quyết định của Mỹ song cam kết sẽ "hợp tác" để giải quyết vấn đề. Công ty này khẳng định đã đầu tư nguồn lực đáng kể vào việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tích cực theo dõi, ngăn chặn và hành động khi xảy ra vi phạm trên các nền tảng của mình.
Reuters nhận định việc bị đưa vào danh sách là một đòn trừng phạt của Mỹ, ảnh hưởng đáng kể đến uy tín và hình ảnh của các công ty. Một số hiệp hội doanh nghiệp Mỹ hoan nghênh quyết định của USTR.
Trước đó, hôm 17/2, trong một báo cáo khác do USTR công bố, cơ quan này kêu gọi Mỹ theo đuổi các chiến lược mới và cập nhật các công cụ thương mại nội địa để đối phó với "các chính sách và cách hành xử phi thị trường".
Trong một tuyên bố, người đứng đầu USTR Katherine Tai nêu rõ: “Hành vi buôn bán bất hợp pháp cũng làm gia tăng nguy cơ gây tổn hại đối với những người lao động có liên quan đến việc sản xuất hàng giả để bóc lột sức lao động, và hàng giả có thể tạo ra những nguy cơ đáng kể đối với sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng cũng như người lao động trên toàn thế giới”
Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Trung Quốc chưa lên tiếng bình luận về vấn đề này. Quan hệ Mỹ - Trung Quốc đã căng thẳng nhiều năm qua vì các vấn đề về thuế quan, công nghệ và sở hữu trí tuệ.
Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc đã không thực hiện tốt một số cam kết trong hiệp định thương mại "Giai đoạn 1" do chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump ký cách đây hai năm.
Tham khảo: Reuters
https://cafef.vn/my-dua-2-trang-thuong-mai-dien-tu-lon-cua-trung-quoc-vao-danh-sach-ban-hang-gia-hang-nhai-20220218133543379.chn